Nghị định phạt xe chính chủ sắp thực thi từ ngày 1/7 đã gây nhiều lo lắng trong bạn đọc VnExpress khi còn nhiều khúc mắc chưa thể giải đáp.
Dù đồng tình việc phạt xe không chính chủ sẽ giúp kiểm soát nguồn gốc xe và có lợi cho việc điều tra khi xe bị lấy cắp nhưng nhiều bạn đọc cho rằng còn nhiều bất cập khi thực hiện.
Rất nhiều những thắc mắc được bạn đọc đặt ra cho trường hợp phổ biến như gia đình bạn hoangiolinh: “Nhà tôi nghèo, 5 anh em chỉ có 1 chiếc xe máy, nếu khi nào ai đi công việc thì lấy xe đi. Nhưng theo nghị định này thì 5 anh em và cha mẹ tôi phải mua 7 chiếc xe sao?”
Quy định phạt xe không chính chủ chỉ nhằm vào người đăng ký xe nhưng nếu những ai có quan hệ thân thuộc và quen biết với chủ xe sử dụng chiếc xe đó thì sẽ phải chứng minh thế nào về chiếc xe chính chủ kia cũng là điều mà bạn đọc cho rằng chưa thấy cơ quan chức năng nào trả lời thỏa đáng.
Và nếu vậy, không lẽ mỗi khi ra đường phải chuẩn bị mọi thứ như bạn đọc Mio ngán ngẩm thốt lên: “Xe tôi hư, tôi lấy xe của vợ tôi để đi, không lẽ lúc nào cũng kè kè cái giấy kết hôn hoặc hộ khẩu bên lưng để chứng minh?”.
Còn nếu không thể chứng minh được xe chính chủ thì cũng không thể nào giải quyết theo cách như bạn chiendv nói: “Nếu nhà có 1 cái xe cho 4 người thì không lẽ nếu đi công việc lại chở theo 1 người đứng tên chủ phương tiện. Rồi nhất thiết ra đường muốn không bị phạt thì phải tự mua một chiếc xe, tình hình kinh tế bây giờ đâu phải ai cũng dư của ăn của để mà sắm?”
Chưa hết, những ai đã lỡ mua xe chưa sang tên nhưng người chủ đã qua đời hay đã đi nước ngoài thì càng khốn khổ hơn trong việc làm giấy tờ xe. Rắc rối hơn, một bạn đọc kể: “Tôi hiện đang sống và làm việc tại TP.HCM, hộ khẩu thường trú tại Vũng Tàu, mua xe tại Đồng Nai mà chẳng biết chủ cũ là ai thì phải làm thế nào để sang tên đổi chủ được?” (xem thêm: Bán xe 20 năm bị công an gọi vì không sang tên )
Việc có đến 40% xe không chính chủ lưu hành cho thấy việc quản lý trước đây còn lỏng lẻo nhưng một phần cũng vì nhiều người dân nghèo phải mua xe cũ sử dụng. Giá trị một chiếc xe mua lại không cao mà giờ đây các thủ tục hành chính và phí sang tên cao là vấn đề nan giải khi muốn thực hiện đúng quy định sang tên.
“Tôi mua chiếc xe từ cách đây 5 năm chưa đổi chủ, giờ định giá được chiếc xe thì còn 3 triệu nhưng mất giấy tờ chắc còn 500 ngàn. Chi phí từ Sài Sòn về quê và truy tìm chủ xe cũ (chưa nói đến việc năn nỉ và làm lại giấy tờ xe mới) thì cũng mất đến 3 triệu rồi còn chưa kể nộp phí khi sang tên nữa”- bạn đọc có nick Bun thốt lên đầy ngao ngán.
Tiếp tục câu chuyện “xe không chính chủ”, anh Khánh Huy thắc mắc nếu không thể sang tên vì nhiều lý do khách quan mà xe bị phạt theo đúng nghị định rồi thì có còn bị phạt nữa không nếu đi trên đường bị CSGT khác hỏi giấy tờ? Chính vì vậy, anh mong muốn các ban ngành phải xem xét lại những khó khăn trên vì “nếu giàu thì không ai để xe thuộc sở hữu của mình mà người khác đứng tên hết, quê lắm chứ có sướng gì”.
Cùng tâm trạng trên, nhiều bạn đọc đề nghị phải có lộ trình và phương án giúp người dân có thể dễ dàng làm thủ tục sang tên xe, hạ phí sang tên và ban hành sớm các thủ tục hướng dẫn trong các trường hợp phức tạp khi xe mua bán nhiều lần, xe không tìm được chủ cũ vì đã chết, đi xa…(xem thêm: Nên giảm thuế xuống để xe'chính chủ' )
Bạn đọc có nick Hieploved đề xuất một giải pháp giúp cho việc không cần đổi tên xe chính chủ mà nhiều người vẫn có thể sử dụng chung, đó là “đăng ký tên những người trong gia đình hoặc trong danh sách mình có quyền đi xe để cho bộ phận khu vực xác nhận, khi CSGT kiểm tra thì chỉ đưa ra giấy đó để xác minh là được”.
Một số bạn đọc khác lưu ý cần xem xét lại quy định “xe chính chủ” bởi lẽ sẽ gây mâu thuẫn cho mục đích giảm kẹt xe khi đang kêu gọi hạn chế xe cá nhân. Việc xe chính chủ thuộc phạm vi quản lý hành chính nhưng lại giao cho CSGT xử phạt cũng là điều không phù hợp.
>> Xem thêm: Loại bỏ xe 'không chính chủ' kiểu Đức
Diễm Phương (tổng hợp)
Chia sẻ bài viết về "xe chính chủ" tại đây.