Vài thập kỷ qua, xã hội Việt Nam đã có nhiều đổi thay, cuộc sống vật chất của người dân nói chung và phụ nữ nói riêng đã có những bước tiến rất xa. Phần nhiều phụ nữ đỡ vất vả hơn thế hệ mẹ, bà mình ngày xưa. Tuy nhiên, đức hy sinh, bản chất chịu thương chịu khó, kèm theo đó là hệ quả tất yếu rằng sự thiệt thòi vẫn luôn hiện hữu.
Trong thời chiến, sự hy sinh của người phụ nữ, người mẹ Việt Nam khiến chúng ta phải nghiêng mình. Chúng ta ngợi ca bởi đó là sự hy sinh có ý nghĩa, hy sinh cho đất nước, cho dân tộc, cho những người đàn ông đích thực.
Nhưng ngày nay, phẩm chất tốt đẹp ấy của các chị, các mẹ đang bị lạm dụng bởi một số người đàn ông vô trách nhiệm, bởi sự bội thực những thói hư tật xấu.
Tất nhiên, tôi không vơ đũa cả nắm bởi đâu đó vẫn còn những đấng nam nhi sống có lý tưởng, có trách nhiệm với gia đình. Nhưng hãy nhìn vào con số 3 tỷ USD/năm dành cho rượu bia, thì đủ biết việc tìm những người đàn ông Việt đúng nghĩa trong thời đại này là gian nan thế nào.
Sự cống hiến vô điều kiện, sự nhẫn nhịn của người phụ nữ Việt Nam ngày nay mang lại gì ư? Là một lớp những người chồng ích kỷ, suốt ngày quanh quẩn bên bàn nhậu và nhậu chính là gốc dẫn tới sự thiếu lý tưởng sống, thiếu trách nhiệm với bản thân và gia đình.
Thôi thì đủ kiểu nhậu nhẹt, cụng li bôm bốp là hạng nhẹ, thêm chút xíu là phải vào nhà hàng bia ôm, có mấy em gái nho nhỏ xinh xinh để gác tay, để sờ nắn. Thêm nữa là giải sầu cùng mấy em gái tại nhà nghỉ sau mỗi cuộc nhậu tàn…
Vấn đề được đặt ra ở đây là người đàn ông nghĩ gì về những hành động đó của mình? Câu trả lời không quá bất ngờ nhưng vô cùng đau lòng, bất bình và đáng lên án. Phần lớn họ cho đó là điều bình thường, không chút mặc cảm tội lỗi, không chút hổ thẹn. Một tuần nhậu dăm ba bận ư? Chuyện nhỏ. Thi thoảng “ăn nem, ăn chả” ư? Đâu có sao, nhu cầu mà…
Có hôm tôi hỏi anh chồng mình, với tư cách đại diện cho phái mạnh, rằng: “Nếu anh thấy vợ mình có bồ thì sao?”. Anh trả lời tức thì: “Bỏ luôn. Đàn ông “qua đường” thì có sao đâu, rồi họ vẫn về với gia đình thôi, chứ phụ nữ có bồ thì chỉ có nước bỏ chồng”.
Thiết nghĩ, vậy nếu phụ nữ ngọai tình rồi vẫn về nhà chăm lo gia đình, vẫn ngon ngọt với chồng lại không được sao?
Vậy, lý do gì đã khiến cánh đàn ông được quyền nghĩ như vậy, tiếp tục hành xử như vậy? Tại sao những điều tưởng chừng rất xa lạ ở những nước văn minh thì là có vẻ rất đỗi bình thường ở Việt Nam? Tại sao?
(Xem thêm: Đàn ông Việt coi vợ như Ôsin)
Rõ ràng, ngoài yếu tố văn hóa, giáo dục thì chính sự cam chịu, sự buông xuôi của người vợ, người mẹ là tác nhân tạo nên bi kịch này bởi “nhân đạo không đúng lúc sẽ trở thành tội ác”.
Những người phụ nữ Việt cần phải nhìn nhận lại một cách nghiêm túc, cần đoàn kết, cần đấu tranh, không phải cho riêng bản thân, cho con cái, mà còn cho chính những người đàn ông. Nếu để tình trạng này tiếp diễn, trong một tương lai không xa, xã hội sẽ phải đón nhận những lớp người đàn ông yếu ớt, bệnh tật, không chí khí, không đam mê…
Một ngày 8/3 nữa đang đến thật gần. Rất nhiều người phụ nữ không cần socola, không cần hoa, không cần những lời có cánh. Họ chỉ cần sự thức tỉnh của những người đàn ông sau cơn say dài để ngăn dòng nước mắt tủi hờn mỗi khi đêm về, để con thơ được lớn lên bầu không khí trong lành, trong sự chăm chút của cha, để tiếng cười, hạnh phúc lại đong đầy gia đình nhỏ, để đức hy sinh của người phụ nữ không phải là bi kịch mà là sự tự hào...
Để giấc mơ sau không còn là ảo ảnh:
Chồng: Em à, bữa nay nay tan làm sớm, sẽ về ăn cơm cùng với mấy mẹ con nhé.
Vợ: Em thương anh vất vả, em mua được con cá tươi nấu riêu, anh có thích không?
Chồng: Em nấu gì anh cũng thích. Chứ ngày xưa đi nhậu triền miên, tòan nạp vào người những thứ độc hại. Thôi, anh cúp máy đây, chạy về với mấy mẹ con đây.
Vợ: (mỉm cười hạnh phúc).
>> Xem thêm: Thơ tặng chị em ngày 8/3
Chia sẻ bài viết của bạn về ngày phụ nữ Việt Nam 8/3 tại đây.