“Tôi làm bên xây dựng cầu đường, phải công nhận là nghề này thực sự rất bạc. Những người ngoài ngành không thể hiểu được đâu. Chúng tôi phải làm quần quật cả ngày, không có ngày nghỉ, lương bổng thì rất bạc bẽo. Thậm chí không bằng một thợ cắt tóc vỉa hè bây giờ. Nhưng thời buổi khó xin việc, doanh nghiệp khó khăn, chúng tôi không làm thì chỉ có nước về quê hoặc ngồi ở nhà thôi”, đó là chia sẻ của độc giả Phúc Hoàng sau khi đọc bài viết “Nghề xây dựng xin việc khó”.
Trong bài báo tác giả Phương Mai đã phản ánh về thực trạng nhiều kỹ sư xây dựng đang thất nghiệp phải chuyển sang làm một số nghề khác để kiếm sống tạm bợ như: mở tiệm bán sim điện thoại, thành lập ra các nhóm đi sửa chữa nhà cho các hộ dân…
Độc giả Pham Lam Nghiep, cho biết anh tốt nghiệp loại khá giỏi với hai bằng đại học và 1 bằng thạc sỹ ở ba trường đại học lớn hàng đầu đất nước hệ chính quy, cùng với 10 năm kinh nghiệm nghề nhưng nay anh vẫn thất nghiệp như thường. “Tôi chỉ mong nền kinh tế sớm qua giai đoạn khó khăn này để đi làm lại mà thấy sao tương lai mờ mịt quá”, anh Nghiep nói.
Còn bạn đọc Nguyễn Hùng Vinh-kỹ sư xây dựng, nói: “Tôi cũng đang ở trong tình trạng thất nghiệp gần cả năm nay, sống lay lắt qua từng bữa, đến tiền phòng có khi phải nợ đến 2 tháng. Hiện tại, tôi đang băn khoăn có nên trụ lại ở Sài Gòn nữa không? Hay là phải về quê mưu sinh chờ công việc xây dựng nở rộ như trước đây rồi mới trở lại Sài Gòn làm việc?”.
“Còn tôi mới tốt nghiệp từ ngành xây dựng đã được hơn một năm nhưng chỉ làm việc được vài tháng thì lại thất nghiệp cho đến nay. Giờ tôi đã về quê làm ruộng luôn rồi, cũng may là gia đình cũng có nhiều ruộng đất nên còn có việc để mà làm”, bạn đọc nick name Nang chia sẻ.
Không những thế, độc giả Nam Bụi còn cho biết: cả tháng nay tôi đến công ty nhưng chẳng có công việc gì để làm, trong khi lương thì ăn theo sản phẩm mà công trình thì lại không có, hiện số nợ của công ty tôi đã lên đến cả hàng trăm triệu. “Cứ kiểu này chắc mình phải bán nhà trả nợ cho công ty quá. Tôi nghĩ ngày xưa học thì vất vả đến lúc đi làm thì lương bèo bọt thua cả một công nhân lao động chân tay”, anh NamBui chia sẻ.
Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM, các nhóm ngành nghề kỹ thuật có nhu cầu tìm việc tăng đột biến trong tháng 7 là các ngành kiến trúc, kỹ thuật công trình xây dựng, điện - điện lạnh - điện công nghiệp, công nghệ thực phẩm.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm cho rằng hiện nay các công trình xây dựng tạm ngừng hoặc thi công chậm nên nhu cầu tuyển dụng nhân sự cho ngành kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tìm việc khó khăn nên một số người có khuynh hướng tự lập nhóm hay đội xây dựng để sửa chữa nhà dân vì từ đây đến cuối năm có thể người dân có nhu cầu sửa sang nhà cửa. 20-30% lượng người còn lại vẫn kiên trì tìm kiếm công việc tại các cơ quan hay tập đoàn xây dựng. Tuy vậy, theo ông Tuấn, nhu cầu tuyển dụng ngành xây dựng không phải giảm hẳn và dự báo sẽ phục hồi trở lại vào năm 2015, khi thị trường địa ốc đã qua giai đoạn khó khăn.
>> Xem thêm: Vì sao nhiều thạc sĩ đi làm phụ hồ
Điệp Lê tổng hợp
Chia sẻ bài viết việc làm của bạn tại đây.