Đọc bản kết luận của Công an TP. Buôn Mê Thuột tôi cảm thấy nó khá “suông”, “suông” ở chỗ Công an TP. Buôn Mê Thuột đã chưa thể hiện hết trách nhiệm của một cơ quan điều tra của mình, tôi có cảm giác họ chỉ ghi nhận lại sự việc và đưa ra phán quyết “không khởi tố” theo một cảm nhận chủ quan nào đó.
Trong vụ án này, chứng cứ để xem xét trách nhiệm của các cá nhân liên quan là lời khai của các nhân chứng. Tôi thấy làm lạ khi có khá nhiều lời nhân chứng khai trùng khớp với nhau về sự việc bà Ngắn bị đàn chó becgie của ông Thành và bà Hoè cắn trong khi có Nguyễn Đình Sơn ở đó nhưng Sơn đã bỏ mặc mà không cứu giúp bà Ngắn, khiến cho bà Ngắn bị sát hại một cách tàn nhẫn. Thế nhưng các lời khai này vẫn chưa được xem xét một cách thấu đáo, thậm chí bị bỏ qua. Ở đây có các nhân chứng sau: Giang Thị Bích Điệp, Nguyễn Thị Thanh Trâm (cùng đi mót cà phê) và Phạm Văn Sách (người làm thuê trong rẫy của ông Thành, bà Hòe) có thể xem là những nhân chứng trực tiếp. Chị Điệp và chị Trâm đã mô tả rất chi tiết về sự việc khiến cho cơ quan chức năng và dư luận có một cái nhìn sát nhất với diễn biến bà Ngắn bị chó cắn chết. Chúng ta cứ giả sử là lời khai của hai người này là chưa đủ tin cậy vì đứng ở góc độ nào đó, họ là người “đi cùng” với bà Ngắn, có quyền lợi đối lập với ông Thành và bà Hoè.
Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý là lời khai của anh Trương Văn Sách. Lời khai như sau: “Nhận được điện thoại của ai đó gọi cho tôi báo có người bị chó cắn, tôi chạy khắp nơi để tìm, cách hiện trường 400 m tôi nghe tiếng gào khóc nên chạy lại. Đến nơi tôi thấy anh Sơn đang đứng dưới gốc sầu riêng này, Sau đó anh Sơn nói: “Điệp xuống đi chú đưa về nhà, không sao đâu” thì tôi mới biết có người trên cây. Anh Sơn nói có người chết thì tôi nhìn xuống thấy bà Ngắn nằm chết dưới đất” (theo Báo Tuổi Trẻ).
Có hai vấn đề cần quan tâm ở lời khai của anh Sách.
Thứ nhất, lời khai của anh Sách thể hiện sự khách quan không bị chi phối bởi các lợi ích với ông Thành. Nói cách khác, anh Sách không có bất cứ mâu thuẫn nào với ông Thành nên nó đáng tin cậy. Lời khai này cho thấy có những điểm trùng khớp với lời khai của hai nhân chứng Điệp và Trâm về không gian, thời gian và sự xuất hiện của Nguyễn Đình Sơn tại hiện trường. Điều này làm tăng mức độ tin tưởng của lời khai của hai nhân chứng Điệp và Trâm.
Thứ hai, cũng điều quan trọng nhất là từ lời khai này cho thấy khi xảy ra sự việc bà Ngắn bị chó cắn có sự xuất hiện của Nguyễn Đình Sơn, chứ không phải như kết luận của Công an TP.Buôn Ma Thuột là: “Khi xảy ra sự việc chó cắn bà Phạm Thị Ngắn không có mặt anh Nguyễn Đình Sơn, Phạm Văn Sách, Nguyễn Văn Mật cũng như những người khác trong gia đình bà Hòe ở đó thấy chó cắn mà không cứu giúp”.
Trong một vụ án hình sự đã gây ra làn sóng phẫn nộ trong dư luận như sự việc này mà có nhiều tình tiết phức tạp thì điều đầu tiên CSĐT Công an TP Buôn Mê Thuột cần phải làm là khởi tố vụ án. Việc khởi tố vụ án nhằm tạo tiền đề cho việc điều tra xem xét vụ án một cách toàn diện. Vậy sao lại ra quyết định không khởi tố vụ án khi nhiều chứng cứ chưa được làm rõ? Nếu chưa được làm rõ mà đã kết luận là không khởi tố vụ án thì liệu có khách quan không?
Đây chính là những điều tôi cho rằng quyết định không khởi tố vụ án của CSĐT Công an TP. Buôn Mê Thuột vội vàng và chứa đựng nhiều uẩn khúc.
Luật sư Nguyễn Minh Thuận, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Sài Gòn Việt Nam
Hiện là Giám đốc Công ty Luật hợp danh Sài Gòn Việt Nam – Đoàn Luật sư TP.HCM. |