60 năm giải phóng thủ đô là chặng đường rất ngắn so với nghìn năm văn hiến đất Thăng Long, nhưng lại là sự đổi thay lớn về chất khi Hà Nội từ một đô thị bị chiếm đóng, nhân dân sống trong tù đày, vụt đứng lên làm chủ cuộc đời mình với độc lập, tự do của đất nước.
Dù sống trong tình hình nào, người Hà Nội vẫn giữ được nét hào hoa phong nhã của dân Kẻ Chợ mà ca dao xưa đã bao lần ngợi ca:
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu chưa thanh lịch cũng người Tràng An
Nhất cao là núi Ba Vì
Nhất thanh, nhất lịch kinh kỳ Thăng Long”.
Tràng An là chỉ kinh đô Thăng Long - Hà Nội. Thanh lịch là hàm nghĩa rộng của phong cách sống đẹp từ trong nhà ra xã hội, từ ăn nói, ăn mặc, ăn học, ăn chơi, ăn ở cho đến phép giao tiếp, ứng xử giữa người với người, giữa người với thiên nhiên, môi trường.
Nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân-người dành gần 70 năm để đi vào mọi con hẻm của Hà Nội và tìm hiểu mọi ngóc ngách của đời sống người Tràng An. Ông có khoảng 50 cuốn sách viết về Hà Nội, trong đó 30 cuốn in riêng. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ nhân tài, hội tụ nghề hay, người dân khắp nơi trong nước tìm đến sinh sống. Tới kinh đô, họ mang theo tinh hoa quê hương góp cho Hà Nội nhưng đồng thời mang theo tập quán kẻ quê. Hà Nội như cái sàng, sàng lọc, gom nhặt từ những cái đẹp nhỏ nhất của bốn phương để làm giàu thêm vốn văn hoá cho mình, gạt bỏ những gì không thích hợp rồi định hình, định tính, định vị cái thanh lịch cũng như toả sáng văn hoá thủ đô đi các nơi. Nét đặc trưng của văn hoá Hà Nội là nêu gương nếp sống để người “tứ chiếng” về cư trú noi theo. Nhập gia tuỳ tục là thế.
Người Hà Nội tự hào về sự thanh lịch của mình thể hiện trong nhiều mặt. Trước hết là ở lời nói. Người Hà Nội dùng ngôn ngữ chuẩn xác, thanh âm mẫu mực, không quen những từ thô tục, sỗ sàng. Họ biết nhún mình, tôn trọng người khác, mềm mỏng mà không thớ lợ, tài hoa mà không khoe khoang, biết rộng mà không làm cao, biết "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Người Hà Nội lịch sự trong cách ăn mặc. Trang phục, trang sức ưa sự gọn gàng, trang nhã, tề chỉnh, cách tân tinh tế, đủ độ lộng lẫy, kiêu sa. Họ thích diện, thích đổi mốt làm đẹp cho mình và cho phố phường nhưng không cầu kỳ, khoe của và biết nâng cái đẹp đồng hành với cái nết. Người xưa ra đường là áo dài chỉnh tề. Khách đến chơi, chủ nhà giữ lễ tôn trọng, lui vào thay đồ tươm tất mới ra tiếp.
Con gái Hà Nội giữ "công, dung, ngôn, hạnh", giữ đủ nét e lệ, dịu dàng, ý tứ, từ dáng đứng, bước đi, nụ cười, ánh mắt, thân mật nhưng không sàm sỡ, tế nhị mà không gò bó. Phụ nữ phải biết khâu vá, thêu thùa, nấu ăn.
Người Hà Nội rất sành trong ăn uống, nâng cách ăn, cách nấu thành nghệ thuật ẩm thực. Món ăn mặn, ngọt, chua, cay đều vừa độ, gia vị đầy đủ, nước chấm, nước canh khéo chế. Bữa ăn ngon từ cách xếp mâm, bãy đĩa, lên cỗ. Người Hà Nội ăn lấy ngon để nhớ mãi chứ không ăn lấy no căng bụng. Vào mâm, họ biết trọng già, quý trẻ, nhường món ngon tiếp cho khách, cách ăn cũng từ tốn, thong thả, rượu uống từng ngụm, không dốc cả cốc to, không làm ầm ĩ.
