Sau khi đọc bài báo 'Việt Nam có thể thành Hàn Quốc thứ hai', tôi cảm thấy rằng đó là nhận định của người nước ngoài về Việt Nam theo mặt tốt của một tương lai gần.
Nhưng đánh giá của tôi thì không phải như vậy. Cái quan trọng nhất là tầm nhìn vĩ mô của các nhà quản lý nước ta còn thấp, cơ cấu còn rườm rà. Nhiều người không làm được việc, không chủ động trong công việc của mình, không chịu đào thải các thành phần cản trở phát triển xã hội như nói nhiều làm ít, nói đúng làm sai.
Việt Nam bằng Hàn Quốc như hôm nay phải sau 50-100 năm nữa. Việt Nam là đất nước không giàu về tài nguyên khoáng sản. Dầu khí, than, vàng đang bị khai thác cạn kiệt không có kế hoạch lâu dài. Lộ trình khai thác bừa bãi, gây lãng phí thất thoát nhiều tài nguyên của đất nước. E rằng thế hệ tương lai kế cận không còn tài nguyên để sử dụng.
Hai thập kỷ qua Việt Nam mở cửa, tiền từ túi của các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vào Việt Nam cho nên mới có mức tăng trưởng 5 - 8%. Cộng thêm vào đó là tiền vay không lãi và lãi suất thấp của các nước. Ngoài ra là tiền bán tài nguyên, quặng cho nước ngoài không qua chế biến sản phẩm, như dầu, bôxít, titan...
Cái đó không phải là thành tích đáng để quá tự hào. Cái thành tích mà chúng ta kính trọng nhất là 20 triệu tấn gạo của những người nông dân cả nước đang ngày đêm chăm bón để mới có số lượng gạo xuất khẩu trên.
Chúng ta đã quá đà về thành tích, về tỷ lệ, về phần trăm để đưa ra những cái xa rời thực tế. Thậm chí đôi lúc chúng ta đã tự đánh mất mình trong cái gọi là chiến thắng, thành tựu...
Đừng quá tâm đắc về nhận định lạc quan của một số chuyên gia nước ngoài phỏng vấn khi đến Việt Nam. Họ chưa đưa ra hết, chưa nói hết, chưa phân tích một cách cụ thể. Và cũng là một lẽ thường tình khi đến một nơi nào đó ai mà không có lời khen hay về mặt xã giao.
Với suy nghĩ của mình về tương lai đất nước, tôi xin đưa ra ý kiến cá nhân để mọi người cùng tranh luận.
Nguyễn Đức Dũng
Chia sẻ bài viết quan điểm của bạn về sự phát triển của Việt Nam tại đây.