Đã hai năm rưỡi trôi qua kể từ khi tôi đặt chân lần đầu tiên lên đảo quốc sư tử, nơi được mệnh danh là nước Mỹ của châu Á. Hai năm rưỡi chưa phải là quá dài, nhưng cũng đủ cho tôi nếm trải những khó khăn của cuộc sống tự lập nơi xứ người để nhận ra giá trị của gia đình, bạn bè và quê hương.
Tôi là một người luôn may mắn trong học hành. 16 tuổi tôi thi đậu vào ba trường chuyên cấp ba. 18 tuổi tôi đậu vào ĐH Ngoại Thương thành phố Hồ Chí Minh. Rồi một năm sau tôi nhận được giấy báo nhập học của một trong những đại học hàng đầu Singapore về quản trị kinh doanh. Cuộc đời đã rất ưu ái tôi, cho đến khi tôi quyết định khăn gói ra đi theo đuổi hoài bão tuổi trẻ.
Lần đầu tiên đặt chân lên sân bay Changi, Singapore, tôi được xe hơi của trường đưa về tận ký túc xá. Lúc ấy là 8h tối, tôi mệt, đói cồn cào mà không biết chỗ nào bán đồ ăn, và tôi cũng không ăn được đồ ăn của Sing vốn rất ít rau và nhiều dầu mỡ và gia vị. Thế là tôi bóc gói mì ra nhai sống. Trong gần một tuần đầu tiên, chưa thích nghi được với thức ăn ở đây, tôi chỉ ăn mì gói, mì gói và mì gói. Tôi thầm cảm ơn mẹ đã chuẩn bị chu đáo cho tôi từng chút một. Thế mà lúc đầu tôi đã định vứt hết chỗ "lương khô" mẹ chuẩn bị ở sân bay, đi người không cho gọn. Rồi tôi và những bạn Việt Nam đi cùng cũng tìm được cách đi chợ, họp lại nấu chung bữa cơm nóng đầu tiên ở đất Singapore. Vừa ăn, mấy đứa con gái vừa xuýt xoa. Rồi nước mắt cứ chảy vắn dài, không hiểu là vì cơm nóng canh nóng hay là vì nhớ bữa cơm gia đình ở Việt Nam. Chúng tôi nhìn nhau hỏi :"Giờ này không biết nhà mình đang nấu món gì nhỉ", rồi lại ôm nhau khóc.
Ở Singapore, môi trường học tập rất cạnh tranh. Chúng tôi dậy đi học từ lúc 7h30 và về nhà rất trễ, có khi sau nửa đêm. Người Singapore được giáo dục từ nhỏ là phải thành công bằng mọi giá. Thất bại là chuyện khó tha thứ ở đây. Vì thế hoặc là bạn được A+ , hoặc là bạn chả là gì cả. Với lối suy nghĩ khá "cực đoan" như thế, các bạn cùng trường của tôi cạnh tranh rất dữ dội để được điểm cao. Ở những lớp như toán, tài chính, khoa học kinh doanh, tôi lấy điểm khá cao vì những môn đó đòi hỏi khả năng tính toán nhiều (sinh viên Việt Nam rất mạnh về Toán). Trong những lớp đó, các bạn Sing chủ động tiếp cận tôi, mời tôi vào nhóm và làm việc rất hợp tác (vì họ biết là với khả năng của tôi họ dễ dàng lấy A cho project của mình). Ngược lại ở những lớp khoa học xã hội, với vốn tiếng Anh còn hạn chế, tôi vất vả lắm mới theo kịp. Trong những lớp đó, tôi dường như bị cô lập, không ai nói chuyện với mình, cũng không ai nhận mình vào nhóm, vào nhóm rồi khi tranh luận cũng không ai lắng nghe ý kiến của tôi. Tôi cảm thấy rất thất vọng và đâm ra ghét bỏ sự thân thiện giả tạo của những người bản xứ ở đây. Mỗi lần họp group là những lần chịu trận hàng tiếng đồng hồ. Tôi chỉ muốn về Việt Nam, gặp lại gia đình, bạn bè, những người yêu thương tôi vô điều kiện. Nhưng khi bố mẹ viết thư hỏi thăm, tôi luôn nói dối là mọi thứ rất tốt, để tránh làm gia đình lo lắng.
Làm việc quá sức và ăn uống không đủ chất làm tôi kiệt sức. Trong khi đang làm một project quan trọng cho trường, tôi bị đột quỵ phải nhập viện. Vì lúc đó đã là giữa năm học, bài vở chất đống, tôi không thể theo kịp và cũng không muốn làm ảnh hưởng đến tiến độ của các group project, tôi quyết định bỏ một học kì về Việt Nam nghỉ ngơi. Đón tôi ở sân bay, bố mẹ, bạn bè tôi ôm lấy tôi. Tôi khóc lả đi trong vòng tay của gia đình.
