28/10/2013
Con trai tôi mới vào lớp 1, non nớt, vô tư và rất đỗi thật thà. Tôi yêu nét trẻ thơ, hồn nhiên và những cái ôm âu yếm của con khi gặp mẹ mỗi giờ tan học. Như mọi ngày, tôi trông đợi tới giờ đến trường đón con về để được ôm con, hôn con và nghe con tíu tít khoe: “Mẹ ơi, hôm nay con vui lắm”, “mẹ ơi, hôm nay con không bị phạt”, “mẹ ơi, …”.
Nhưng hôm nay, con không nhìn tôi, cũng không đùa giỡn với các bạn. Tôi lo lắng khi nhìn khuôn mặt con bí xị, ngồi sau ôm mẹ mà bé buồn rười rượi. Tôi gặng hỏi thì bé nói: “Mẹ ơi, con không nói dối, con đóng tiền rồi mà cô nói con chưa đóng”.
Tôi càng sốt ruột hơn, hỏi con cặn kẽ: “Chuyện như thế nào, con kể mẹ nghe xem”. Bé nói: “Con đã đưa cô 2.000 đồng tiền heo đất nhưng cô nói con chưa đưa. Cô bảo con nói dối, các bạn cũng nói con nói dối, không ai tin con hết… Con buồn quá mẹ ơi”.
Nghe đến đây, tôi hiểu ra câu chuyện khiến bé không vui, nghe con nói buồn mà tôi muốn rơi nước mắt. Vốn bản tính thật thà, bé luôn chia sẻ với tôi tất cả mọi việc ở trường, dù chuyện lớn, nhỏ gì bé cũng kể tuốt. Bé khá hiếu động, luôn cười vui vẻ suốt ngày và ít khi buồn vặt. Vậy mà…
Lần đầu tiên tôi thấy con trong tâm trạng như thế, đặc biệt bé trông rất bi thương. Con trẻ nào biết gì về đồng tiền kia? Bé chỉ biết đã đưa tiền cho cô bỏ vào heo đất. Làm sao bé dám gian lận, dối trá để lấy 2.000 đồng, bé chỉ biết nếu không đóng sẽ bị la mắng và trách tội.
Là mẹ, tôi cũng rất băn khoăn, một mặt sợ con mình bị đổ oan khiến bé buồn, bị bạn bè trêu ghẹo là thằng nói dối. Mặt khác, tôi cũng sợ mình thương con quá mà bênh vực con vô lý. Tôi nhẹ nhàng hỏi bé vài câu, vì là mẹ chỉ cần nhìn cách trả lời của con, tôi sẽ biết bé có nói đúng sự thật hay không.
“Con đóng tiền cho cô lúc nào?”, tôi hỏi. Bé đáp: “Dạ, lúc con ăn xong, thay đồ”. Tôi thắc mắc vì sao bé không đóng tiền cho cô ngay sau khi ba đưa cho bé thì bé nói: “Dạ, tại lúc đó cô mới kêu đóng, con và các bạn đều đóng, nhưng chỉ có một mình con là cô nói chưa đưa, còn các bạn khác cô không nói gì”, bé rơm rớm nước mắt kể lại
Tôi hỏi: “Vậy cô có la con không?”, bé buồn bã nói: “Dạ có”. Tôi lo lắng hỏi cô la gì thì bé òa khóc: “Cô nói con xạo”. Nghe đến đây tôi cũng bàng hoàng và tưởng tượng ra khung cảnh đó. Hình ảnh cô giáo mặc áo dài, người mẹ hiền trong bài hát, câu thơ… nỡ lòng thốt ra câu nói “xạo” với học trò của mình trong lớp.
Tôi nghĩ, giả sử như con trẻ chưa đóng tiền mà nói đóng rồi, cô cũng nên có lời lẽ nào đó khuyết khích cháu nói thật. Hoặc giả cháu quên, thì cô cũng dùng từ gì thật nhẹ nhàng để nhắc cháu, rồi nói lại với phụ huynh. Tuy nhiên cũng có thể cháu đã đóng tiền rồi, vì nhiều trẻ đóng cùng lúc nên cô quên. Hoặc giả cháu đưa cô rồi cháu vô tình làm rơi hay gió thổi bay tiền mà cả cô trò đều không thấy?
