Tôi, một sinh viên mới ra trường đã lao đầu theo học thạc sĩ. Năm nay 23 tuổi, chưa có gì trong tay, chỉ có mỗi việc cần mẫn đi học. Cơm áo gạo tiền ba má gánh gồng. Ba tôi nói: “Ráng đi học cho mở mang kiến thức, còn công việc, không cầu nhiều tiền, chỉ cần đủ sống”. Lớp tôi có năm bảy đứa khác cũng theo học cao học. Cũng lông bông, đứa ba mẹ nuôi, đứa làm thêm linh tinh kiếm tiền nuôi cho cái sự học.
Nói trắng ra là, khi chúng tôi học cao học, ngoại trừ gia đình, chúng tôi chỉ có hai bàn tay trắng. Chúng tôi thường cười cười hỏi nhau: “Lấy bằng xong, làm gì đây?”. Cười cười hỏi nên cũng cười cười trả lời: “Làm gì đủ sống là được rồi. Thời buổi bây giờ, thạc sĩ đầy trời, sao dám làm cao?”.
Vậy đó, tự túc học, tự túc tìm việc. Chấp nhận bắt đầu trễ hơn những người tốt nghiệp đại học 2 năm và trễ hơn những người không học đại học hơn năm nữa. Nhưng tất cả những gì chúng tôi nhận được khi theo đuổi sự nghiệp học hành là:
1.Là thạc sĩ non choẹt mặt mũi đi làm mà đòi hỏi nhiều, vênh váo trong khi chẳng được tích sự gì.
2.Thời bây giờ toàn thạc sĩ giấy, học hành có bao nhiêu, toàn quan trọng bằng cấp, háo cái danh.
Tôi tự hỏi, tại sao khi lấy ví dụ về thạc sĩ, các vị lại cứ lấy các thạc sĩ giấy ra làm ví dụ? Còn những người học hành đàng hoàng và không hề chảnh chọe sao không ai nhắc đến?
Thời buổi người giỏi hơn mình nhiều hơn người mình giỏi hơn thế này, chúng tôi - những người chỉ có mỗi tấm bằng lận lưng dám đâu làm giá? Sống trên đời, phải biết mình là ai. Chúng tôi học cao học, chúng tôi học thêm tiếng Anh, nhét thêm vào cái thời khóa biểu một ngoại ngữ khác khi thấy tất cả vẫn là chưa đủ. Chúng tôi, những người trẻ đang học thạc sĩ như thế đó. Nhưng chúng tôi vẫn sợ học xong vì thiếu kinh nghiệm nên không bằng ai. Bởi vậy, sự khiêm nhường vẫn đầy đó và lắm lúc nó còn biến xấu thành sự tự ti.
Vậy tại sao cứ nghe bàn về thạc sĩ, chúng tôi lại nghe rằng thạc sĩ là những người chữ xếp chưa đầy cái lá mít mà cứ đòi hỏi chuyện trên trời? Cái kiểu thạc sĩ ấy sao nó xa với thực tế của cái bọn sắp thành thạc sĩ chúng tôi quá!
Nói đến chuyện đòi hỏi, tôi muốn nói thêm điều nữa. Trừ chúng tôi, những người “cần cù bù thông minh” vẫn có những người là thạc sĩ và họ giỏi thật sự. Họ thấy được rằng những lợi ích họ mang lại công ty đó là lớn vì thế họ mong muốn có sự đãi ngộ tốt. Đó là chuyện tất nhiên. Việt Nam mình vẫn còn tư tưởng “sống lâu lên lão làng” nên không chấp nhận một đứa “vắt mũi chưa sạch” mới về mà đòi hỏi này kia.
Chúng ta hay ca ngợi nước ngoài họ giỏi thế này thế kia, nhất là ở việc kiếm được người có năng lực. Xin thưa, họ thấy người giỏi, họ trải thảm đỏ, ưu tiên đủ thứ để mời người đó về làm cho công ty mình. Người ta là “mời” còn ta thì cứ “ban cho việc làm” thế nên không quen được với việc người lao động đưa ra đòi hỏi. Chúng ta chỉ quen với việc nhà tuyển dụng đòi cái này cái kia thôi.
