Người gửi: Trần Văn Yên
Một chính sách lớn như chiến lược phát triển nền công nghiệp ôtô phải có sự nghiên cứu rất sâu về xu hướng tiêu dùng, tổ chức, cơ cấu hạ tầng giao thông, GDP, môi trường kinh doanh, kinh nghiệm của các nước trên thế giới và mục đích cuối cùng là hướng tới người tiêu dùng. Nếu chỉ vì sợ tắc đường, sợ người dân dùng nhiều ôtô... để rồi đề ra các rào cản như thuế tiêu thụ đặc biệt, áp thuế cho từng loại xe... thì cách quản lý như thế chỉ có ở nền kinh tế bao cấp.
Trung Quốc cũng từng có xuất phát điểm như chúng ta hiện nay và họ đang làm chủ nhiều công nghệ về ôtô, xe máy, thì rõ ràng cách chúng ta đang làm là có vấn đề. Theo tôi, thị trường ôtô hiện nay cũng giống như câu chuyện đã từng xảy ra với mặt hàng xe máy. Trước đây khi chưa có thị trường xe máy Trung Quốc, xe máy ở Việt Nam cũng vào loại đắt nhất thế giới và các doanh nghiệp sản xuất cũng luôn mồm kêu làm ăn thua lỗ!
Bây giờ thị trường đã cạnh tranh, hàng về nhiều nhưng giá xe máy lắp ráp tại Việt Nam vẫn không rẻ hơn xe máy của các nước khác! Rõ ràng đây là vấn đề năng lực quản lý điều hành từ vĩ mô đến vi mô có quá nhiều bất cập. Chúng ta đang chỉ xem xét khía cạnh giá, còn chất lượng thì quả là không thể biện minh được cho sự thua kém xe nhập ngoại.
Như vậy, vấn đề theo tôi là phải xác định được Nhà nước quản lý cái gì và các doanh nghiệp có những quyền chủ động nào trong đầu tư ngành công nghiệp ôtô?
Nếu hiểu một cách nôm na răng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một mặt hàng nào đó là cách thể hiện chúng ta không khuyến khích dân chúng tiêu thụ mặt hàng này. Điều này xuất phát từ quan niệm những người sử dụng ôtô phải là cán bộ cấp cao hoặc các đại gia nhiều tiền, chứ không phải ý muốn đất nước sớm làm chủ công nghệ sản xuất ôtô.
Theo tôi để nền công nghiệp ôtô thực sự phát triển, chúng ta phải có cách nhìn thông suốt và rõ ràng trong lĩnh vực này. Không thể tư duy theo kiểu các nước làm gì chúng ta cũng làm nấy. Có lẽ câu hỏi cần bàn không phải là chúng ta làm thế nào để đưa nền công nghiệp ôtô mà là chúng ta có cần đầu tư nhiều vào ngành này hay không. Những vấn đề bảo vệ lâu dài môi trường sống, tính đặc thù của đất nước chúng ta về văn hóa, lối sống, tập tục và tốc độ phát triển kinh tế, văn hóa... đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu, xem xét mọi vấn đề một cách khoa học hơn.