Trong làm lụng, người Hà Nội cần cù, chịu khó, đã làm nghề gì thì học đến nơi, đến chốn, có ý thức chịu trách nhiệm về sản phẩm làm ra. "Khéo tay, hay nghề" là câu ca tụng đất trăm nghề chốn kinh kỳ. Ở đây không có chỗ cho thợ kém mà phải là thợ cả, thợ đầu đàn mới đủ sức cạnh tranh và phục vụ lớp người sành tiêu dùng, biết của tốt, lại giàu có.
Người Hà Nội coi trọng gia đình, gia phong bởi đó là một cái nôi tạo dựng các thế hệ tương lai cho đất nước. Cha mẹ, ông bà luôn là tấm gương mẫu mực cho con cháu noi theo. Việc trong nhà to nhỏ đều tự xử. Đưa nhau ra tòa là nhà vô phúc. Các cụ già có thú chơi tao nhã như: uống trà, chơi cờ, nuôi cá dưỡng tâm, nuôi chim dưỡng tính, nuôi lan tích đức, dựng hòn non bộ, trồng cây cảnh để cân bằng sinh thái, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp cho nhà, cho phố, cho thủ đô...
Nhưng nếp sống, lối sống không phải là bất biến. Bước vào thời kỳ kinh tế thị trường, đồng tiền chế ngự xã hội đã làm phôi pha nét đẹp thanh lịch của người Hà Nội. Trước đây, ở những ngôi nhà ống sát vách nhau, tối lửa tắt đèn, đêm giông, ngày bão biết "bán anh em xa, mua láng giềng gần" đỡ đần nhau. Bây giờ lên ở nhà cao tầng, vào nhà là khép kín cửa, chẳng ai biết ai làm gì, người ở đâu, ra cầu thang máy gặp nhau chỉ gật gù cái đầu là đủ.
Đất nước đã hòa bình, việc hàng đầu là mở cửa hội nhập với quốc tế. Mở cửa thì cả gió lành và gió không lành đều ùa vào. Lối sống gấp hưởng thụ theo bản năng đã làm sa đọa một bộ phận không nhỏ thanh niên. Họ chỉ biết vì mình, coi tiền là tất cả. Họ lao vào những việc làm phi pháp để có nhiều tiền vui chơi, sa vào cờ bạc, nghiện hút, mất cả lương tri con người. Để làm giàu nhanh, họ cũng đã lôi kéo một số cán bộ công quyền tham ô, tham nhũng làm nghèo đất nước.
Trong nếp sống, lối sống, những hiện tượng không lành mạnh, kém văn hóa đã xuất hiện. Cách nói năng tùy tiện, từ ngữ thô tục ở cửa miệng của cả những sinh viên có học. Nhiều cô gái Hà Nội ngày nay ăn mặc phô phang tấm thân ngọc ngà trời cho chẳng cần tế nhị như xưa. Họ xăm mình khắp nơi cho đó là mốt đẹp. Cách ăn uống giờ cũng xô bồ, chạm cốc bia vại, hô lớn "dô dô" rồi ngửa cổ uống ừng ực, bia bọt tràn ra mép một cách bất nhã.
Một số người Tràng An ngày nay chỉ nghĩ đến mình nên tính vô cảm gia tăng. Nhiều khi thấy người gặp nạn, họ bỏ qua không giúp đỡ, va xe làm ngã phụ nữ, người già lại phóng xe bỏ đi cho khỏi trách nhiệm. Mọi cuộc va chạm khác, họ không phân biệt phải trái cứ to mồm và dùng sức mạnh chân tay để "cả vú lấp miệng em". Một số người hay đua xe, lạng lách trên đường làm mất trật tự, an toàn giao thông, coi thường luật pháp. Mặc dù đã xây dựng hàng nghìn km đường nhưng phương tiện giao thông tăng quá nhanh và ý thức tôn trọng luật giao thông của người dân chưa cao nên tình trạng ùn tắc trở thành vấn đề nóng của Hà Nội.
