Trần Trọng Biên sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở rốn bão của miền Trung - Hà Tĩnh. Mẹ thường xuyên ốm đau, ông nội già yếu, lao động chính trong nhà em là người bố nhưng 8 năm trước đã không may bị tai nạn giao thông khiến gần như mất sức lao động. 5 miệng ăn của gia đình phụ thuộc vào nguồn thu duy nhất là khu đất cằn để trồng trọt và chăn nuôi. Mưa lũ thường xuyên cộng thêm cái khắc nghiệt của thời tiết miền Trung khiến thu nhập bình quân của các thành viên trong gia đình chỉ khoảng 400.000 đồng/người/tháng.
Vượt lên những khó khăn chồng chất, năm 2010 Trần Trọng Biên đỗ thủ khoa đầu vào Đại học Dược Hà Nội với điểm số cao 29,5, em đồng thời đỗ vào trường Y Hà Nội. Với mong ước tự chế ra những dạng thuốc có chất lượng tốt, giá cả phải chăng thay thế cho thuốc nhập ngoại đắt đỏ mà người dân nghèo đôi khi phải cắn răng mua, Biên chọn vào trường Dược.
Những buổi lên giảng đường với bụng sôi vì đói, cứ chiều tan học lại lóc cóc đạp xe hơn 10 km đi làm thêm đến 22h về ký túc xá mới lót dạ bằng bánh mỳ... là chuyện rất bình thường với chàng trai quê Hà Tĩnh. Chia sẻ với báo giới, Trần Trọng Biên bảo, đôi lần cũng tủi thân lắm nhưng nhớ về ngôi nhà nhỏ liêu xiêu nơi ngoài đê của gia đình cùng lời động viên của bố mẹ, em lại quyết tâm học.
5 năm trên giảng đường, Biên là sinh viên xuất sắc trong học tập, công tác ngoại khóa và luôn "ẵm" được học bổng của nhà trường, các tổ chức xã hội. Em đồng thời nhận bằng khen Đảng viên trẻ thủ đô xuất sắc năm 2013. Với điểm trung bình chung toàn khóa 8.81, điểm rèn luyện xuất sắc, mùa tốt nghiệp năm 2015, Trần Trọng Biên một lần nữa được vinh danh là thủ khoa đầu ra của Đại học Dược Hà Nội. Nam sinh giàu nghị lực này sẽ ở lại trường để truyền thụ kiến thức và niềm đam mê nghiên cứu cho các thế hệ sau.
Thủ khoa phá kỷ lục thăng hàm của Học viện Cảnh sát nhân dân
Thay vì nhận hàm thiếu uý khi tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân như những học viên khác, Nguyễn Phương Linh (lớp B4D36) được Bộ Công an phong hàm trung uý. Đây là thành tích 25 năm qua mới có ở nhà trường.
Thượng tá Phùng Thị Loan, giáo viên chủ nhiệm khoá D36 suốt 4 năm cho biết, Phương Linh tuy bé như con chim chích (cao 1m58, nặng 46 kg) giữa phần đông học viên cao lớn của học viện, nhưng lại có tinh thần thép, sự thông minh, linh hoạt khi giải quyết các vấn đề. Không chỉ học tốt toàn diện các môn văn hoá, em còn năng nổ tham gia hoạt động ngoại khoá, văn nghệ, đi tình nguyện ở vùng xa. Có những lúc bị sốt cao, Linh vẫn nhiệt tình làm phong trào cùng đồng đội.
Là con của một cựu lãnh đạo trong trường nhưng theo nhận xét của thầy cô, bè bạn, Phương Linh chưa một lần tỏ thái độ "con quan" mà luôn hòa đồng, tốt bụng, lễ phép. Đến năm thứ 4-5, một số thầy cô mới biết thân thế của nữ sinh nhiều năm đạt loại xuất sắc, có nhiều giải thưởng trong nghiên cứu khoa học.
Không dựa vào địa vị gia đình mà tự lực cố gắng, các thành tích của Phương Linh, đặc biệt danh hiệu thủ khoa xuất sắc toàn khóa, phá kỷ lục thăng hàm, khiến bạn bè và "đối thủ" cạnh tranh chức thủ khoa đầu ra nể phục.
Thủ khoa phá kỷ lục điểm đầu ra của Đại học Ngoại thương
Chưa bao giờ ở Đại học Ngoại thương có sinh viên đạt điểm đầu ra toàn khóa 3,96/4 như của Trương Huy Hoàng năm nay, đó là khẳng định của trưởng phòng Đào tạo nhà trường Lê Thị Thu Thủy. Trưởng khoa Quản trị kinh doanh nơi Hoàng học tập thì tự hào nhận xét: "Hiếm khi gặp được sinh viên nào xuất sắc toàn diện như thế".
Trương Huy Hoàng có điểm thi đầu vào chỉ đủ đỗ đại học. Ngay khi "vượt vũ môn", thay vì nghỉ ngơi chờ kết quả, em xin bố mẹ cho lên thủ đô học thêm tiếng Anh với quyết tâm thi vào lớp Tiên tiến (cao hơn lớp chất lượng cao) để được học với nhiều giảng viên nước ngoài, mở rộng kiến thức ra tầm quốc tế.
