15 năm trước, những ngày đầu tiên của một chàng trai Hải Phòng trên đất Sài Gòn, tôi luôn có cảm giác tự hào mỗi khi nghe câu “ăn Bắc, mặc Nam”. Tôi tự hào vì sự sành ăn của người Bắc với những món ăn đậm đà, thơm ngon, rất khác so với vị ngọt lợ từ đường của những món ăn miền Nam.
Thế nhưng, 15 năm sau trở lại Hải Phòng để chăm bố bị bệnh, tôi thực sự kinh sợ cách ăn uống của miền Bắc. Món ăn Bắc vẫn rất ngon, rất "chất" nhưng mất cân bằng dinh dưỡng nghiêm trọng.
Từ Hải Phòng rồi đến Hà Nội, tôi đến nhà ai ăn cơm cũng vậy, những món thịt xào, nướng thơm lừng, béo ngậy luôn chiếm từ 3 đến 4 đĩa, trong khi chỉ có một đĩa rau nho nhỏ. Tôi ra ngoài quán, phần cơm có một đĩa thịt rất to và một đĩa rau nhỏ xíu. Và mỗi lần ăn ở ngoài như vậy, tôi lại phải về nhà nấu thêm rau ăn bổ sung.
Phải chăng mọi dân cho rằng thịt, cá, tôm, trứng... mới là ngon, là chất, là bổ? Chính vì suy nghĩ lệch lạc này mà người ta ngày càng nhiều bệnh, bệnh viện luôn quá tải.
Béo phì, máu nhiễm mỡ, suy gan, suy thận, tiểu đường, ung thư... tất cả đều có nguyên nhân chủ đạo từ thói quen ăn uống thiếu khoa học mà ra. Người dân bây giờ đang ăn để bệnh chứ không phải ăn để khỏe.
Khi "nhồi" vào cơ thể một lượng đạm động vật quá nhiều so với tỉ lệ rau, củ, quả sẽ khiến các cơ quan nội tạng bị quá tải, tích độc tố trong cơ thể, làm biến đổi tế bào gốc và tạo ra các bệnh trên.
Do đó, trong mỗi bữa ăn nhất thiết phải có sự cân bằng giữa thịt, cá, tôm, trứng... và rau củ, đặc biệt là hạn chế các món ăn nướng. Như vậy sẽ giúp giảm tải cho hệ tiêu hóa, thức ăn được hấp thụ, chuyển hóa tốt hơn, cơ thể quân bình và khỏe mạnh hơn. Thậm chí, góp phần đẩy lùi các bệnh như tiểu đường, ung thư...
Người xưa đã nói “học ăn, học nói”, rõ là ăn cũng cần phải học.
>> Xem thêm: Ăn chay để làm đẹp: Lợi thì có lợi nhưng hại cũng vô cùng
Bốn lý do nên tích cực ăn chay
Ăn chay đủ chất, khoa học đã trở thành một phong trào sống khỏe, an vui và đang được khuyến khích mạnh mẽ tại khắp nơi trên thế giới. |
Chia sẻ bài viết của bạn về văn hóa, ẩm thực tại đây.