Một số thông tin dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về bệnh cận thị, từ đó có phương pháp phòng tránh, điều trị kịp thời:
1. Hiểu đúng về cận thị
Bình thường ảnh của sự vật đi qua các hệ thống quang học của mắt rồi được hội tụ đúng trên võng mạc, giúp mắt nhìn rõ cảnh vật. Do sự bất thường của hệ thống khúc xạ, hình ảnh của vật không được hội tụ nằm trên võng mạc mà bị hội tụ nằm trước võng mạc dẫn đến nhìn mờ. Về cơ chế bệnh sinh, y học chia cận thị làm 2 loại là cận thị khúc xạ và cận thị trục.
Nhìn quá gần trong thời gian dài khiến mắt mờ, cận thị. Ảnh minh họa. |
Cận thị khúc xạ: xảy ra do lực khúc xạ của mắt quá lớn (do lực khúc xạ của giác mạc hoặc thể thủy tinh quy định) trong khi chiều dài trục nhãn cầu bình thường. Loại này hay gặp trong cận thị học đường. Khi mắt phải nhìn gần với cường độ lớn và trong một thời gian dài, thể thủy tinh bị phồng lên làm tăng độ hội tụ của mắt. Lúc này muốn nhìn rõ, bạn phải đưa hình ảnh của vật lại gần mắt. Những sự vật ở xa, mắt nhìn không rõ, tùy theo mức độ bị cận. Cận thị học đường xuất hiện ở những người trong lứa tuổi đi học, bị cận càng sớm thì khả năng tiến triển càng nhanh và nặng. Bệnh ít khi quá 6 đi ốp và thường không kèm theo giãn mỏng võng mạc cũng như các nguy cơ khác của đáy mắt.
Cận thị trục: xảy ra do trục nhãn cầu quá dài, trong khi lực khúc xạ của mắt bình thường. Trục nhãn cầu dài ra là do cấu trúc của thành nhãn cầu bị dãn mỏng. Loại cận thị này thường có tính chất gia đình và thường xảy ra rất sớm, ngay khi trẻ còn nhỏ tuổi, chưa đi học. Loại cận thị tiến triển rất nhanh, làm thị lực giảm sút nhiều, đồng thời làm võng mạc bị dãn mỏng dễ dẫn tới nguy cơ thoái hóa hắc võng mạc, rách võng mạc, thậm chí gây bong võng mạc dẫn tới mù lòa.
Những thói quen xấu gây cận thị
Nhìn gần liên tục không để mắt nghỉ ngơi. Hiện tượng này hay xảy ra trong kỳ học thi cường độ cao hoặc chơi các thiết bị vi tính điện tử thường xuyên kéo dài.
Người mắc cận thị nên đeo kính đúng số để hạn chế tác hại cho mắt. Ảnh minh họa. |
Học tập trong điều kiện ánh sáng thiếu.
Đọc sách ở các tư thế không tốt: nằm đọc, đi tàu xe đọc…
Ăn uống thiếu chất dinh dưỡng.
Dấu hiệu của trẻ bị cận thị
Con trẻ có thể bị cận thị khi nhìn vật gì cũng phải đưa sát vào mắt mới rõ: cúi sát mắt vào sách vở, đứng sát vào khi xem TV; hay nheo mắt để nhìn mọi vật, đặc biệt khi ánh sang yếu; hoặc có những động tác bất thường liên tục như dụi mắt, nheo mắt, nghiêng đầu khi nhìn.
Trẻ kêu mắt nhìn mờ hoặc nhức mắt.
Kết quả học tập sút kém, không thích các hoạt động nhìn xa như đá bong, đá cầu mà thích thú hơn với việc đọc truyện, xem phim, chơi game…
Trẻ bị cận thị nặng có thể bị lác mắt kèm theo.
Điều trị bệnh cận thị
Trẻ bị cận thị cần được khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt để xác định chính xác mức độ cận thị, loại cận thị, phát hiện và điều trị các tổn thương ở đáy mắt nếu có. Các em cần được đeo kính đúng số. Việc đeo kính giúp trẻ có được thị lực tốt, giúp phát triển thị giác hai mắt một cách hoàn thiện, hòa nhập vào thế giới năng động và nhiều màu sắc.
80% thông tin của cuộc sống là do chức năng thị giác mang lại. Đeo kính giúp mắt nhìn xa rõ, nhìn gần ở khoảng cách bình thường, giảm dần thói quen nhìn sát vào sách vở, do đó có tác dụng hạn chế được tốc độ tăng số của mắt. Đeo kính thường xuyên là tốt nhất, đặc biệt khi học hành, xem TV.
Kính cần được lắp đúng kỹ thuật, phù hợp với kích thước khuôn mặt, biết cách bảo quản, tránh xây xước kính.
Chế độ vệ sinh thị giác: Bạn cần bố trí thời gian hợp lý giữa học hành, xem sách báo với hoạt động ngoài trời, cần tập thói quen nhìn xa, tập nhìn xa 15-30 phút mỗi ngày. Trong giờ ra chơi, trẻ cần chơi ở nơi thoáng rộng. Học sinh nên để mắt nghỉ ngơi 5-10 phút sau khi học 40-45 phút. Thường xuyên massage quanh mắt để thư giãn và điều tiết mắt cũng là việc nên làm
Dinh dưỡng: Bạn nên ăn uống đủ chất, đặc biệt là rau củ quả màu xanh thẫm hoặc màu đỏ; ăn đủ thịt, cá, trứng, sữa, có thể uống các loại thuốc bổ về mắt hoặc thực phẩm chức năng để chống thoái hóa cho các thành phần của mắt.
Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Bệnh viện mắt Sài Gòn - Hà Nội tư vấn cách bảo vệ, chăm sóc và phương pháp điều trị các tật khúc xạ, bệnh về mắt cho giới học đường. Độc giả có thể chia sẻ kinh nghiệm, đặt các câu hỏi tại: xahoi@vnexpress.net hoặc gọi 0904.820.022/ 0121.75.77776 để được các chuyên gia và bác sĩ tư vấn. |
Ngọc Bích