>Nhận bài dự thi "Viết cho tuổi học trò"
Quê tôi là một một tỉnh miền Trung mà người ta vẫn thường nói là “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, là nơi mà tôi đã được sinh ra và lớn lên. Lớn lên trong cái khắc nghiệt của những ngày trời nắng cháy tháng 6, giữa những mênh mông là nước vào tháng 10 mưa lũ.
Cũng ở nơi ấy, tôi đã trải qua những tháng ngày học sinh vui vẻ và hồn nhiên nhất. Nhưng tôi cũng không quên những vất vả, khó khăn mà mình đã phải trải qua để có được ngày hôm nay. Đặc biệt là năm cuối cùng của thời học sinh, là những chuỗi ngày luôn khắc sâu trong tôi những kỷ niệm.
Vì là năm cuối cấp nên tôi đã phải “cày” rất nhiều, ban ngày thì học chính ở trường, còn ban đêm thì đi học thêm. Dường như tôi không có thời gian để vui chơi, để nghĩ đến những trò giải trí, trong tôi chỉ có một tâm niệm “phải học, phải thi đậu đại học”.
Ngày ấy, ở tỉnh tôi có một ông thầy dạy Văn có thể nói là “nổi tiếng nhất tỉnh” mà những đứa học sinh nào “ôm mộng” đại học thì đều muốn đăng ký lớp dạy thêm của thầy. Tôi cũng không là ngoại lệ, nhưng nơi tôi ở chỉ là một huyện nhỏ cách thị xã nơi thầy dạy gần 20 cây số.
Tôi phải đạp xe gần một tiếng rưỡi để ra được nơi mình muốn học, mỗi lần ra đến nơi việc đầu tiên là ngồi thở và ai hỏi gì cũng chỉ nhe răng cười mà không nói được câu nào. Nhưng khổ sở nhất vẫn là lúc về, vì tôi đăng ký học ca tối (sớm hơn thì không đi kịp) nên cứ nghĩ đến quãng đường về là nổi hết cả gai ốc. Không phải tôi ngại xa, ngại mệt mà tôi ngại trời tối.
Cũng may trên đường về cùng tôi còn có những cô bạn gái khác, có điều tất cả là nữ nên đứa nào cũng sợ, cũng yếu bóng vía. Học khối C nên chẳng có lấy anh chàng nào đi cùng. Nhưng đứa nào cũng nghịch ngợm, và con pha chút lãng mạn trong sáng của tuổi học trò.
Tôi nhớ một lần, cả đám đang đi thì bỗng thấy bên nhà ven đường có cây hoa, tôi liền bảo dừng xe và mon men đi đến hái trộm mấy nhánh. Mắt tôi thì láo liên, mà tay thì vẫn liên tục bẻ, xong leo lên xe đạp thục mạng.
Cũng chính nhờ những ngày tháng đó mà tôi biết đến mùi hoa sữa, lúc đầu tôi rất ghét vì cái vị nồng nồng khó chịu của nó. Nhưng lâu dần, tôi thành quen, và mặc dù không biết hình dáng ra sao nhưng cứ đến đoạn đường đó là tôi biết có hoa và tôi còn gọi một cách lãng mạn là “mùi của nỗi nhớ”.
Đó là những kỷ niệm đẹp và vui vẻ nhất của ngày tháng học trò. Tuy nhiên, cái gian khổ vất vả thì cũng lắm bởi ngày bình thường nắng nóng thì không sao, chứ đến những ngày mưa là mệt vô cùng, đứa nào cũng dầm dề ướt đẫm vì quãng đường khá xa.
Tôi còn nhớ có lần, đoạn đường từ đường lớn xuống nhà tôi 5 cây số đang làm dở, đá lởm chởm, cầu thì đang xây không có lấy một ánh đèn điện. Mấy đứa bạn đi cùng thì đã về đến nhà, còn tôi một mình dắt bộ về.
Khi đi ngang qua cái cầu đang xây, tôi phải đẩy chiếc xe đạp đi xuống dưới chân cầu mà nước ngập nửa bụng (lúc đó quê tôi đang bị lũ), tôi bỗng nghe có tiếng người cười, giỡn với nước. Không thể diễn tả cái cảm xúc lúc đó của tôi, chân tay run lẩy bẩy mà vẫn phải ráng dắt cho qua chiếc cầu.
Bây giờ mỗi lần nghĩ lại, cảm xúc trong tôi vẫn không thay đổi, lại tự “khâm phục” mình vì gan quá.
Nhưng có lẽ do lúc đó thần hồn nát thần tính nên tôi mới nghe có những “âm thanh” lạ như vậy. Về được đến nhà, chân tay tôi vẫn còn run, rồi lại có ý định bỏ không học thêm nữa. Nhưng nghĩ đến những giờ giảng, đến câu nói ẩn ý “đời mà em” của thầy và đến công sức của mình nên tôi không thể bỏ được.
Đó không chỉ là học văn mà còn là học người, là bước đầu tôi luyện để con người vượt qua được gian khó của cuộc đời. Vì vậy, tôi vẫn tiếp tục hành trình của mình trong suốt một năm trời sau đó.
Có lẽ, nhờ những chuỗi ngày vất vả đó mà tôi đã thực hiện được ước mơ của mình. Tôi cảm thấy trân trọng hơn những gì mình đã có được. Giờ đây, mỗi lần về quê đi ngang qua những con đường mình từng đạp xe với lũ bạn, cảm xúc trong tôi lại ùa về.
Chính vì vậy mà tôi yêu những con đường quê đến lạ, dù nó không sáng đèn, không tấp nập như thành phố nhưng ở đó có những kỷ niệm gắn bó một thời thời cắp sách của tôi.
Lê Thị Bích Bến
Cuộc thi ‘Viết cho tuổi học trò’ Cuộc thi nhằm giúp các bạn trẻ chia sẻ những câu chuyện về tuổi học trò, vui hoặc buồn, khiến bạn bật cười hay muốn khóc khi nghĩ đến. Nhưng đó là nơi cất giữ một phần con người bạn, là cuốn cẩm nang đúc kết những bài học sẽ theo suốt cả cuộc đời. Hãy chia sẻ với chúng tôi con người đó, câu chuyện đó của bạn hoặc những người xung quanh để những bài học của bạn sẽ trở thành của mọi người, để giúp cho ai đó còn đang chưa tìm được lối thoát sẽ nhận ra sự đồng cảm và niềm hy vọng vẫn tồn tại trong cuộc đời này và để tuổi học trò mãi mãi là những dấu ấn không quên trong mỗi chúng ta. Cuộc thi do FPT Polytechnic phối hợp với VnExpress và iOne.net tổ chức. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi và gửi bài tham dự tại đây |