Trong cuộc sống, nhiều khi những cái tôi bị triệt tiêu bởi suy nghĩ và hành động của số đông, dần dần hình thành nên việc bắt chước, a dua theo phong trào mà thời gian gần đây, báo chí thường hay gọi là ''hội chứng đám đông''.
Năm ngoái, dư luận cả nước nổi sóng vì hành động hôi bia của một số người tại Biên Hòa trước xe tải chở bia gặp nạn. Thậm chí, hình ảnh xấu xí đó còn được đăng lên một số trang báo nước ngoài. Những người hôi của vẻ mặt đầy hả hê, không những vậy, có người còn mang cả xe máy, xe ba gác chở bia về, đó là hiệu ứng rõ nét của ''hội chứng đám đông''.
Nhìn những người hôi bia đó chẳng có gì nghèo khó cả, tuy nhiên, chưa hẳn tất cả những người hôi bia là tham lam. Tôi nghĩ là họ a dua theo số đông, thấy một người vào hôi bia thì cả đám sẽ làm theo, rồi tạo hiệu ứng dây chuyền. Ban đầu chỉ là một số người nhỏ lẻ, sau đó lên đến hàng chục người, rồi hàng trăm người.
Ngay sau đó, lại xảy ra vụ xô xát lớn tại công trường xây dựng nhà máy Samsung Thái Nguyên. Ban đầu chỉ là mâu thuẫn nhỏ, đành rằng mối quan hệ giữa công nhân và bảo vệ không được tốt cho lắm, nhưng tôi nghĩ ở đâu cũng vậy thôi, nhưng hàng chục, hàng trăm, cho đến hàng nghìn người lao vào ẩu đả thì đúng là không còn gì để nói.
Sự việc càng nóng hơn khi công an can thiệp, họ tấn công luôn cả công an, phá hủy nhiều tài sản của tập đoàn Samsung. ''Ai làm, người nấy chịu'', ban đầu chỉ là hành động sai trái của một số bảo vệ nhưng tất cả bảo vệ cũng như tập đoàn Samsung cũng đâu phải chịu trách nhiệm về việc đó. Tuy nhiên, đám đông vẫn ném gạch đá không thương tiếc vào công an và những người không liên quan.
Ngay mới đây thôi, các cuộc tuần hành của công nhân nhà máy tại Bình Dương, Hà Tĩnh trở thành biểu tình quá khích, phá hoại hàng trăm tỷ đồng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong và ngoài nước. Đành rằng có kẻ khiêu khích, kích động nhưng nếu như nhưng người tham gia biểu tình không hùa theo lời khiêu khích, a dua theo số đông ấy thì sự việc đã không tồi tệ đến vậy.
Vụ hôi bia ở Biên Hòa được đăng tải lên một số trang báo nước ngoài tạo ra cái nhìn không tốt về người Việt Nam. Họ cho rằng người Việt ta không những không biết giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn mà còn hùa vào hôi của.
Vụ xô xát ở Samsung Thái Nguyên, việc phá hoại của công nhân tại Bình Dương, Hà Tĩnh làm mất niềm tin của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, ít nhiều gây tổn hại đến kinh tế vốn đã khó khăn của đất nước ta tính đến thời điểm này.
Cá nhân tôi nghĩ, những người hôi bia ở Biên Hòa không phải tất cả đều tham lam, những người quá khích ở Thái Nguyên, Bình Dương, Hà Tĩnh không phải tất cả đều là côn đồ.
Nếu chiếc xe tải gặp nạn ở Biên Hòa, ban đầu không có ai vào hôi của, thậm chí, có những người dọn dẹp bia rơi ra đường, có lẽ cũng sẽ có nhiều người xắn tay vào giúp đỡ anh tài xế. Hoặc khi vụ việc xảy ra, có một vài người vào hôi của nhưng những người xung quanh không có tư tưởng hùa theo đám đông thì vụ hôi bia đầy tai tiếng đó đã không có.
Tương tự, nếu trong vụ xô xát ở Samsung Thái Nguyên năm ngoái hay phá hoại ở Bình Dương, Hà Tĩnh vừa qua không có kẻ khiêu khích, kích động hoặc có một vài kẻ khiêu khích nhưng những người biểu tình không bị nhiễm ''hội chứng đám đông'' thì hậu quả đáng tiếc đã không xảy ra.
Truyền thống ''lá lành đùm lá rách'', giúp đỡ những người nghèo khó trong cuộc sống hoặc bị thiên tai lũ lụt, thói quen nhường ghế cho người già, trẻ em, người tàn tật trên phương tiện công cộng vẫn diễn ra hàng ngày. Vẫn là chiếc xe tải chở hàng gặp nạn nhưng mọi người xắn tay vào giúp đỡ tài xế dọn dẹp.
Tôi cũng không biết là ''hội chứng đám đông'' có nhiều mặt tích cực hơn hay tiêu cực nhiều hơn, có thể các quy tắc đúng mực thường bị xem là nhàm chán nên những mặt tiêu cực của nó được nhắc đến nhiều hơn là tiêu cực.
Tôi không phải là một nhà tâm lý học nhưng theo hiểu biết của tôi, không như người Phương Tây (quan trọng cái tôi, đề cao những cái thuộc về cá nhân), người Phương Đông nói chung, người Việt Nam nói riêng, cái tôi thường nhỏ bé. Thậm chí, trong rất nhiều trường hợp, việc quên đi cái tôi mà theo ý số đông tập thể được xem là đức tính tốt, đáng để học tập.
Theo tâm lý chung, con người sợ bị lạc lõng trong các quyết định cá nhân. Nhiều người trước khi quyết định việc gì, còn chờ xem người khác quyết định thế nào rồi mới làm theo.
Việc hùa theo đám đông, a dua phong trào không hẳn là xấu, nhưng người Việt Nam chúng ta cần tỉnh táo trong các quyết định của mình vì không phải đám đông nào cũng đúng, phong trào nào cũng tốt. Đừng nên "thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào".
>> Xem thêm: Người Việt và tinh thần a dua mãnh liệt
Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống, xã hội tại đây.