Nếu yêu sách đủ điều mà làm không được việc thì hãy khinh, chứ chưa gì mới nhìn vào hồ sơ thấy vài dòng “mong mỏi” mà cho người ta là chảnh thì cũng khôi hài.
Người ta cứ kháo nhau: “Bây giờ cần kinh nghiệm chứ bằng cấp cao mà không biết gì thì cũng vứt”. Vậy sao mỗi năm mọi người cứ ùn ùn đổ xô thi đại học từ hệ chính quy đến tại chức? Học cao học không vào trường công ngon lành thì cũng ráng kiếm trường dân lập nào đó mà vào? Cứ rỉ tai nhau trường nào “dễ qua ải” rồi mong kiếm cái bằng thạc sĩ? Họ thi vào đã không ra làm sao, học hành cũng không ra làm sao thế rồi cũng thành thạc sĩ.
Đó chính là nguồn gốc của thạc sĩ giấy. Và xin hỏi, ai là những ứng cử viên sáng giá cho kiểu thạc sĩ này? Hỏi họ, họ bảo rằng đi làm lâu năm giờ có cái bằng thạc sĩ cho nó hợp thức hóa, cho sang cả, cho dễ thăng tiến. Vậy nên, tạo nên thạc sĩ giấy không phải chúng tôi mà là lắm người đi làm đã lâu, vị thế vững vàng nhưng cần tấm bằng thạc sĩ cho một mục đích gì đó ngoài việc muốn nâng cao kiến thức.
Tôi đã chứng kiến, họ không bàn nhau cách giải quyết đề tài khoa học, họ chỉ bàn nhau mua quà gì cho sang, cho đắt tiền để biếu thầy cô. Họ không lo cho luận văn mà chỉ nghĩ ngợi “lót tay” bao thư thế nào cho vừa. “Lũ trẻ” bọn tôi ngây ngô bảo làm bài cho tốt là được rồi, chứ “lót tay” chúng tôi không đủ khả năng thì nhận được cái cười khẩy bảo rằng: “Mấy đứa còn chưa trải đời”.
Rõ ràng, thạc sĩ giấy phần đông xuất phát từ những người đi làm đã lâu, muốn thêm cái danh. Họ đi học bữa đực bữa cái, không chăm lo cho kiến thức, không chú trọng luận văn. Làm bài nhóm với họ là cả một sự mệt mỏi. Đến ngày nộp bài sẽ nhận được cái câu quen thuộc: “Anh, chị đi làm bận lắm mấy em thông cảm”. Trong khi trước đó họ đã nhận phần bài làm nhẹ nhất về mình. Hoặc như lớp bạn tôi thì còn có chuyện một chị lạ hoắc đến bữa nộp bài nhóm thì chạy vào bảo: “Chị đi làm bận quá không đi học được, mấy em cho tên chị vô cùng nhóm nhé”.
Chuyện học cao học là chuyện dài tập hài cười ra nước mắt. Những người trẻ 25 tuổi sẽ có cái bằng thạc sĩ như tôi chưa biết tương lai mình thế nào. Chỉ học vì mình thực sự thích học. Nhưng chưa nhận bằng đã nghe người ta dè bỉu đánh đồng với những người con ngựa non háu đá. Sâu vốn có nhiều nhưng không phải cây rau nào cũng có sâu.
Chúng tôi ra trường, tìm một công việc bình thường vì biết mình kinh nghiệm không có. Thế rồi sau đó chắc hẳn lại có người nói: “Học thạc sĩ ra không kiếm công việc gì ngon ngon mà làm lại đi làm thuê lương ba cọc ba đồng.” Đó chính là điều đã xảy ra với chị tôi. Có bằng thạc sĩ, chị an phận về quê chồng làm giáo viên. Thế là lại được hỏi ngay: “Sao không kiếm đại học mà dạy, giờ thạc sĩ cũng nhiều người dạy đại học mà”.
>> Xem thêm: 'Tiến sĩ viết sai chính tả'
Cua Đồng
Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống, xã hội tại đây