Hôm rồi gọi điện thoại về quê hỏi thăm ba mẹ, đến chuyện lúa thóc thì nghe tiếng mẹ thở dài: “Lúa năm nay mất giá ngay vào lúc sắp thu hoạch, chắc mất ít nhất hơn chục triệu mùa này, lại một mùa trắng tay”. Nghe đến đây, nỗi buồn dâng lên trong tôi, một nỗi buồn khó tả.
Nhà tôi là một gia đình thuần nông Nam bộ, từ đời ông nội đến đời ba tôi đều làm ruộng, suốt ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Đến đời tôi, ba mẹ không muốn tôi phải cực khổ nên cố gắng nuôi con ăn học.
Tốt nghiệp đại học, tôi may mắn tìm được công việc văn phòng, không phải làm việc ngoài nắng gió. Thú thật, bản thân tôi xuất thân trong gia đình thuần nông nên tôi hiểu được sự cơ cực để làm ra hạt gạo, hạt lúa. Tôi nhận thức điều ấy và cố gắng học hành để sau này không phải đi làm nông như thế hệ ông bà, cha mẹ tôi đã trải qua.
Có làm nghề nông mới thấm được nỗi vất vả của người nông dân. Quê tôi là một huyện đầu nguồn của tỉnh An Giang, nơi mà mỗi năm đều trải qua một mùa lũ từ sông Mê Kông đổ về.
Sự màu mỡ mà những đợt lũ mang lại khiến đất đai ở đây xanh tốt và là điều kiện tuyệt vời cho các cánh đồng lúa thi nhau phủ xanh cả một vùng đất, đem niềm hy vọng cho người dân cả vùng. Ấy vậy mà bao nhiêu năm nay người dân quê tôi vẫn nghèo.
Họ nghèo không phải vì thiên nhiên đối đãi bất công với họ mà là vì chính cây lúa, thứ đã mang niềm hy vọng cho họ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Để có được một cây lúa xanh tươi trên cánh đồng là cả quá trình làm việc cật lực.
Khi vụ mùa mới bắt đầu, người ta chọn giống lúa tốt từ các ruộng mùa trước cho năng suất cao để đem đi ngâm dưới sông khoảng từ một đến hai ngày. Sau đó, họ đem giống đã ngâm ấy lên bờ trải ra và ủ cho đến khi lúa lên mộng thì đem đi rải trên các ruộng đã được chuẩn bị sẵn.
Sau khi lúa được sạ (thuật ngữ miền Nam cho việc trồng lúa) thì sự cực khổ mới bắt đầu với người nông dân. Lúa sạ xong phải lo không cho giống bị chuột ăn mất, khi lúa lớn lên một chút phải canh để trị ốc bươu vàng hoặc chuột cắn phá.
Nếu ruộng bị hai loại động vật này cắn phá thì bà con nông dân phải cong lưng ra mà cấy lúa. Cảm giác phải khom lưng ra cấy lúa hàng giờ liền dưới cái nắng chang chang của trưa hè là cực hình đối với ai mới lần đầu tiên cấy lúa.
Khi cây lúa được một hoặc hai tháng tuổi thì họ bắt đầu lo các mối nguy hiểm cho cây lúa, nào là sâu đục thân, sâu cuốn lá lúa, đạo ôn cổ bông, bệnh vàng lùn… Để phòng trị các bệnh này, người nông dân phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với chi phí không hề rẻ và tiềm tàng nguy cơ gây bệnh lâu dài cho người sử dụng.
Để cho cây lúa xanh tốt thì phân bón là thứ không thể thiếu và giá một bao phân bón bây giờ cũng không rẻ chút nào. Đến giai đoạn cây lúa trổ bông, người ta lại lo đến bệnh lép hạt, rồi chuột đồng cắn phá.
Vào mùa nắng (Đông xuân) ít có mưa gió còn đỡ, đến mùa mưa (Thu đông) mưa gió triền miên mà lúa đang giai đoạn làm đòng, trổ bông thể nào cũng sập, mà lúa sập thì chắc chắn là bị thất mùa.
Đối với người nông dân, niềm vui lớn nhất chính là trúng mùa. Những vụ mùa bội thu lúa chở về chất đầy sân làm không khí nơi nơi vui tươi đến lạ kỳ. Nhưng niềm vui không bao giờ trọn vẹn, năm nào nông dân trúng mùa thì lại mất giá, đã vậy còn bị thương lái ép giá.
Tôi nhớ cách đây hơn 10 năm, có lần 1kg lúa chỉ có giá 900 đồng. Mỗi lần lúa mất giá như vậy, tôi lại thấy thêm nếp nhăn trên gương mặt ba, thêm cọng bạc trên mái tóc của mẹ.
Có năm được mùa nhưng khi tính toán lại cuối mùa thì đâm ra bị lỗ vì lúa mất giá. Chi phí để sản xuất ra một hạt lúa ngày càng cao nhưng giá trị hạt lúa lại ngày càng giảm đang khiến không ít gia đình bám trụ với nghề nông phải bán đất, phải đi tìm đường sống ở các khu công nghiệp, khu chế xuất xa xôi để nuôi hy vọng về một tương lai tốt đẹp.
Những người nông dân đang hàng ngày, hàng giờ tạo ra hạt gạo nuôi sống 90 triệu con người trên đất nước chúng ta, đã nhận lại quá ít so với những gì họ đã bỏ ra.
Hôm trước, khi đọc báo thấy bất động sản đang có nguy cơ đổ vỡ đã được nhà nước “bơm” gói cứu trợ 30 nghìn tỷ đồng để cứu, mà tôi thấy xót xa cho những người nông dân như ba mẹ tôi.
Nếu gói cứu trợ đó được dùng để cải tạo lại ngành nông nghiệp, hỗ trợ người nông dân làm các mô hình trồng lúa mới thì hay biết bao. Như vậy, mục tiêu xóa đói giảm nghèo sẽ càng được thúc đẩy nhanh hơn, người dân sẽ càng sung túc hơn. Chúng ta nên nhớ đại đa số người dân Việt Nam đều sống ở nông thôn và kinh tế chính của họ là nông nghiệp.
Gói cứu trợ 30 nghìn tỷ đồng đối với ngành bất động sản Việt Nam hiện nay chỉ là “muỗi” mà thôi, nhưng đối với những người nông dân thì nó là một con số cực kỳ lớn.
Tôi hy vọng tương lai chúng ta sẽ có những thay đổi tích cực, để giúp người nông dân có thể sống được trên mảnh đất của họ, có thể ngày càng làm ra nhiều lúa gạo để nuôi sống dân số ngày càng tăng, đồng thời có cuộc sống ngày càng sung túc hơn.