Người gửi: Tran Anh Tuan
Gửi tới: Ban Biên tập
Tiêu đề: Tieu Cuc o San bay Tan Son Nhat
Cũng như trăm ngàn hoặc triệu người VN khác, mỗi khi về nước qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất, tôi đều phải đối mặt với các gương mặt lầm lì, bất lịch sự của công an hải quan khi tôi không bỏ vào hộ chiếu 5-10 USD. Họ lớn tiếng nạt nộ tôi, đuổi tôi ra chỗ khác đứng, khi tôi chờ một người bạn đi chung còn kẹt lại (vì tôi và anh ta đều không muốn cho tiền). Họ nạt nộ tôi chỉ vì không muốn tôi thấy thêm cảnh họ cho những người có để tiền vào hộ chiếu đi qua dễ dàng, không một lời hạch hỏi.
Sự tiêu cực mà tôi và mọi người đang phản ánh hôm nay, không một ai đi qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất không biết đến. Từ những người trẻ tuổi sống ở Mỹ, chưa biết gì về đất nước thân yêu, nơi cha mẹ họ sinh ra đến những người lớn tuổi, những học giả và cả những người lao động bình thường, có cuộc sống thật thà, chất phác. Mỗi lần qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất mà không cho tiền đều chịu sự "ngược đãi" như nhau.
Cũng như nhiều quý vị khác, tôi vô cùng bức xúc trước cảnh tiêu cực này. Sau hơn 20 giờ ngồi máy bay mệt mỏi, không được vui, ngược lại có cảm giác bị xem thường, bị xúc phạm về mặt tiền bạc cũng như tình cảm từ công an hải quan. Nhiều quốc gia, tôi đặt chân qua đều được họ chào hỏi thân mật một cách rất lịch sự. Lần tôi đi leo núi Hymalaya bên Nepal - một trong vài đất nước được xem là nghèo nàn, lạc hậu nhất trên thế giới, họ cũng tiếp đón tôi như một người khách.
Có những điều rõ ràng ai cũng thấy là:
1. Nhân viên hải quan mất lịch sự, thiếu tôn trọng với khách Việt kiều.
2. Nhân viên hải quan rất tiêu cực, cố tình làm khó để lấy tiền của khách.
3. Nhân viên hải quan xúc phạm đến khách.
4. Nhân viên hải quan làm xấu bộ mặt đất nước, làm xấu ngành hàng không nói chung và cơ quan hải quan nói riêng.
Bên cạnh đó, có nhiều câu hỏi và sự nghi ngờ:
1. Nhân viên hải quan có phải được phép từ supervisors, managers của họ, để có những hành động tiêu cực như tôi và những bạn đọc khác viết không?
2. Nếu các supervisors, managers không cho phép cấp dưới của mình tiêu cực như vậy thì tại sao không biết những hành động tiêu cực ấy từ trước tới nay?
3. Nếu các supervisors, managers và các cấp lãnh đạo khác đã biết hay đang trên đường chấn chỉnh lại thì thật sự họ đã có những giải pháp nào để xóa các tệ nạn trên?
4. Chỉ cần đặt camera ở nơi làm việc của các nhân viên hải quan, sẽ là điều cho họ biết, họ bị canh chừng… Đó là một việc làm đơn giản và còn nhiều việc làm đơn giản khác nữa để khắc phục tình trạng này…, nhưng sao những tiêu cực này vẫn tiếp tục kéo dài bấy lâu nay?
Nếu có lời lẽ nào đó làm quý vị không hài lòng, tôi thành thật xin lỗi. Tôi cũng chỉ là một trong những người VN định cư ở nước ngoài, quá bức xúc trước tình trạng tiêu cực ở quê nhà nên có vài lời phản ánh. Mong sao một cơ hội hay một dịp may nào đó, cơ quan hải quan hàng không đọc được những bài phản ánh này và ước gì tệ nạn tiêu cực trên được cải thiện. Điều này sẽ mang lại một bộ mặt mới đẹp hơn cho đất nước VN thân yêu. Đất nước mà người Việt trong nước và những người Việt tha hương đều mong muốn, là sự tự hào của những ai mang dòng máu Việt.
Kính thư,
Trần Anh Tuấn