Người gửi: Lê Long
Gửi tới: Ban Pháp luật
Tiêu đề: 10 năm nay hải quan Tân Sơn Nhất vẫn thế
Kính gửi VnExpress và bạn đọc,
Do vị trí công tác, tôi được đi lại hầu hết các khu vực tại sân bay nên cũng biết khá nhiều về công việc của các ban ngành khác trong đó có hải quan, an ninh - xuất nhập cảnh cửa khẩu. Trong các thư trước, tôi thấy có bạn nhầm lẫn và cho rằng hải quan và an ninh - xuất nhập cảnh cửa khẩu là một. Trên thực tế đó là hai cơ quan quản lý nhà nước khác nhau. Hải quan quản lý hàng hóa ra vào cửa khẩu trực thuộc Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính. Còn an ninh - xuất nhập cảnh cửa khẩu quản lý người xuất - nhập cảnh qua cửa khẩu trực thuộc Tổng cục Cảnh sát phía Nam - Bộ Công an.
Mỗi người dù là người nước ngoài hay trong nước, hoặc phi hành đoàn từ nước ngoài đến bằng phương tiện hàng không đều phải đi qua các quầy kiểm soát nhập cảnh trước tiên, với các giấy tờ tối cần thiết như: hộ chiếu có thị thực nhập cảnh, tờ khai nhập cảnh và hải quan (dùng chung). Thường thì hành khách ít bị rắc rối hơn khi qua các quầy này vì không mấy người lại đi tới một nước không rõ người ta sẽ chấp nhận mình nhập cảnh hay không, hơn nữa hãng hàng không có thể không nhận chuyên chở hành khách chưa có thị thực tại nước đến.
Phiền hà thường đến nhiều hơn với hành khách sau khi họ đã được nhập cảnh (người được nhập cảnh sẽ chịu sự kiểm soát của luật pháp sở tại). Các hành khách người Việt Nam, nước ngoài gốc Việt... thường được các anh chị hải quan tỏ ra "quan tâm đặc biệt" vì tâm lý về nhà hay thăm người thân là ai cũng mang nhiều đồ đã mua ở nước ngoài làm quà hay sử dụng. Hiện nay, tiêu chuẩn nhà nước chỉ cho phép miễn thuế trị giá hàng hóa mỗi lần nhập cảnh chỉ 300 USD cho mỗi người, phần vượt tiêu chuẩn sẽ bị áp thuế theo biểu giá hiện thời. Với 300 USD thì quả là ít ỏi, không mua được bao nhiêu vì mức sống tại nước ngoài cao và mức sống trong nước cũng đang tăng. Do vậy tính chi li ra thì vô khối người vi phạm. Chỉ cần vin vào đó là đã khối anh nhảy vào kiếm tiền được, do vậy để nhanh chóng cho cả đôi bên thì chỉ có cách kẹp tiền vào hộ chiếu. Nhân viên hải quan có tiền, hành khách có nhiều đồ được giải quyết thủ tục nhanh chóng. Chỉ có nhà nước bị thất thu thuế. Nhưng xét cho cùng thì của cải vật chất chảy vào trong nước chứ có đi đâu đâu, chỉ tội cho những người chẳng mang hàng hóa gì nhưng chịu cảnh "làm luật" chung. Không chỉ hành khách mà phi hành đoàn cũng là đối tượng để hải quan làm tiền nếu họ có mang quà cáp nhập khẩu vượt tiêu chuẩn cho phép. Chuyện nộp thuế cho nhà nước chỉ là hãn hữu, "anh em mình thỏa thuận chia đôi nhé". OK...pass...
Trong gần 10 năm làm việc tại Tân Sơn Nhất, tôi đã chứng kiến nhiều đổi thay. Sân bay khang trang hiện đại hơn, nhưng nhiều ban ngành vẫn vậy, trong đó có hải quan. "Bình mới rượu cũ" mà, họ có luân chuyển cán bộ nhân viên từ các khu vực khác như cảng, bưu điện, khu chế xuất, kho hàng hàng không... hay tuyển các tân nhân viên hải quan vừa mới ra trường, trẻ trung và đầy nhiệt huyết. Song tất cả cũng vẫn như cũ, có chăng chỉ là chút bỡ ngỡ ban đầu.
Không biết trong 10 năm tới, nếu còn làm việc thì tôi có chứng kiến được sự đổi mới nào của ngành này không.