Bé còn quá nhỏ để có thể qua mặt người lớn và giấu gọn 2.000 đồng. Trẻ con có tội tình gì, các bé chỉ như tờ giấy trắng mà người lớn muốn vẽ gì thì vẽ… Vậy sao cô nỡ gán cho trẻ trước mặt cả lớp là “xạo”, để rồi các bạn khác có cái nhìn thiếu thiện cảm với bé, xa lánh và chế nhạo bé là thằng nói dối?
Mới 6 tuổi đầu, chân ướt chân ráo vào lớp một mà đã chịu cú sốc như thế. Bé tức tối, oà khóc ngay khi về đến nhà, ăn cơm qua loa… rồi vào phòng buồn bã và ngủ thiếp đi trong nỗi ấm ức. Trong cơn mơ, bé còn giật mình khóc rưng rức, chứng kiến con như vậy tôi đã mất ngủ cả đêm vì lo lắng.
Sáng 29/10/2013
Ba đưa bé đến trường, chồng tôi muốn gặp và trao đổi với cô chuyện hôm qua. Ba bé tường thuật lại hành động và lý do buồn bã của bé nhưng dường như cô giáo chẳng mảy may quan tâm.
“Cường hôm qua chưa đóng tiền”, cô nói. Chồng tôi trả lời: “Cô ơi, thật sự tôi có đưa tiền cho cháu đóng cho cô. Tôi sẽ đóng lại, nhưng cháu không dám nói dối như vậy đâu cô. Chắc là rơi đi đâu mà không ai thấy, cô và các bạn không tin nên cháu đã rất buồn và khóc cả ngày hôm qua”.
Cô hậm hực: “Có ai nói cháu nói dối gì đâu, tôi không nói, các bạn trong lớp cũng có ai nói đâu”. Sau đó cô tỏ thái độ bận rộn vì tiếp chuyện với phụ huynh khác. Ba bé ra về, nhưng tiếp tục đưa cho bé 5.000 đồng bỏ vào heo đất vì nói là chắc tiền đã bay mất. Chồng tôi nói hẹn lần sau sẽ nói chuyện với cô.
Chiều 29/10/2013
Tôi tới sớm hơn mọi ngày để đón cháu nhưng nhìn nét mặt Cường vẫn không vui vẻ gì. Tôi nói: “Cường mẹ có mua bánh cho con nè”, lúc này bé mới rạng rỡ hơn một chút. Tôi hỏi thêm việc con đã đóng tiền cho cô giáo hay chưa nhưng cháu nói đã đóng nhưng cô không thèm lấy tiền của bé.
Tôi đến bàn giáo viên thân thiện, lịch sự đúng tư cách một phụ huynh và hỏi: “Dạ cô ơi, bé Cường đóng tiền heo đất cho cô chưa hả cô?”. Cô lắc đầu, không nói gì. Tôi hỏi lại: “Dạ, Cường chưa đóng hả cô?”.
Cô trả lời cộc lốc một từ “chưa” và không thèm nhìn mặt tôi. Tôi phân trần: “Cường nói với em là có đóng mà cô không nhận tiền”. Lúc này cô mới ngẩng đầu lên, liếc xéo Cường rồi lại trả lời cộc lốc: “Tiền bỏ vô heo hết rồi, tuần sau đóng đi”. Tôi tiếp tục: “Dạ vậy sau này để em đóng tiền cho cô, em khỏi đưa cho bé nha cô, sợ bé không biết giữ tiền”. Cô nói: “Tuỳ em”.
Tôi hỏi chuyện khác: “Cô ơi, cô có tìm được quyển tập viết của Cường chưa ạ?. Tập viết của bé bị thất lạc sau kỳ nghỉ 9 ngày, cô khẳng định Cường làm mất ở nhà và nói bé không bao giờ làm mất trên lớp trong khi tôi từng thấy nó trên bàn cô lúc đón Cường ngày cuối cùng trước khi nghỉ giữa học kỳ.
