From: N. H. Anh
To: phapluat@vnexpress.net
Sent: Monday, July 07, 2003 9:50 AM
Subject: CSGT - mot vai y kien xay dung
Chúng ta qua thời bao cấp đã lâu cho nên tôi vô cùng ngạc nhiên khi đọc những lời đề nghị của bạn Utilisateur1. Nếu như vậy thì tất cả các công chức nhà nước nhận mức lương thấp đều phải đi làm thêm hết. Một kỹ sư du học ở nước ngoài về, có 10 năm kinh nghiệm, tốn tiền ăn học biết bao nhiêu, muốn có thu nhập đủ sống và muốn sống lương thiện thì xin mời đi dán đèn lồng. Và hệ thống lương nhà nước không thể cải cách vì bạn không thể đóng thêm thuế. Thật là thú vị.
Theo quan điểm của tôi, trong nền kinh tế thị trường, sức lao động là hàng hóa, bạn không thể mua được hàng hóa tốt nếu không trả đúng giá trị của nó. Công ty tôi khi tuyển nhân viên luôn đặt nguyên tắc này lên trên hết. Khi ta trả đúng giá trị sức lao động, chúng ta không cần phải hô khẩu hiệu, không cần phải gò ép, tất cả mọi người đều cố gắng hết sức vì cả lợi ích chung và riêng. Tôi thực sự ngạc nhiên một thạc sĩ có 10 năm kinh nghiệm, đi du học ở nước ngoài lại chấp nhận một mức lương thấp và đi làm thêm. Trong khi đó công ty tôi đăng báo tuyển nhân viên tốt nghiệp đại học, tiếng Anh lưu loát, sử dụng vi tính được với mức lương 1,5-2 triệu đồng/tháng lại tìm không ra.
Theo tôi, nếu muốn giảm tiêu cực thì phải gắn liền quyền lợi và trách nhiệm cho CSGT. Ví dụ, trách nhiệm của đoàn 1 CSGT là giữ gìn trật tự giao thông ở các quận trung tâm, nếu để xảy ra kẹt xe, tai nạn giao thông là trách nhiệm của các anh, phải có hình thức kỷ luật. Nếu giữ gìn trật tự giao thông tốt, sẽ tăng lương, thưởng. Còn tiền để chi cho việc tăng lương thưởng thì từ các quỹ như phí giao thông thu qua phụ phí xăng dầu, phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Các công ty bảo hiểm thu hàng tỷ đồng phí bảo hiểm mà không đóng góp cho việc giữ gìn an toàn giao thông là không đúng.