4 năm trên giảng đường đại học có đôi lúc stress do bài vở, hoạt động phong trào, câu lạc bộ nhiều nhưng lớp trưởng lớp tiên tiến luôn giữ được vị trí tốp đầu khoa/trường về thành tích học tập.
Kỳ cuối đại học, Trương Huy Hoàng nộp đơn thực tập vào bộ 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới (Big 4) và được Price Waterhouse Coopers (PWC) nhận vào sau 3 vòng viết luận, phỏng vấn gay cấn với hàng nghìn người đăng ký. Trước khi cầm được bằng tốt nghiệp trên tay, chàng thủ khoa phá kỉ lục điểm đầu ra đã được Big 4 giữ lại làm nhân viên chính thức.
Thủ khoa kép của Đại học Sư phạm trở thành cô giáo trường chuyên Hà Nội - Amsterdam
Năm 2011, Hà Thanh Thủy đỗ thủ khoa đầu vào Đại học Sư phạm Hà Nội với 28,5 điểm khối C. Trước đó nữ sinh quê Lạc Thủy (Hòa Bình) này đạt giải Nhì học sinh giỏi Văn toàn quốc, chỉ cần thi đại học được 14 điểm/3 môn là được chọn trường theo ý thích.
Tự nhận mình là người "học tài tử", không dành quá nhiều thời gian cho bài vở mà còn chia sẻ cho các hoạt động ngoại khóa nhưng điểm trung bình của Thanh Thủy luôn thuộc hàng tốp của trường. Năm học đầu tiên, nữ sinh khoa Ngữ văn nhận giấy khen sinh viên xuất sắc, giải nhì Nghiệp vụ sư phạm cấp khoa môn giảng văn khối I, II. Năm thứ 2 em là sinh viên giỏi; đạt giải nhì Nghiệp vụ sư phạm cấp khoa môn Sân khấu hóa. Năm học 2014-2015, em rinh giải Nhì môn Thiết kế đồ dùng dạy học - ứng dụng công nghệ thông tin.
Lớp trưởng Hà Thanh Thủy ngoài ra còn vinh dự là một trong những đại diện của Việt Nam tham gia Lễ hội khoa học Thanh niên trẻ 21 nước APEC lần thứ 4 (năm 2011) tại Thái Lan; đạt danh hiệu "Sinh viên Thủ đô thời đại mới", "Sinh viên 5 tốt" cấp trường nhiều năm học.
Với điểm học tập toàn khóa 3,77/4, điểm rèn luyện xuất sắc, Thanh Thủy một lần nữa được vinh danh ở ngôi thủ khoa trường đào tạo ngành sư phạm hàng đầu cả nước. Hiện em là giáo viên tập sự ở trường chuyên Hà Nội - Amsterdam để từng bước hoàn thành mục tiêu trở thành cô giáo dạy Văn.
Thủ khoa kép của Đại học Ngoại ngữ - Đại học quốc gia Hà Nội
Sinh ra trong gia đình có bố mẹ đều là bộ đội, Đào Hải Hà thay vì theo học ngành quân sự để "ăn chắc" có việc làm tương lai, lại chọn Đại học Ngoại ngữ quốc gia để phát triển mơ ước thành giáo viên dạy tiếng Đức. Là thủ khoa kỳ thi đầu vào đại học, cô lớp phó chuyên ngành tiếng Đức phiên dịch khoa Ngôn ngữ và văn hóa phương Tây luôn giữ vững phong độ đạt điểm xuất sắc. Năm học nào, Đào Hải Hà cũng rinh về học bổng dành cho sinh viên giỏi nhất khoa, trường.
Nuôi ước mơ trở thành giáo viên, Hải Hà tự nhận thấy kiến thức trong sách giáo khoa không đủ để đứng lớp. 19 tuổi, em xin phép bố mẹ cho sang Đức một năm để phụ giúp việc nhà cho người bản xứ và học tiếng, trải nghiệm văn hóa, cuộc sống của họ. Rời giảng đường một thời gian nhưng khi trở lại, nữ sinh khoa Ngôn ngữ và văn hóa phương Tây vẫn không thua kém bạn bè về kết quả học tập. Năm 2013-2014, em là sinh viên duy nhất của Đại học Ngoại ngữ nhận học bổng nghiên cứu 4 tuần tại viện Herder, Đại học Leipzig Cộng hòa Liên bang Đức. Năm 2015, Hải Hà là một trong 8 đại diện của Việt Nam tham gia trại hè giao lưu tiếng Đức cho sinh viên và giảng viên trẻ Đông Nam Á tại Thái Lan.
Mùa tốt nghiệp năm 2015, em được vinh danh thủ khoa xuất sắc đầu ra với 3,82 điểm học tập toàn khóa. Dù nhận được nhiều lời mời công việc nhưng Hải Hà cho biết đã từ chối để dành thời gian học lên cao hơn nhằm phục vụ công tác giảng dạy sau này.
Quỳnh Trang