Chính phủ Mỹ đóng cửa quả là một sự kiện hiếm có. Tôi xin chia sẻ những gì mình biết về sự kiện này cùng các bạn.
Quốc hội Mỹ bao gồm hai viện, thượng viện (Senate) và hạ viện (House). Thượng viện có 100 thượng nghị sĩ, còn hạ viện có 435 hạ nghị sĩ. Chuẩn y ngân sách cho chính phủ Mỹ là một trong những nhiệm vụ của quốc hội.
Một bản ngân sách phải được hạ viện thông qua trước khi thượng viện thông qua. Sau đó bản ngân sách được tổng thống chuẩn y và có hiệu lực.
Mỗi năm tài khóa của chính phủ Mỹ bắt đầu từ ngày 1/10, kết thúc vào ngày 30 tháng 9 năm sau. Như vậy mỗi năm quốc hội phải thông qua một bản ngân sách mới trước ngày 30/9.
Năm nay, bản ngân sách đó không được thông qua. Nguyên nhân rất chính trị: bản ngân sách năm nay có kèm thêm nhiều điều khoản nhằm trì hoãn hay cắt giảm đạo luật cải cách y tế (người ta hay gọi là Obamacare, bởi đạo luật này do tổng thống Obama đề xuất và đã được chuẩn y bởi quốc hội từ năm 2009).
Hiện nay, ở hạ viện, phe Cộng hòa chiếm đa số. Họ liên tục thêm những điều khoản nhằm trì hoãn đạo luật Obamacare vào ngân sách. Một ngân sách như thế tất nhiên chỉ được hạ viện chuẩn y, và tới thượng viện thì thua ngay. Đó là vì phe Dân chủ chiếm đa số ở thượng viện.
Obama tất nhiên cũng thuộc phe Dân chủ và cũng sẽ phủ quyết (veto) bất kỳ bản ngân sách nào có kèm theo điều khoản chống đối bộ luật Obamacare của ông.
Và thế là, bản ngân sách năm nay không được thông qua.
Khi không có ngân sách thì chính phủ không thể hoạt động được. Tất nhiên là Mỹ cũng có luật quy định sẵn là nên làm gì trong trường hợp này. Các chức năng thiết yếu vẫn được duy trì vì các bộ phận đó có quỹ riêng để dành cho họ.
Các chức năng thiết yếu bao gồm: quốc phòng, điều khiển giao thông trên không phận, bưu điện, quản lý an toàn thực phẩm và thuốc men, cơ quan an ninh y tế, quốc hội, văn phòng tổng thống, ngoại giao... Các chức năng không thiết yếu như cấp hộ chiếu, các công viên quốc gia, các thắng cảnh quốc gia thì phải đóng cửa.
Là một người dân ở Mỹ, hôm nay tôi cũng không thấy vấn đề gì nghiêm trọng. Mọi việc vẫn diễn ra bình thường, thư được phát như thường lệ, và đất nước vẫn im ắng làm việc.
Có một số bạn bè của tôi là việc cho các cơ quan quốc phòng trong những chức vụ nhỏ như nhân viên văn phòng thì họ vẫn làm việc như thường, vì cơ quan quốc phòng có quỹ riêng và được xem là trọng yếu. Tòa án liên bang vẫn làm việc như thường. Tôi làm việc cho chính phủ tiểu bang thì tuyệt nhiên không bị ảnh hưởng.
Tuy vậy, với những ai làm việc cho chính phủ liên bang trong những bộ phận không thiết yếu thì họ bị gửi về nhà sáng nay.
Tôi có một người bạn học cũ hiện làm việc cho Bộ tài chính ở Washington. Sáng nay cô ấy đã được gởi về nhà mà không rõ khi nào sẽ đi làm lại. Khi đi làm lại thì họ có thể lãnh được lương truy hoàn, nhưng cũng có thể không lãnh được, tùy vào thỏa hiệp của quốc hội hay quyết định của tổng thống.
Xin nói thêm rằng các nhân viên làm việc cho nhánh hành pháp đều coi như dưới quyền tổng thống.
Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ đóng cửa. Năm 1996 chính phủ cũng đã đóng cửa một lần. Tuy không gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng, nhưng mỗi lần chính phủ đóng cửa thì nền kinh tế bị hao hụt khá nhiều.
Ví dụ như người bạn của tôi không còn lương để lãnh, tất nhiên cô ấy cũng không thể chi tiêu như thường, và khi cô ấy không mua bán thì những người kinh doanh cũng bị ảnh hưởng. Ước tính là mỗi tuần vụ đóng cửa sẽ khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại khoảng 55 tỉ USD.
Vụ đóng cửa lần này nói lên một điều rất rõ: sự chia rẽ sâu sắc giữa hai chính đảng của Mỹ. Đảng Cộng Hòa gần như chống đối mọi thứ mà tổng thống Obama đưa ra từ ngày nhậm chức.
Đạo luật Obamacare được quốc hội thông qua (lúc đó đảng Dân chủ chiếm đa số trong cả hai viện), lại bị thưa kiện lên tòa tối cao, nhưng đạo luật đó vẫn còn nguyên tính pháp lí và sẽ đưa vào thực thi bắt đầu từ 1/1/2014. Đây là nỗ lực cuối cùng của phe Cộng Hòa nhằm chống đối đạo luật này.
Chắc các bạn cũng tự hỏi đạo luật Obamacare là cái gì mà bị phản đối ghê thế. Ở Mỹ, người già (trên 65 tuổi), trẻ em, và cha mẹ của trẻ em có thu nhập thấp thì hưởng chế độ Medicare, tức là có thẻ bảo hiểm y tế.
Người lớn thì đa phần nhận được thẻ bảo hiểm y tế thông qua công ty hay sở làm nơi họ làm. Tuy vậy, có khoảng 40 triệu người lớn không có bảo hiểm do họ không thuộc diện được hưởng Medicare nhưng sở làm của họ không cấp bảo hiểm, hay là họ thất nghiệp.
Obamacare bắt buộc những sở làm cỡ nhỏ cung cấp bảo hiểm y tế, cũng như yêu cầu toàn bộ người dân mua bảo hiểm. Ai thu nhập thấp thì được chính phủ tài trợ để mua bảo hiểm.
Phe Cộng Hòa chỉ trích là đạo luật này sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ không có tiền mua bảo hiểm cho nhân viên, và đạo luật này cũng đánh thuế 5% trên các sản phẩm y tế (như bông băng hay máy trợ tim).
Cuộc chiến chính trị nhằm hủy bỏ đạo luật này diễn ra đã 4 năm nay, và ngân sách chính phủ chính là “con tin” mà đảng Cộng Hòa đang “bắt cóc” để gây khó khăn cho Obamacare.
Đấy là câu chuyện chính trị nước Mỹ. Tôi xin nói thêm là tôi thuộc đảng Dân chủ và đã hai lần bỏ phiếu cho ông Obama, nên tôi có chút thiên vị đối với đảng Dân chủ. Tuy vậy những sự việc kể trên là tổng hợp trên báo chí. Xin chia sẻ với các bạn cho vui trong những ngày tôi ngồi chờ xem quốc hội sẽ còn diễn trò gì. Bản thân tôi cũng như nhiều người dân đã quá mệt mỏi với một Quốc hội Mỹ mãi “không lớn nổi.”
>> Xem thêm: Những khả năng sẽ xảy ra nếu chính phủ Mỹ đóng cửa / Mỹ đâu phải là số một
Chia sẻ bài viết của bạn về các vấn đề thế giới tại đây
Khanh