Tôi còn nhớ cách đây khoảng 5 năm, ngài đại sứ Israel nói trên báo rằng, hàng năm đất nước tôi được vài trận mưa lất phất ướt đầu, nếu được nắng mưa như đất nước các bạn Việt Nam chúng tôi giầu to rồi. Đây là một câu nói nghe vui thì ít nhưng buồn thì nhiều vì chúng ta thiếu năng động, sáng tạo và kém hơn họ quá nhiều nên mãi vẫn chưa thoát được nghèo. Trời mưa, nắng, gió nhiều chúng ta phải mừng mới đúng vì mưa thì có nước để sử dụng và cây cối tốt tươi, nắng gió nhiều thì có nhiều năng lượng mặt trời dùng để đun nấu, làm nước cất, sản xuất ra điện từ nắng, gió để dùng.
1. Về sự an toàn và tiết kiệm điện:
Trên chuyến bay từ Đà Nẵng về TP HCM tôi có đọc bài báo về việc dân trồng vườn trái cây Thanh Long bị điện giật chết rất nhiều, do kéo đường dây điện 220V ra vườn và trời mưa điện bị rò rỉ, trâu bò cũng bị điện giật chết.
Là người học ngành điện, tôi nghĩ ngay là phải sử dụng biến áp dùng điện hạ thế xuống một chiều 12 - 24V hoặc dùng pin năng lượng mặt trời nạp vào ắc qui và sử dụng các loại đèn LED tiết kiệm điện có bước sóng phù hợp với cây thanh long như trao đổi với các công ty về sản xuất đèn LED. Họ đã thử nghiệm tại trang trại trong hiệp hội các công ty năng lượng sạch, và cơ chế cắt đêm dài thành đêm ngắn.
Đèn biểu tượng kim tự tháp có hình Khuê Văn Các, dùng bóng LED 3W-12V sử dụng pin NLMT nạp điện vào ắc qui thắp sáng suốt đêm cho cả hàng xóm. |
Ngoài ra, các ngư dân sử dụng đèn câu cá biển cũng phải dùng điện một chiều thấp áp từ 12 - 24V thì mới an toàn. Các biển quảng cáo và đèn ngoài trời, sân vườn, công viện, đèn đường thay cho đèn cao áp thủy ngân, vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo rồi đến các khu du lịch, trang trại, hang động... cũng có thể dần chuyển sang điện DC một chiều thấp áp vừa an toàn và tiết kiệm đến 80% nếu dùng đèn LED. Đồng thời tuổi thọ gấp 10 - 20 lần các loại đèn khác.
Tôi và tiến sĩ Nguyễn Văn Khải đã ngồi trao đổi đến 2h đêm hôm đó về những việc nhỏ như vậy, mặc dù tiến sĩ là người được đào tạo để làm những việc rất lớn, vĩ đại nhưng lại bắt đầu từ những việc nhỏ như giúp bà con vùng sâu vùng xa từ xử lý nước để chữa cho trâu, bò, rồi xử lý cho nhà máy thủy sản và đèn LED NLMT cho vùng sâu vùng xa... trong khi sinh viên của nước ta không được định hướng từ những việc nhỏ trước mà đùng một cái nhẩy thẳng lên tận vũ trụ và robot, những công nghệ cao siêu của thế giới trong khi bố mẹ mình ở quê đang bị điện giật vì thiếu kiến thức về điện, các em mình ở vùng sông nước mà chưa biết bơi vì không được ai dạy, hàng ngày đối mặt với chết đuối, và hàng ngày vẫn dùng nước, thực phẩm ô nhiễm gây ung thư từ các loại hóa chất độc hại khắp nơi gây ra cái chết âm thầm... một cái xã hội ưa hình thức như vậy thì đất nước sẽ đi đến đâu.
An toàn là trên hết, cũng giống như việc sử dụng đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời vừa an toàn và tiết kiệm năng lượng cho đất nước.
