From: GL
To: phapluat@vnexpress.net
Sent: Thursday, July 03, 2003 8:47 PM
Subject: Tăng lương để giảm tiêu cực – đó là một ảo tưởng.
Vấn đề tiêu cực có ở khắp nơi, kể cả những nước phát triển, từ công chức bình thường cho đến những ông nghị, thủ tướng, tổng thống quyền cao chức trọng. Chống tiêu cực là một việc đau đầu kể cả những nước phương Tây. Cho nên chuyện tăng lương để giảm tiêu cực - đó là một ảo tưởng.
Mong Hung Phi Nguyen - người đưa ra giải pháp trên - trả lời giúp tôi một số câu hỏi:
Thứ nhất, tăng lương đến mức nào thì CSGT và một số ngành “nhạy cảm” khác sẽ không hoặc ít tiêu cực? Hung Phi Nguyen thử tính xem ngân sách của nhà nước sẽ đội lên bao nhiêu? Thuế sẽ phải tăng lên bao nhiêu? Phản ứng của những người sản xuất và kinh doanh sẽ như thế nào?
Thứ hai, tôi nghi ngờ cái mức lương 500.000 đồng mà Hung Phi Nguyen đưa ra. CSGT nào được trả với mức lương như thế? Sĩ quan, hạ sĩ quan hay chiến sĩ, họ được đào tạo với trình độ như thế nào? Đại học, cao đẳng, hay trung cấp, sơ cấp? Đã đi làm bao lâu rồi? Cần nhắc lại rằng công an, quân đội và giáo dục là những ngành có mức lương cao hơn các ngành khác nếu so cùng trình độ, cùng thời gian công tác.
Lương được trả theo trình độ, bằng cấp. Không thể để cho một người tốt nghiệp trung cấp, sơ cấp có mức lương cao hơn đại học được. Cá nhân tôi là một thạc sĩ (thạc sĩ hay tiến sĩ chăng nữa thì lương cũng không hơn những người có bằng đại học), công tác 10 năm, hệ số lương 2,34 x 290.000 = 678.600 đồng, nói thẳng là đói. Chúng tôi phải làm thêm rất nhiều thì mới trang trải được trong cuộc sống.
Đói không có nghĩa là được quyền làm liều, làm ẩu. Thử xem nếu tất cả công chức, viên chức các ngành khác đều vin vào cớ đồng lương eo hẹp để đòi tăng lương, để tham nhũng... thì xã hội ta sẽ như thế nào?
Thứ ba, lấy lý do gì để tăng lương cho CSGT? Độc hại ư, vất vả ư, nguy hiểm ư? Vậy những ngành khác thì sao.
Nếu so với những người dọn rác thì họ cũng phải chịu cái nắng, cái gió, hít khí độc hại từ khói xe không kém gì CSGT. Họ còn phải chịu những mùi xú uế từ rác, thán khí từ cống rãnh... vậy mà đâu có xảy ra nhiều tiêu cực. Các ngành như địa chất, xây dựng, giao thông...: họ phải trèo đèo lội suối, chống chịu với những cơn lũ rừng, sốt rét, với những thiếu thốn vật chất hàng ngày. Vợ con họ thiếu bàn tay chăm sóc của người chồng, người cha - lấy gì để bù đắp cho họ đây?Những thày cô giáo phải lặn lội ở vùng cao để đem cái chữ cho con em dân tộc, lương phải như thế nào?
Thứ tư, CSGT đã làm hết trách nhiệm của mình chưa? Xin thưa là chưa. Là người dân, tôi rất biết ơn những CSGT dẹp nạn đua xe, đứng ra điều khiển giao thông... Song tôi thấy CSGT vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nếu Hung Phi Nguyen đi xe đò từ TP HCM - Đà Lạt thì thấy không dưới 10 trạm di động của CSGT: Red Bull, KCN Biên Hòa, Dầu Giây, trạm ở ranh giới giữa huyện Thống Nhất và Định Quán... Nếu họ kiểm tra độ an toàn của xe, số người vượt quá chỗ ngồi thì hay quá. Không, họ chỉ “kiểm tra giấy tờ” xe thôi. Bạn có thấy vô lý không? Bạn có thấy họ “nhiệt tình” thái quá không?
Có rất nhiều vụ tai nạn giao thông, nếu CSGT làm đúng lương tâm nghề nghiệp của mình thì đã không xảy ra hoặc số lượng thương vong ít đi. Cách đây vài năm có một vụ cháy xe khách tại miền Trung do chở hóa chất dễ cháy làm hàng chục người chết và bị thương. CSGT đã làm gì khi những thùng hóa chất thoải mái nằm trên xe từ Hà Nội vào, vượt qua không biết bao nhiêu trạm kiểm soát?
Rồi vụ cháy xe ở làng Đại Bái - Bắc Ninh vừa qua. Xe chỉ có khoảng 40 chỗ ngồi nhưng nhét 60-70 người. Dám chắc rằng đã nhiều chuyến trước đó, chiếc xe này đã vận chuyển số lượng người tương tự như thế trên chặng đường Hà Nội - Bắc Ninh. Vậy CSGT ở đâu, đã làm gì? Nếu họ làm đúng trách nhiệm của mình thì đâu có xảy ra những tai nạn thương tâm như thế?
Tiêu cực của CSGT, trách nhiệm trước hết thuộc về những vị lãnh đạo cao nhất của ngành đó. Đừng đổ cho nghèo đói. Nghèo đói không phải là cái cớ cho phạm tội. Nếu đói, hãy làm thêm bằng những nghề lương thiện.