Làm từ thiện là chuyện không mới, nơi đâu có tấm lòng nhân ái, nơi đó con người làm công tác từ thiện. Chưa bao giờ từ thiện nở rộ như ngày nay. Ngoài hội từ thiện, hội chữ thập đỏ, còn có các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội và rất nhiều gia đình, cá nhân cùng tham gia từ thiện.
Ai làm từ thiện?
Đa số nghĩ rằng, người có của ăn của để mới có thể làm từ thiện. Đúng vậy, nhưng chưa đủ. Người bình thường hoặc nghèo vẫn có thể làm từ thiện. Ai không có tiền thì đi vận động, quyên góp, hoặc “người có của thì mình có công”.
Tại sao bạn không đăng ký đi theo các đoàn thiện nguyện để khuân vác, bốc xếp, phân phát quà cho bà con? Tại sao không kết hợp cùng một số người làm việc gì đó để gây quỹ từ thiện? Tại sao không lên mạng xã hội để like, viết comment ủng hộ những người kêu gọi cứu trợ đồng bào bị bão lụt?
Một lời khích lệ, ủng hộ người làm từ thiện, một lời khuyên, động viên chia sẻ, cảm thông với những người kém may mắn, cũng có thể là những “món quà” từ thiện tinh thần đáng trân trọng.
Nghèo nhưng có sức khỏe, thời gian và tấm lòng thì vẫn có thể làm từ thiện được. Làm từ thiện không cần phải đợi đến khi nào dư dả, giàu có. Tôi thấy nhiều học sinh, sinh viên đi bán hoa trong các ngày lễ; bán sách, bút, tài liệu học tập để lấy tiền quyên góp giúp đỡ người nghèo, tàn tật.
Nhiều bạn khác thì làm xe ôm, giữ xe miễn phí, làm hướng dẫn viên tình nguyện trong những mùa thi. Học sinh, sinh viên tham gia công tác tình nguyện trong trường hoặc ngoài xã hội, đó chính là hình thức làm từ thiện phù hợp với điều kiện của mình.
Làm từ thiện vì ai?
Xin đặt ra một câu hỏi có lẽ đã khá cũ: “Làm từ thiện vì ai ?”. Vâng, vì cộng đồng, điều này ai cũng biết. Nhưng tôi xin bổ sung: làm từ thiện cũng vì chính mình nữa. Ở góc độ này, làm từ thiện có hai xu hướng.
Xu hướng thứ nhất, cái tâm thiện để ở bên ngoài cho người khác thấy, nghĩa là người làm từ thiện vừa muốn giúp đỡ người khác, vừa muốn được cộng đồng ghi nhận công sức, tấm lòng của họ.
Điều này rất chính đáng, họ cần được trân trọng, không có gì để phê phán cả. Ai làm một việc gì ý nghĩa cũng muốn chia sẻ với người khác để được tán đồng, ghi nhận.
Nhiều người bỏ tiền ra làm từ thiện, không đòi hỏi báo đáp, chỉ cần cộng đồng ghi nhận tấm lòng của họ là đủ. Vậy mà nhiều ý kiến lại vội vã “ném đá” người làm từ thiện, cho rằng họ làm từ thiện để “làm màu”, “đánh bóng” tên tuổi, lăng-xê bản thân.
Ngay cả MC Phan Anh - người “phá kỷ lục” về sự lan tỏa trong cộng đồng, khi kêu gọi quyên góp được hơn 18 tỷ đồng để cứu trợ lũ lụt miền Trung vẫn bị không ít người cho rằng anh đang “khoe tiền”, mượn cớ PR bản thân. Thay vì chung tay góp sức vì cộng đồng thì họ chỉ biết “ném đá”, làm tổn thương danh dự người khác.
Nhưng thật đáng nể phục khi Phan Anh rất tỉnh táo và bản lĩnh. Anh chia sẻ trên trang cá nhân rằng: “Tôi vì hàng ngàn tấm lòng, không màng lời xuyên tạc”, “tôi không ngại chuyện bị chỉ trích hay ý kiến trái chiều, điều đó chỉ giúp tôi hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn. Và luôn lưu tâm về tính minh bạch thông tin của hoạt động. Sự chỉ trích nhìn theo hướng tích cực sẽ giúp chúng ta tỉnh táo, có cái nhìn bao quát, chấn chỉnh được một số nguy cơ sai sót vô tình”.
Xu hướng làm từ thiện mong mọi người biết đến, ghi nhận và biểu dương là xu hướng đang phổ biến hiện nay, nhất là các bạn trẻ (MC Phan Anh không thuộc trường hợp này). Báo chí, truyền thông cần tăng cường biểu dương, ghi nhận việc làm của họ kịp thời.
Xu hướng thứ hai thì ngược lại, làm từ thiện nhưng âm thầm lặng lẽ, không phô trương ồn ào, không cần ai biết đến, không thích lên báo đài, thậm chí cũng không thích chia sẻ trên Facebook. Trường hợp này, người từ thiện làm theo cái tâm của mình, nếu không làm thì áy náy, cảm thấy không vui, không thỏa lòng.
Gọi họ “làm từ thiện vì mình” cũng đúng, vì họ làm để thỏa mãn cái tâm của mình, cái tâm thiện thôi thúc họ phải làm, không làm thì không chịu được. Cho nên với kiểu làm từ thiện này, cái tâm thiện ẩn sâu bên trong.
Những người từng trải thường chọn kiểu làm từ thiện này. Họ lặng lẽ “cho đi” mà không cần báo đáp. Họ quan niệm rằng “tứ hải giai huynh đệ” (bốn biển là anh em) và “thi ân bất cầu báo” (làm ơn không cầu báo đáp).
Tôi thấy có nhà cứ cuối tuần là âm thầm nấu cháo từ thiện đem đến bệnh viện phát cho bệnh nhân nghèo, ai xin thì cho. Có những bình nước miễn phí, quán cơm 2.000 đồng, quần áo miễn phí “mỗi người một bộ”, bảng “cứu hộ xe ngập nước” miễn phí tại Sài Gòn...
Khó tưởng tượng nổi, giữa cái ồn ào, hối hả, bon chen trong dòng đời xuôi ngược, đâu đó vẫn có những sự cho đi thật giản dị, hào phóng.
Cho đi tức là nhận lại, làm từ thiện giúp người nhưng đồng thời giúp mình trở nên hoàn thiện hơn, ngày càng vị tha nhân ái hơn. Làm từ thiện rất vất vả và đôi khi bị hiểu nhầm bởi những cái nhìn ích kỷ, hẹp hòi, đố kỵ. Thế nhưng người làm từ thiện rất vui khi họ mở lòng mình, giúp ích được cho cộng đồng. Khi đó lòng họ thật thanh thản, tâm an, miệng mỉm cười.
>> Xem thêm: Phan Anh 'đập tan luận điệu xuyên tạc' khi quyên góp 10 tỷ cho vùng lũ
Chia sẻ video, bài viết của bạn tại đây.