Người gửi: Cao Trí
Gửi tới: Ban Thế giới
Tiêu đề: Đôi dòng về nước Mỹ với cái nhìn tích cực hơn
Về chính trị Mỹ, tôi không quan tâm lắm, nên chỉ xin góp đôi dòng với cách nhìn về một nước Mỹ tích cực hơn.
Chúng ta, cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới như các nước Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc,… đều cảm thấy bị “ảnh hưởng” quá nhiều bởi “sức mạnh” Mỹ, điều này do chính các nhà nghiên cứu xã hội phương Tây nhìn nhận và cảnh báo. Do đó, đa phần chúng ta đều cảm thấy ái ngại Mỹ, không thích Mỹ. Đó là điều tất nhiên, vì nói cho công bằng, không một dân tộc nào lại muốn công nhận một dân tộc khác là hơn mình. Nhưng cảm giác không thích Mỹ đó cũng đã chứng minh được một điều: Mỹ thật sự là một “siêu cường” trên thế giới.
Xét về kinh tế, Mỹ là nền kinh tế hùng mạnh nhất Thế giới, với GDP 10.082 tỷ USD, năm 2001 – theo nguồn tin CIA, cập nhật vào ngày 19/03/2003. Hiện nay, trong số 500 tập đoàn kinh tế lớn nhất Thế giới, có 219 tập đoàn là của Mỹ (chiếm 43,8%); trong số 100 tập đoàn, Mỹ có 47 (47%) và trong 50 tập đoàn hàng đầu, Mỹ đóng góp đến 27 tập đoàn (54%) – theo nguồn tin của Forbes về 500 tập đoàn hàng đầu thế giới năm 2004. Trong năm tài chính vừa qua, nền kinh tế Mỹ cũng cho thấy những dấu hiệu tăng trưởng hết sức khả quan như các bạn trước đã có nói đến. Như vậy, kinh tế Mỹ vẫn chứng tỏ được khả năng lèo lái nền kinh tế Thế giới của nó.
Xét về khoa học - kỹ thuật, chúng ta cũng phải thừa nhận Mỹ hơn hẳn những quốc gia tiên tiến khác như Anh, Đức, Pháp, Nhật,… Trong suốt vài thập kỷ gần đây, số giải Nobel về khoa học mà người Mỹ giành được còn nhiều hơn tổng số giải thưởng Nobel của các quốc gia khác cộng lại và rải đều trên tất cả các ngành: sinh học, vật lý, hóa học,… Số tiền mà chính phủ Mỹ chi ra để phát triển khoa học tính trên tỷ lệ phần trăm GDP vẫn cao hơn các nước tiên tiến khác (mặc dù Mỹ là nước dẫn đầu về GDP trên Thế giới). Những đóng góp về khoa học của Mỹ đã làm biến đổi bộ mặt Thế giới trong vòng một thập niên trở lại đây, đặc biệt là trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và trong lĩnh vực thăm dò Vũ trụ. Đó là những sức mạnh thống trị không thể chối cãi của Mỹ trong nền khoa học - kỹ thuật của Thế giới.
Xét về văn hóa, tuy chỉ mới hình thành và phát triển trong vòng ba thế kỷ, nhưng nền văn hóa Mỹ là nền văn hóa có sức phổ cập rộng nhất Thế giới hiện nay. Chúng ta có thể đi rất nhiều nơi trên Thế giới và đều có thể xem một bộ phim do Mỹ sản xuất, nghe một bài nhạc do ca sỹ Mỹ trình bày, vào một tiệm ăn nhanh theo phong cách Mỹ và thậm chí có thể nói chuyện với người bản xứ bằng ngôn ngữ Mỹ. Điều đó sẽ khó lòng xảy ra nếu Mỹ không phải là một nước có sức mạnh vượt trội về nhiều phương diện.
