Đầu năm 1993, nhóm tri thức do cố giáo sư Ngô Gia Hy đứng đầu ấp ủ dự định thành lập một trường đại học tư thục đầu tiên tại TP HCM. Tháng 9 năm đó Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định ban hành quy chế đại học tư thục. Tuy nhiên, qua thăm dò, điều tra dư luận xã hội, nhận thấy việc mở trường tư thục ở nước ta còn quá mới mẻ nên Bộ Giáo dục – Đào tạo đã ban hành quy chế tạm thời về đại học dân lập.
Vài tháng sau, Hội đồng sáng lập Đại học Dân lập Hùng Vương được thành lập do giáo sư Hy làm Chủ tịch cùng các thành viên là nhà giáo Trần Quốc Huy, Nguyễn Nhã, Nguyễn Chung Tú, Diệp Vĩ Nam…
Sau hơn một năm chuẩn bị các điều kiện để thành lập trường như kêu gọi vốn ban đầu, tập hợp các nhà giáo có tâm huyết, đầu tư trụ sở chính và các cơ sở giảng dạy, thống nhất điều lệ trường… Hội đồng đã có tờ trình lên Bộ Giáo dục – Đào tạo. Đến ngày 14/5/1995 Đại học Hùng Vương TP HCM thành lập theo mô hình trường dân lập với tôn chỉ: Khoa học – Phát triển – Đạo đức.
Những năm sau đó, Đại học Hùng Vương phát triển khá ổn định và bước đầu đã tuyển được lượng sinh viên đáng kể. Bà Tạ Thị Kiều An - Phó hiệu trưởng thường trực - cho biết, giai đoạn 2008-2010 Đại học Hùng Vương có tổng số sinh viên lên tới 10.000 người.
Khoảng thời gian trên được đánh giá là thời đỉnh cao của Đại học Hùng Vương khi mùa tuyển sinh nào trường cũng thừa chỉ tiêu, điểm chuẩn nguyện vọng 2 luôn cao hơn điểm sàn. Ngoài ra, trường cũng tiên phong đưa vào giảng dạy một số ngành mới như: Quản trị bệnh viện, Công nghệ sau thu hoạch...
Để phục vụ hơn chục nghìn sinh viên, nhà trường đã mời những giảng viên có kinh nghiệm, chuyên gia đầu ngành. Sinh viên tốt nghiệp Đại học Hùng Vương khi đó cũng được thị trường lao động đánh giá khá cao.
Ông Văn Hồng Hải - sinh viên (khóa 1997-2001) Khoa Du lịch, đang là cán bộ công ty du lịch ở miền Trung - chia sẻ niềm tự hào là sinh viên của trường. Ông Hải vẫn nhớ như in tên thầy, cô trong khoa ở những khóa học đầu tiên, đầy chuyên môn và nhiệt huyết. Chương trình giảng dạy du lịch khi đó cũng được ông đánh giá là tiên tiến, cập nhật và thiết thực.
"Những kiến thức từ Đại học Hùng Vương giúp tôi tự tin và cảm thấy không thua kém các đồng nghiệp trong ngành học từ các trường khác", cựu sinh viên nói.
Ngày 19/5/2010, Đại học Hùng Vương chuyển từ loại hình dân lập sang tư thục. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia giáo dục, đây chính là thời điểm sóng gió nổi lên tại trường, xảy ra hàng loạt mâu thuẫn trong việc xác định tài sản chung không phân chia, gồm công sức của nhà sáng lập hay các đóng góp bằng trí tuệ... Đơn thư khiếu nại, tố cáo giữa các cá nhân trong trường liên tục được gửi lên UBND TP HCM.
Tháng 8/2011, UBND TPHCM quyết định thanh tra toàn diện Đại học Hùng Vương. Đầu năm 2012, ông Đặng Thành Tâm bị tạm đình chỉ chức vụ Chủ tịch HĐQT và ông Lê Văn Lý bị tạm đình chỉ chức hiệu trưởng. Cũng trong năm đó, Bộ Giáo dục – Đào tạo ra quyết định ngừng tuyển sinh đối với trường này.
Về trường năm 2007 với vai trò Phó hiệu trưởng, ông Nguyễn Mộng Giao là người chứng kiến cả vinh quang lẫn cay đắng của tập thể cán bộ, giảng viên Đại học Hùng Vương. Ông cho rằng, những mâu thuẫn tại trường bắt đầu từ trước năm 2010 nhưng đều được giải quyết êm thấm, thấu đáo. Chỉ từ năm 2012 trường bắt đầu "xuống dốc không phanh".
Tình hình trở nên căng thẳng hơn khi tháng 6/2013, UBND TP HCM ra quyết định không công nhận hiệu trưởng với ông Lê Văn Lý. Kiện quyết định này ra tòa nhưng ông Lý bị xử thua và bị cho là chiếm giữ con dấu của Đại học Hùng Vương.
Tháng 2/2015, Đại học Hùng Vương tổ chức họp HĐQT với sự tham gia của 4 thành viên và 3 thành viên có văn bản ủy quyền trên tổng số 10 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2010–2015.
HĐQT đã bỏ phiếu bầu ông Bế Nhật Dục làm hiệu trưởng với tỷ lệ 70% (được 7 thành viên đồng ý). Do không triệu tập đủ 75% số thành viên tham gia theo quy định nên UBND TP HCM không công nhận chức danh hiệu trưởng của ông Dục.
"Đã bốn năm nay Đại học Hùng Vương không có hiệu trưởng và không được tuyển sinh", nguyên hiệu phó Nguyễn Mộng Giao cho biết.
Trong báo cáo gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 22/2, Đại học Hùng Vương cho biết đang lỗ hơn 50 tỷ đồng, cùng với khoản truy thu và phạt do sai phạm thuế trước năm 2009 là 12,7 tỷ đồng. Thêm lý do thâm hụt vốn pháp định, không được tuyển sinh... nên Đại học Hùng Vương phải chấm dứt hợp đồng lao động với hơn trăm cán bộ, giảng viên bắt đầu từ ngày 5/4.
Quyết định này cũng phân định nhân sự tại trường ra hai "chiến tuyến": đồng tình và phản đối kịch liệt. Một cán bộ của trường cho rằng, nhiều năm qua nội bộ Đại học Hùng Vương có một nhóm người luôn cố tình tuyên truyền để lái dư luận, xuất phát từ sự ghen ghét và mâu thuẫn cá nhân. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình cảnh "bi thảm" hiện nay của trường.
Bộ Giáo dục – Đào tạo đã ra "tối hậu thư" cho Đại học Hùng Vương, đến 31/8 năm nay phải giải quyết xong các nguyên nhân bị đình chỉ tuyển sinh. Nếu không trường sẽ bị đình chỉ hoạt động và đứng trước bờ vực bị giải thể.
Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - chuyên gia giáo dục - những sóng gió tại Đại học Hùng Vương cho thấy thực tế giáo dục đại học cũng cần vốn như một doanh nghiệp. Nhưng nếu vận hành, khai thác trường như một doanh nghiệp sẽ xảy ra các mâu thuẫn.
"Sau sự việc này, Bộ Giáo dục - Đào tạo cần có những quy định chặt chẽ về mô hình, hoạt động và quản lý đại học tư thục. Chỉ cần hướng đến mục tiêu tốt đẹp của giáo dục, dù đại học tư thục hay công lập cũng đều đem lại những thành tựu cho xã hội", ông Ninh nói.
Mạnh Tùng