Có người nói vì Hà Nội mở rộng, dân số ngoại thành bằng dân số nội thành, lại có hàng chục vạn lao động chân tay các tỉnh về đây kiếm sống, nên thành phố trở nên nhếch nhác, rác thải bừa bãi, môi trường văn hóa bị ô nhiễm.
Theo tôi, không thể đánh giá như vậy được. Sơn Nam Thượng (một trong những trấn cổ của tỉnh Hà Tây) là đất trăm nghề, xứ Đoài (Sơn Tây) là nơi có truyền thống văn hóa, chính họ dã tạo lập nên 36 phố phường Hà Nội xưa và trở thành những người Hà Nội gốc lâu đời. Bà con lao động các tỉnh cư ngụ có người này, người kia không thể vơ đũa cả nắm. Mọi sự làm cho đô thị chưa đẹp là ở tất cả chúng ta, những người đang sống tại thủ đô. Nếu ai cũng có ý thức phải góp phần làm cho thành phố - trái tim của tổ quốc đẹp hơn, sang hơn, xanh sạch hơn thì nhất định Hà Nội sẽ có gương mặt mới rất đáng tự hào.
Kỷ niệm 60 năm giải phóng thủ đô là dịp cho những người đang sống, làm việc, học tập ở Hà Nội, bất cứ là người dân gốc hay mới nhập cư, làm rõ trách nhiệm và ý thức công dân của mình, thay đổi nếp sống, lối sống cho phù hợp với sự thanh lịch của nghìn năm văn hiến Thăng Long.
Giang Quân
Theo PGS Nguyễn Văn Nhật, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, phẩm cách văn minh, thanh lịch của người Hà Nội biểu hiện ở những nội dung cơ bản sau: - Chất trí tuệ và hàn lâm, văn hiến. Đây được coi là nét đặc trưng nổi bật của người Hà Nội. Đặc trưng này biểu hiện qua các dấu ấn văn hóa vật thể và phi vật thể như Văn miếu Quốc tử giám, Tháp Bút, trình độ dân trí, coi trọng nhân tài. - Giàu nghĩa khí, có khí phách và tính kẻ sĩ. Biểu hiện cao độ của tính cách này là lòng yêu nước, tự hào dân tộc, chủ nghĩa anh hùng, lòng tự trọng. - Chất hào hoa, phong nhã, tài tử và sáng tạo, biểu hiện ở sự tài hoa, khéo léo, tao nhã và sành điệu trong cuộc sống, tính chất phóng khoáng, lịch duyệt, quân tử, tinh tế, coi trọng cái đẹp và luôn sáng tạo trong cuộc sống. - Lòng nhân ái, chuộng hòa bình và hòa đồng với cồng đồng dân cư và các cư dân từ nơi khác đến, nhất là với người nước ngoài. - Tính chừng mực, vừa phải. Người Hà Nội nhìn chung ít rơi vào cực đoan, quá khích, thường có thái độ trung dung, vừa phải, không ham hố, ảo tưởng, quá tham vọng, coi trọng bình an, ổn định. - Tính tôn ti trật tự, kỷ luật, tôn trọng pháp luật. Với tư cách là kinh đô, thủ đô của nước Việt từ Thăng Long, Đông Đô đến Hà Nội, người Hà Nội chịu ảnh hưởng của tư tưởng nho giáo, coi trọng lễ nghĩa, tôn ti trật tự. Cùng với những phẩm cách tốt đẹp, người Hà Nội có những hạn chế về nếp nghĩ và phong cách như: Đề cao quá mức tính hàn lâm, bác học nên nặng về lý thuyết, vận dụng thực tế còn chậm và bị coi nhẹ; Chậm đổi mới và ít đột phá do tính cách cẩn trọng, chắc chắn đến dè dặt, thiếu quyết đoán, táo bạo; Tính kín đáo kiến người Hà Nội trở nên khách sáo, thiếu chân tình, thẳng thắn, trong chừng mực nhất định có biểu hiện thiếu tôn trọng các địa phương khác; Do quá tự tôn, sĩ diện nên nhiều trường hợp không dám nhìn thẳng, chấp nhận hạn chế, yếu kém của mình. |