Hiện nay nhóm nghiên cứu chúng tôi đã và đang sản xuất thử nghiệm bếp Parabol năng lượng mặt trời của Việt Nam có thể nấu ăn bằng hơi nước cho hộ gia đình và cho quy mô công nghiệp cho hàng trăm suất ăn, cho giặt là hơi, vừa có nước nóng để tắm rửa và đặc biệt hơn cả là có thể cung cấp hàng chục tới hàng trăm lít nước cất để uống, rất quý cho các hải đảo, miền núi, giống như bếp năng lượng mặt trời của Ấn Độ nấu cho hàng ngàn người ăn. Việc này sẽ tiết kiệm rất nhiều điện và gas cho đun nấu (mặc dù không thay thế hoàn toàn bếp gas và giá thành rất phù hợp với điều kiện nước ta, rất cần được nhà nước và các quỹ đầu tư hỗ trợ để sản xuất với giá thành thấp cho người dân và ngư dân các đảo, bộ đội Trường Sa, vùng sâu, biên giới, hải đảo, sử dụng được càng nhiều càng tốt trong mọi điều kiện bị cô lập).
Hiện tại, ĐHBK Hà Nội và Đà Nẵng cũng đã sản xuất và bán từ rất lâu các loại bếp năng lượng mặt trời và bếp hình Parabolic với giá thành rất thấp bằng 1/4 so với của nước ngoài, rất phù hợp cho dân nghèo các tỉnh miền Trung, miền Nam đầy nắng gió. Chúng ta có thể xem trên google với từ "solar cook" để thấy được các nước trên thế giới và châu Phi đã sản xuất và sử dụng bếp đơn giản và hiệu quả và tiết kiệm như thế nào. Tất cả mọi người dân từ miền biển, đến miền núi đều có thể tự làm bếp cho mình với giá vài trăm cho tới vài triệu đồng để đỡ phá rừng lấy củi đun tiết kiệm năng lượng cho đất nước.
2. Về việc sử dụng và tiết kiệm từ nước mưa
Với hơn 20 triệu hộ gia đình trên cả nước và với gần 2 triệu hộ gia đình tại thành phố HCM thì việc hứng, dự trữ và sử dụng nước mưa sẽ rất đơn giản và mang lại lợi ích to lớn bất ngờ và tiết kiệm trên cả nước là hàng tỷ khối nước mưa mỗi năm. Theo 100 phương pháp sử dụng nước mưa của người Nhật thì các hộ gia đình cho tới các công viên, khu nhà cao tầng, biệt thự… đều phải làm hầm ngầm chứa nước mưa để tưới cây và rửa đường. Luật bên Úc cũng bắt phải có thiết kế sử dụng nước mưa khi xây dựng các công trình. Nước ta cần đưa ngay vào luật và bắt phải làm cùng với việc tiết kiệm năng lượng... Với rất nhiều sáng tạo của người Nhật mà tôi tìm được trên Internet.
Hệ thống đun nước nóng bằng NLMT dùng tắm rửa an toàn...và bồn đứng chứa nước mưa dùng cho tưới cây, giặt, cọ rửa… tiết kiệm hơn 10m3 nước mỗi tháng. |
Với chi phí khoảng 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng cho một bồn chứa nước 500 -1000 lít (bồn nhựa và bồn kẽm hàn thiếc giá rẻ), việc này rất cần nhà nước hỗ trợ tiền 50% giống như đã từng hỗ trợ 1 triệu đồng khi mua bộ đun nước nóng NLMT và tặng đèn compact, rất thiết thực vừa giúp đỡ dân trong lúc khó khăn này và vừa động viên mọi nhà tiết kiệm vì theo người Đức thì một đồng tiết kiệm bằng 5 đồng đầu tư.
