From: Utilisateur1
To: phapluat@vnexpress.net
Sent: Monday, June 30, 2003 10:28 PM
Subject: Phương án "tăng lương cho cảnh sát giao thông để giảm tiêu cực" thật khó hiểu
Tôi xin được trích nguyên văn: "... Tôi hoàn toàn hiểu và thông cảm cho những cảm nghĩ, bức xúc của tất cả những người đã bị nhũng nhiễu, quấy rầy bởi CSGT. Nhưng chúng ta đã quá vội vã khi kết tội họ...". Ô hay, người dân đã bị bức xúc vì bị nhũng nhiễu, quấy rầy nên khi phàn nàn tiêu cực thì lại coi là "vội vã khi kết tội"?
Bài viết còn nói: "Bạn hãy thử nhìn kỹ vào mức lương của CGST thì sẽ rõ, lương của họ bao nhiêu một tháng?". Trước khi nhìn nhận đánh giá lao động của ai đó, chắc chắn tôi phải nhìn kỹ vào hiệu quả lao động và thái độ của họ trước khi "nhìn kỹ" vào mức lương của họ.
Trong xã hội chúng ta, ai cũng phải làm việc và không phải ai cũng nhận được mức lương xứng đáng để thỏa mãn tiêu pha, giải trí. "Giả sử bạn nhận một mức lương như vậy để nuôi gia đình thì liệu có thể liêm khiết được chăng?". Tôi không hiểu người viết bài này đã đọc kỹ về nạn mãi lộ ở Trạm kiểm soát giao thông Dầu Giây chưa? Nếu đọc rồi thì tôi không hiểu nhà nước nào có thể thỏa mãn được nhu cầu của ông trạm trưởng này. Nhu cầu của con người nhiều khi không hạn chế nổi, nếu lấy lý do "lương ít" để ăn cướp và "hỗn láo" với nhận dân là điều không thể chấp nhận được.
Chúng ta đều làm việc theo sự phân công của xã hội, và trước khi vào nghề, chúng ta đều đã ý thức được điều kiện công việc và xã hội. Chúng ta lên án một cô gái điếm băng hoại đạo đức, một nhóm thanh niên thích ăn chơi lười lao động mà dỡ cả đường ray xe lửa bán sắt vụn phó mặc sinh mạng của dân lành, hay rộng hơn nữa là nạn tham nhũng, đục khoét... Nếu lý luận theo kiểu "thiếu tiền, không đủ xài" thì quá dễ. Và cách khắc phục cũng đơn giản: Gọi họ đến, xoa đầu họ rồi cho họ ít tiền rồi dặn dò làm như vậy là không tốt, cầm chỗ tiền này mà tiêu rồi chớ có làm bậy nữa.
"Tại sao bạn lại bắt họ phải sống một cuộc sống cực khổ để phục vụ cho bạn?". Lần này lại thêm một ngạc nhiên nữa, nào có ai bắt buộc ai... Như tôi đã nêu trên, chúng ta đều làm việc theo sự phân công của xã hội: người nông dân làm ra hạt thóc củ khoai để chúng ta ăn, người công nhân làm ra manh quần tấm áo để chúng ta mặc, làm ra các loại máy móc công cụ để phục vụ cho sinh hoạt của chúng ta, người thầy thuốc chăm sóc sức khỏe cho chúng ta, người thầy giáo dậy cho chúng ta khôn lớn, lên người... Cả xã hội đều hoạt động và đều chịu trách nhiệm bình đẳng trước pháp luật. Nếu như biện hộ theo kiểu "họ hành động sai trái vì họ không đủ tiền tiêu" thì tôi e rằng có lẽ chúng ta còn phải chấp nhận nhiều điều chướng tai gai mắt nữa. Không có một xã hội nào, nhà nước nào có thể thỏa mãn mọi ngành nghề trong xã hội, mà tâm lý thì ai cũng muốn được quan tâm nhiều hơn cả.
Nói tóm lại, nếu ai đó "sẵn sàng đóng thêm thuế để tăng thu nhập cho họ" thì xin cứ việc, còn tôi thì không.