- Mới đây, một giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội kiến nghị bỏ luyện chữ đẹp và tính nhẩm nhanh cho học sinh tiểu học, quan điểm của Bộ về đề xuất này?
- Việc dạy môn tập viết ở trường tiểu học được thực hiện theo quy trình khoa học, phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ và cũng có tác dụng rèn tính cẩn thận, chính xác, góp phần phát triển khiếu thẩm mỹ của học sinh. Thời lượng dành cho môn tiếng Việt đã được tính toán kỹ đảm bảo cho tất cả học sinh hình thành kỹ năng viết, nghe, nói.
Các trường tiểu học cần chỉ đạo việc dạy và học môn tiếng Việt theo đúng yêu cầu của chương trình một cách linh hoạt, không đặt ra yêu cầu cao hơn. Việc rèn thêm về viết chữ đẹp chỉ nên xuất phát từ sự ham thích của học sinh, do gia đình tự nguyện, nhà trường không nên đứng ra tổ chức hoạt động này.
Bộ không khuyến khích việc học sinh đi học luyện chữ đẹp ở các cơ sở bên ngoài nhà trường vì việc đó, nhìn chung, gây áp lực không cần thiết cho học sinh.
- Theo thiết kế chương trình, thời lượng dành cho việc luyện chữ đẹp ra sao, thưa bà?
- Học sinh được rèn luyện kỹ năng viết thông qua các tiết tập viết từ lớp 1 đến lớp 3 và viết chính tả ở các lớp 4, 5.
Dạy học sinh tiểu học viết chữ có quy trình rất cẩn thận, các em phải học từ nét cơ bản lên chữ cái, chữ cỡ nhỏ, cỡ nhỡ, tô rồi mới viết, cách đặt bút, kéo nét lên... Học sinh phải viết đúng trong thời gian khống chế; nếu đạt được 2 yêu cầu đó mà viết đẹp nữa thì càng tốt. Chấm điểm cũng có một phần chữ đẹp.
Tuy nhiên, Bộ không đặt thành vấn đề phải rèn cho mọi học sinh đều viết đẹp. Từ cấp THCS sẽ không có điểm nào dành cho chữ đẹp trong tất cả các bài kiểm tra.
- Nhiều giáo viên tiểu học cho biết cả học sinh và giáo viên đều bị áp lực khi phải ôn luyện để tham dự cuộc thi viết chữ đẹp, ý kiến của Bộ về vấn đề này?
- Năng khiếu của học sinh không giống nhau nên không thể có chuyện tất cả các em đều viết được chữ đẹp như nhau. Nếu trường nào, giáo viên nào quá sa đà vào việc rèn chữ cho học sinh là không đúng với tinh thần chỉ đạo dạy môn tập viết, chính tả ở tiểu học, tạo thêm áp lực, làm ảnh hưởng đến việc học tập, rèn luyện các mặt khác.
Hiện nay, Bộ không tổ chức cuộc thi viết chữ đẹp nào. Việc tổ chức thi viết đẹp dành cho học sinh tiểu học đã bỏ từ rất lâu. Gần đây, chủ trương của Bộ càng rõ hơn: những cuộc thi tốn thời gian, gây áp lực cho học sinh thì phải giảm tối thiểu. Cuộc thi viết chữ đẹp là do một đơn vị khác tổ chức.
- Theo phản ánh của một số giáo viên, nếu không đạt tỷ lệ học sinh có vở sạch chữ đẹp theo quy định thì không được lao động tiên tiến, thực hư việc này ra sao?
- Có thể đó là quy định cụ thể của một số trường chứ không phải phổ biến. Bộ cũng không quy định học sinh phải có vở sạch chữ đẹp. Nhiều khi ở dưới cơ sở họ cụ thể để thực hiện. Tất nhiên, giữ được vở sạch chữ đẹp là việc tốt nhưng không nên đặt thành tiêu chí đánh giá giáo viên, nếu không họ sẽ ép học sinh, tạo áp lực cho các em.
- Các chuyên gia đánh giá nội dung giảng dạy ở tiểu học thiếu nặng nề kỹ năng sống và phải bổ sung ngay, chủ trương của Bộ như thế nào?
- Từ năm 2008, phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực được triển khai, giáo dục kỹ năng sống được đưa vào các trường thông qua các hoạt động. Gần đây, nội dung này cũng được bổ sung khá nhiều và sau năm 2015, khi Bộ thiết kế lại toàn bộ chương trình thì giáo dục kỹ năng sống sẽ bài bản hơn.
Hoàng Thùy