Bằng chứng là thành phố đổ ra cả tỷ đô la mà vẫn thiếu điện, ngập nước. Trong khi, với gần 2 triệu hộ gia đình tại TP HCM nếu mỗi nhà sử dụng 1 bồn chứa nước mưa thì sẽ mang lại lợi ích vô cùng to lớn như: giảm ngập lụt, giảm khai thác nước ngầm gây ô nhiễm nguồn nước và sụt lún đất, giảm điện để bơm nước, giảm sử dụng nước máy chi phí sản xuất rất tốn kém, bằng 1 - 2 nhà máy nước hàng năm tiêu tốn hàng chục triệu đôla, giảm áp lực gây hư hỏng đường ống… và vô vàn lợi ích mà chi phí rất ít. Việc này tôi đã làm và thành công khi hàng tháng tiết kiệm trên 10m3 nước mưa đủ dùng cho tưới cây, giặt, cọ rửa nhà xe...và còn cho cả nhà hàng xóm tưới cây, không cần dùng điện để bơm nước. Tiền điện tôi trả hàng tháng luôn thấp nhất cả khu, chỉ khoảng 400.000 đồng (chưa bằng 1/4 nhà hàng xóm vì họ có thói quen bật điều hòa suốt ngày vừa tốn điện và hại sức khỏe).
Tôi cũng động viên mọi người cùng làm để tiết kiệm chi phí, sau nhiều lần thuyết phục dùng quạt, bớt dùng điều hòa, họ đã giảm gần nửa tiền điện. Việc sử dụng nước mưa cũng giảm từ 40m3 xuống 25m3 tháng tiết kiệm hơn 100.000 đồng (mặc dù nhỏ nhưng là vấn đề ý thức). Cũng như tiết kiệm trong ăn nhậu thay vì uống 5 - 10 chai, thì chúng ta uống 1 - 2 chai điều độ, tiết kiệm hàng tỷ đô la cho đất nước và tốt cho sức khỏe, để dân tộc còn tỉnh táo nhìn thấy nguy cơ hiển hiện chứ không chìm đắm trong cơn say, mê muội. Đồng thời dành tiền tiết kiệm đó cho biên giới, hải đảo, cho ngư dân và cho Trường Sa thân yêu.
Đến nay đất nước ta đã thống nhất được hơn 30 năm rồi, mà vẫn chưa hết đói nghèo, vẫn còn nhiều người đói ở ngay gần thành phố chứ chưa nói đến vùng sâu vùng xa. Nhiều nơi chúng tôi đến thiếu điện, thiếu nước, không có nổi cây cầu bê tông vài chục triệu đồng thay cầu khỉ cho hàng trăm người đi lại. Trong khi đã có những người ăn những tô phở cả triệu, những bữa nhậu, những chai rượu hàng chục tới trăm triệu đồng? Đó có phải là đạo đức, là văn minh?
Thế hệ trẻ chúng tôi thực sự rất sôi sục, bức xúc và trăn trở đối với đất nước, tôi cũng nhiều đêm “trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành” khi nhìn thấy đất nước mãi vẫn nghèo. Cần nhìn thẳng vào sự thật tìm ra nguyên nhân tại sao chúng ta mãi vẫn yếu kém và phải thay đổi để vươn lên mạnh mẽ, phải có đột phá để đất nước vươn mình mạnh mẽ đúng với tiềm năng thực sự của một đất nước 90 triệu người dân có đầy đủ các điều kiện để sánh vai với các nước tư bản văn minh như Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản. Có như vậy, chúng ta mới đủ sức làm tròn trách nhiệm bảo vệ được những gì tổ tiên đã để lại.
Mỗi người Việt Nam cần làm từ những việc nhỏ để góp phần chấn hưng đất nước, có rất nhiều bài học quí báu và thiết thực mà học không mất tiền từ người Nhật trong trận động đất, sóng thần vừa qua. Từ những đức tính giản dị tiết kiệm, nhường nhịn rất đáng quý cho tới bản lĩnh kiên cường, bình tĩnh ứng xử trong mọi trường hợp của một dân tộc có văn hóa cao, nghị lực phi thường và tinh thần võ sỹ đạo cao thượng. Những điều hay thì phải học, từ các quan chức cho tới người dân cần học, học nữa, học mãi những điều này.
Đặng Quốc Toản