Những ngày ở Việt Nam đã giúp tôi nhìn nhận lại tất cả những sự kiện trải qua ở xứ người. Tôi tập học thiền, học nấu ăn - những thú vui nho nhỏ ở Việt Nam mà ở Sing lại là những thú vui xa xỉ vì luôn thiếu thời gian và tiền học cho những khóa học như thế. Tôi nhận ra giá trị của gia đình và bạn bè. Tôi học cách cân bằng cuộc sống và học tập. Rồi tôi dần dần hồi phục và quay trở lại Sing tiếp tục chương trình học 4 năm của mình.
Cuộc sống ở Sing vẫn rất cạnh tranh và bận rộn. Mặc dù đã rất cố gắng nhưng cũng có nhiều lúc tôi cảm thấy mất thăng bằng. Những lúc như thế, tôi lại sắp xếp thời gian, đặt vé máy bay về Việt Nam thăm gia đình. Cũng may là Sing - Việt Nam rất gần nhau, chỉ mất 1h45 phút đi máy bay, và vé của Tiger Airways rất rẻ, chỉ khoảng $120 - $200 đô la Sing ( khoảng 1tr2 đến 2tr1 VND) cho một lần bay khứ hồi. Nhiều người bảo rằng kiểu đi du học của tôi "đại gia" quá, nhưng tôi thà mua vé máy bay để về nhà vài ngày với gia đình, còn hơn đốt tiền vào shopping hay đi bar như nhiều bạn ở đây. Một lần ăn chơi như vậy cũng đủ để mua cặp vé. Mỗi khi tôi về, mẹ tôi lại mắng yêu "nhớ mẹ hay nhớ người yêu đấy?" (bạn trai tôi ở Việt Nam). Tôi nhìn mẹ cười: "Mẹ ơi, sau 2 năm rưỡi đi xa, con học được một điều là - đồng tiền để dành để mua vé về thăm gia đình là đồng tiền hạnh phúc và xứng đáng để tiêu nhất".
Kinh nghiệm của tôi cho thấy khoảng thời gian một năm đầu tiên ở nước ngoài luôn là thời gian khó khăn nhất cho các bạn trẻ du học. Khi những sự háo hức và choáng ngợp trước cuộc sống hiện đại và giàu có ở nước ngoài qua đi, các bạn dễ dàng thấy hụt hẫng khi phải đối mặt với quá nhiều thử thách. Từ việc nhỏ như tự nấu ăn, đi chợ, giặt giũ đến việc lớn như phải thích nghi với môi trường học tập, giao tiếp với người nước ngoài và cạnh tranh với họ trên "sân khách". Nếu không có một mục đích du học rõ ràng và bản lĩnh vượt khó, đa số các bạn sẽ bỏ cuộc và quay về Việt Nam luôn trong vòng một năm đầu tiên. Những ai mạnh mẽ trụ lại được thì cũng phải rất bản lĩnh để vượt qua nỗi cô đơn.
Vì cô đơn mà các bạn trẻ hay lao vào tìm những thú vui khác như đi bar, đi shopping, thậm chí tìm đến sex như một cách giải tỏa stress. Ở ký túc xá cũ của tôi có một cô bạn Việt Nam nổi tiếng vì có thể tiếp ba người cùng một lúc. Rồi những bạn khác phòng thì rất hay mang bạn trai về phòng để "tâm sự", rất ồn ào làm các phòng chung quanh khó mà tập trung học hành được. Có một lần tôi đang ngồi học, một đứa con trai cởi trần mở cửa vào phòng tôi làm tôi giật bắn người. Hóa ra là hắn đến chơi với đứa bạn gái ở phòng kế bên tôi, vừa đi tắm ở nhà tắm chung rồi quay trở về phòng bạn gái nhưng ko nhớ số phòng nên "đi lạc". Sau một học kì, không thể chịu nổi môi trường phức tạp như ở hostel nữa, tôi chuyển ra ngoài thuê phòng ở riêng một mình và thề không bao giờ quay trở về hostel.
Cuối cùng thì tôi cũng vượt qua được giai đoạn khó khăn của cuộc sống du học. Bây giờ, tôi cũng đã có những người bạn thân người Sing ở đây. Sau hai năm, tôi cũng dần dần thích nghi được với cách suy nghĩ và làm việc của họ. Mọi thứ trở nên dễ dàng hơn và tôi đã sẵn sàng cho những thử thách mới.