Cô quay sang nhìn tôi với con mắt sắc lẹm: “Ủa? Em chưa hỏi Cường hả?”. Tôi chưng hửng: “Dạ trong lớp cô là chủ nhiệm, em nghĩ em nên hỏi cô bởi bé Cường còn nhỏ chỉ sợ bé không biết kiếm tìm tập”. Cô nhìn con tôi và chì chiết: “Cường lại đây nói cho mẹ nghe coi có tìm thấy tập chưa”. Con trai tôi dè dặt nói: “Dạ con có tập viết rồi. Cô đưa cho con, tập được tìm thấy ở lớp ạ”.
Thật sự tôi cảm thấy rất buồn, thái độ của cô đối với tôi không giống như đối với một phụ huynh. Là người sinh ra và nuôi con lớn, tôi gởi con đến trường là để cô thương yêu, dạy dỗ bé thay mẹ nhưng thái độ của cô đối với bé không như hình ảnh mẫu mực của một nhà giáo yêu trẻ con.
Tôi xin một cái hẹn để nói chuyện với cô nhằm tìm được tiếng nói chung nhưng cô dường như chẳng quan tâm. Cô không trả lời, cũng không cho tôi lời hẹn mà quay sang chào một phụ huynh khác ăn mặc sang trọng, cười nói niềm nở khác hẳn như khi nói chuyện với tôi… Rồi cô quên luôn là cô đang tiếp chuyện tôi. Tôi thấy mình dư thừa và buồn cho thái độ của một giáo viên về nguyên tắc ứng xử cơ bản nhưng cô lại không có.
Tôi nghĩ đến tuổi thơ của bọn trẻ đang bị đầu độc. Phụ huynh đưa con đến trường, không chỉ để học chữ, làm toán… mà quan trọng hơn là muốn con được dạy những điều hay, lẽ phải… Tôi muốn cháu được dạy cách đối nhân, xử thế, dạy ý thức, đạo đức như tôi đã và đang dạy bé ở nhà. Vậy mà buồn thay lại có một giáo viên chủ nhiệm như thế. Tôi gọi bé ra về nhưng trong lòng đầy lo lắng cho tương lai của các bé.
Ngồi buồn và nhớ con, tôi nghiên cứu Luật giáo dục và trích một số nội dung liên quan như sau: Điều 2. Mục tiêu giáo dục Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều 3. Tính chất, nguyên lý giáo dục 1. Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng. Điều 70. Nhà giáo 1. Nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác. 2. Nhà giáo phải có những tiêu chuẩn sau đây: a) Phẩm chất, đạo đức, tư tưởng tốt b) Đạt trình độ chuẩn được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ c) Đủ sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp d) Lý lịch bản thân rõ ràng. Điều 75. Các hành vi nhà giáo không được làm Nhà giáo không được có các hành vi sau đây: 1. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học; 2. Gian lận trong tuyển sinh, thi cử, cố ý đánh giá sai kết quả học tập, rèn luyện của người học; 3. Xuyên tạc nội dung giáo dục; 4. Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền. Điều 93. Trách nhiệm của nhà trường Nhà trường có trách nhiệm chủ động phối hợp với gia đình và xã hội để thực hiện mục tiêu, nguyên lý giáo dục. Các quy định có liên quan đến nhà trường trong Chương này được áp dụng cho các cơ sở giáo dục khác. Điều 95. Quyền của cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh Cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh có những quyền sau đây: 1. Yêu cầu nhà trường thông báo về kết quả học tập, rèn luyện của con em hoặc người được giám hộ; 2. Tham gia các hoạt động giáo dục theo kế hoạch của nhà trường; tham gia các hoạt động của cha mẹ học sinh trong nhà trường; 3. Yêu cầu nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục giải quyết theo pháp luật những vấn đề có liên quan đến việc giáo dục con em hoặc người được giám hộ. |
>> Xem thêm: Tôi không dám chăm con trước mặt mẹ chồng
Chia sẻ bài viết của bạn về con trẻ tại đây.