Chỉ với những khía cạnh trên, đủ cho ta thấy sức mạnh của Mỹ lan tỏa trên Thế giới là lớn biết chừng nào. Và những khía cạnh trên đều là những khía cạnh hết sức tích cực mà Mỹ mang lại cho Thế giới chúng ta. Tôi có đọc qua nhiều bài viết của các bạn, trong đó có hai bài viết mà tôi cảm thấy rất quan tâm, đó là bài viết của bạn Long (“Mỹ đâu phải là số một”) và bài viết của bạn Nguyễn Kim An (“Chẳng có ai chết nếu thiếu sự giúp đỡ của Mỹ”). Thiết nghĩ chúng ta có vài điểm nên trao đổi:
Thứ nhất, tôi rất tâm đắc với ý kiến của bạn Long cho rằng “ai cũng vì tổ quốc của mình, dân tộc của mình mà thôi”. Điều đó hoàn toàn chính xác và luôn nằm trong trái tim của mỗi người Việt Nam chúng ta. Nhưng tôi cho rằng vì điều đó mà bạn tỏ ra không thích Mỹ thì không hay cho lắm. Vì thật ra, như tôi đã trình bày ở trên, nước Mỹ không hoàn toàn “xấu” mà ở Mỹ vẫn có những cái đáng làm cho chúng ta quan tâm, đáng cho chúng ta học hỏi. Vì sao Mỹ xây dựng được một nền kinh tế lớn mạnh như thế? Vì sao Mỹ lại có nền khoa học – công nghệ phát triển cao như thế? Vì sao “sức mạnh” Mỹ lại lan tỏa khắp toàn cầu như thế? Trước chúng ta, người Nhật đã sớm đặt ra những câu hỏi như vậy, và họ đã tìm được câu trả lời: hãy chơi với Mỹ để học hỏi Mỹ và để trở thành mạnh như Mỹ. Chính điều đó đã được bao thế hệ lãnh đạo Nhật áp dụng từ thời Minh Trị Thiên Hoàng đến nay, và họ đã thành công. Nước ta ngày nay đang mở cửa và muốn làm bạn với tất cả các nước, trong đó có cả Mỹ. Việc nước ta vừa ký hiệp định thương mại với Mỹ vừa qua đã cho thấy Đảng và Nhà nước ta quan tâm đến mối quan hệ với Mỹ như thế nào. Và trong chừng mực nào đó, chúng ta hãy chấp nhận Mỹ như là một người “bạn”, một người “thầy” để còn tìm hiểu và học hỏi những kinh nghiệm quý báu mà Mỹ đã trải qua, nó sẽ là những bài học bổ ích để ta xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp, văn minh hơn.
Thứ hai, tôi cho rằng ý kiến của bạn Nguyễn Kim An cho rằng “chẳng ai chết nếu không có sự giúp đỡ của Mỹ cả” là có phần hơi cứng nhắc. Bạn có nhắc tới Newton, Einstein. Đó quả thực là những nhà khoa học lỗi lạc, họ đã làm thay đổi nhận thức của nhân loại, đưa chúng ta bước lên những tầm cao mới. Chúng ta thật sự mang ơn họ. Nhưng chúng ta còn phải mang ơn nước Anh, nước Mỹ, nơi đã “nuôi dưỡng” họ và giúp cho tài năng của họ có dịp tỏa sáng. Bạn có khi nào tự hỏi tại sao Newton, Einstein, và rất nhiều nhà khoa học khác lại không phải là người sống ở Việt Nam, Trung Quốc, hay Thái Lan hay không? Hầu hết các nhà khoa học lỗi lạc đều tìm ra các phát minh vĩ đại khi họ sống ở châu Âu (vào thế kỷ 18, 19) và Mỹ (ngày nay), ngay cả khi họ là người quốc gia khác: Marie Curie (người gốc Ba Lan) đã cùng chồng tìm phát minh ra Uranium khi bà sống ở Pháp, Einstein (người gốc Do Thái) phát minh ra thuyết tương đối khi sống ở Đức và cho ra đời thuyết tương đối rộng cũng như công thức Einstein nổi tiếng khi ông sống tại Mỹ,… Những nhà khoa học lỗi lạc của thế giới ngày nay phần nhiều đều trở nên nổi tiếng khi họ sống và làm việc tại Mỹ. Đó là vì Mỹ hội đủ điều kiện về vật chất và nước Mỹ có một nền khoa học phát triển có thể giúp họ đầu tư nghiên cứu và tìm ra những phát minh mới. Đó mới là điểm chính tạo nên những Microsoft, những Intel của ngày hôm nay. Chắc hẳn chúng ta đã từng biết các nước châu Âu văn minh đã từng phải đấu tranh như thế nào để thoát khỏi bức màn lễ giáo phong kiến u tối bao trùm lấy nó suốt cả nghìn năm, làm cho tư tưởng con người không thoát ra được cái vòng ngu tối? Chắc hẳn chúng ta cũng từng biết chân lý khoa học mà Copecnich, Galilee mang lại cho chúng ta phải trả giá đắt như thế nào? Vậy thì, chúng ta nên cảm ơn nước Mỹ, cảm ơn các nhà khoa học đã mang lại cho chúng ta những phát minh khoa học tuyệt vời. Chúng ta đừng phủ phàng phủi bỏ nó, để rồi ngồi chờ “thời gian trôi qua” sẽ sinh ra cho chúng ta những con người vĩ đại như thế, một mảnh đất hội đủ điều kiện phát triển nhân tài như thế.
Trên đây là vài dòng góp ý của cá nhân tôi. Mong các bạn đóng góp ý kiến. Chân thành cám ơn VnExpress đã cho chúng tôi cơ hội thảo luận cùng nhau.