Thế nào là ác ?
Descartes nói con người ưa chuộng những điều tốt và chán ghét những điều xấu, và chúng ta có cảm giác «thoải mái trong lòng» làm điều thiện và cảm giác hối hận làm điều ác. Theo ông, con người vì có khả năng hiểu biết nên nhận biết ranh giới giữa thiện và ác. Làm sao con người phân biệt được thiện và ác vì chính con người là tác nhân ? Vấn đề được đặt ra: con người bẩm sinh mang bản chất là thiện hay là ác?
Có hai luồng tư tưởng triết tranh cãi về vấn đề này. Platon và Jean Jacques Rousseau theo trường phái "nhân chi sơ tính bản thiện". Họ cho rằng con người sinh ra không hung ác, chính xã hội đã băng hoại con người và làm cho con người trở nên xấu xa. Trái lại, theo trường phái bi quan, tiêu biểu là Thomas Hobbes và Friedrich Nietzche, con người vốn mang trong người bản chất ác. Giữa hai luồng tư tưởng này, chúng ta có ý niệm "hệ thống dục vọng", theo đó con người hành động theo tình yêu và hận thù. Ông Sigmund Freud đã trình bày về động thúc sinh tồn và động thúc hủy diệt (pulsions de vie et pulsions de mort). Động thúc là những hành động tức thì không suy nghĩ do bản năng thúc giục.
Đó là về tư tưởng, còn trên thực tế, chúng ta thấy sự ác vượt lên trên không gian và thời gian. Nó không có tuổi và cũng không có biên giới. Không có nơi nào không có sự hiện diện của nó, từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam. Tổ tiên chúng ta có hung bạo hơn chúng ta ngày nay không ? Những cuộc chiến làm rung chuyển thế giới trong thiên niên kỷ vừa qua, đặc biệt là hai cuộc Đại Chiến Thế Giới và những cuộc chiến lẻ tẻ khắp nơi trên thế giới, chứng minh là con người nghiêng nhiều về "bản năng" hung dữ và tàn ác. Con người trước đây tỏ ra hung dữ là vì thiếu thốn không đủ ăn.
Nhưng ngày nay có lẽ vì dư thừa nên con người mới sinh ra ác độc. Trong một xã hội thiên về vật chất như xã hội ngày nay, con người thèm khát được giàu có, sự hung ác được xem là một dụng cụ để chiếm đoạt tài sản kẻ khác. Lịch sử đầy dãy những kẻ hung ác: Thành Cát Tư Hãn, Nero, Ivan Bạo Chúa, Hitler... Những chuyện cổ tích kể cho trẻ con cũng đầy những kẻ gian xảo trá và những phù thuỷ ác độc.
Ý niệm về tính ác thay đổi tuỳ theo văn hóa và tùy theo thời gian. Theo ông Norbert Elias, vào thế kỷ thứ 16 tại Paris, người dân có thói quen đốt sống những con mèo vào ngày lễ Saint Jean, họ vui sướng nhảy múa nhìn những con mèo gào thét đau đớn.
Một ví dụ khác: đối với một số bộ tộc "sơ khai", việc giết cha mẹ già để tránh cho họ không bị nhục nhằn vì tuổi già là một chuyện bình thường và đáng khen. Nhưng việc này trong xã hội ngày nay có thể đưa chúng ta ra toà vì tội sát nhân.
Tất cả những điều này cho ta thấy không có sự ác tuyệt đối. Sự ác đeo đuổi con người từ khi nhân loại xuất hiện. Tại sao con người trở nên ác? Có thể nào có một bản chất ác hay tính ác ? Đây có phải là một "nét văn hóa", do xã hội và gia đình tạo nên ? Điều gì tạo nên cái bản tính ác này ? Điều gì đã thúc đẩy con người làm ác ? Họ có phải là người nữa hay không ? Và làm thế nào để nhận diện kẻ ác ? Việc nhận diện không dễ như chúng ta tưởng, vì cái ác khởi sự từ lúc nào và ta dùng phương thức nào để thấy lúc nào nó bắt đầu.
Tiến trình đi đến hành động ác gồm có ba giai đoạn:
1. Khích động: một tình huống khó chịu.
2. Ảnh hưởng: phát sinh cảm tính tức giận, ghen ghét, thù hận, báo thù.
3. Giải pháp: thăng hóa, lựa chọn một vật yêu thích khác, hoặc trở nên ác đối với bản thân, có những hành động hung dữ đối với bản thân giống như tự quyên sinh ; hoặc ác đối với người khác dùng những lời lẽ hoặc những hành động hung dữ nhắm vào kẻ khác.
Làm thế nào để chữa tính ác ?
Để phần nào giảm thiểu sự ác, các nhà giáo dục đề nghị cha mẹ phải dạy dỗ con cái biết sống tinh thần xã hội không vị kỷ. Các bậc cha mẹ phải tránh những câu nói làm tổn thương, hạ nhục hay châm chọc con cái của mình. Để chữa tính ác, các nhà phân tâm học đề nghị phải khơi dậy lương tâm. Kẻ ác biết rõ việc mình làm và phải cho kẻ ác cắn rứt lương tâm về việc làm này: có như vậy mới mong cởi bỏ tính ác nơi con người này.
Trong một xã hội bị lôi cuốn theo những giá trị vật chất, con người cần đề cao những giá trị của lòng hảo tâm để kháng cự lại tính hung dữ, vì xét cho cùng tính hung dữ là vũ khí của kẻ yếu. Chính vì vậy xã hội cần xiển dương lẽ công bằng và tình liên đới. Khổng Tử đã từng nói: "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân" (cái mình không muốn, chớ làm cho người). Nhưng thực thi tinh thần vị tha không phải là một chuyện dễ.
( Boo )