Tôi tham gia đoàn của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sang thăm Triều Tiên ngày 8-15/4 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Kim Nhật Thành.
Một trong những mục đích của chuyến đi là tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại đất nước "bí ẩn" này. Trước đó, tôi cũng đã đọc được thông tin từ cơ quan Thống kê Quốc gia Hàn Quốc, tổng thu nhập quốc nội (GDP) Triều Tiên năm 2011 rất khiêm tốn, chỉ ở mức 21 tỷ USD so với GDP Hàn Quốc là trên 900 tỷ USD.
Lương 20 USD/tháng, ăn 25 USD/bữa
Tiễn tôi tại sân bay Nội Bài, ông Lee, tham tán sứ quán Triều Tiên tại Việt Nam đã siết chặt tay và thông báo đã sắp xếp những cuộc hẹn cho tôi tại Bình Nhưỡng.
Đến Bình Nhưỡng, tôi bất ngờ khi chứng kiến một đô thị hiện đại với nhiều nhà cao tầng, các đại lộ thênh thang và nhiều loại xe lưu thông trên đường phố. Thủ đô Triều Tiên khác xa những gì mà tôi tưởng tượng trước đó.
Dựa trên kiểm tra của Liên Hiệp Quốc và các dữ liệu thương mại từ phía Trung Quốc, trong 4 năm qua, Triều Tiên đã gia tăng mạnh nhập khẩu nhiều sản phẩm đắt tiền, bao gồm ôtô, thuốc lá, máy tính xách tay, điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác…
Hầu hết hàng hóa đều chuyển qua biên giới Trung Quốc. Cụ thể là trong năm 2010, Triều Tiên nhập khẩu 3.191 ôtô, 433.183 điện thoại di động. Công ty viễn thông duy nhất hiện nay ở Triều Tiên là Orascom (Ai Cập) công bố rằng có khoảng 809.000 thuê bao tính cho đến cuối quý III/2011.
Tuy nhiên, nhịp sống ở đây khá chậm và không có nhiều cửa hàng trên mặt tiền phố. Các tòa nhà phần lớn là những chung cư.
Người dân Bình Nhưỡng được Nhà Nước cấp nhà ở và bao cấp về nhu yếu phẩm. Tất cả các cửa hàng hay công ty kinh doanh đều của Nhà Nước hoặc hợp tác xã!
Chúng tôi ở tại khách sạn 4 sao Yanggakdo, một trong những khách sạn lớn nhất tại Bình Nhưỡng với 47 tầng. Trong khách sạn có cửa hàng bán đặc sản Triều Tiên như sâm, mật gấu, thuốc an cung… cũng như các hàng hóa thông thường khác như bia Heineken, thuốc lá 3 số 5, mì gói, bánh kẹo và có cả snack tôm của Việt Nam.
Theo thông tin từ sứ quán Việt Nam tại Triều Tiên thì các mặt hàng có nguồn gốc từ Việt Nam đều được nhập khẩu bằng đường tiểu ngạch.
Trước chúng tôi, cũng đã có nhiều đoàn doanh nhân Việt Nam sang đây tìm cơ hội kinh doanh. Tuy nhiên, chưa có bất kỳ dự án nào được triển khai vì vấn đề thanh toán.
Triều Tiên đang bị Mỹ cấm vận toàn diện nên họ rất khó khăn về nguồn ngoại tệ cũng như việc chuyển tiền thông qua hệ thống ngân hàng. Các công ty Triều Tiên muốn thanh toán quốc tế được thì phải mở tài khoản tại các ngân hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, việc này không dễ dàng và trong nhiều trường hợp, họ phải “mượn tên” công ty Trung Quốc.
Triều Tiên có khá nhiều công ty Nhà Nước, hoạt động mạnh nhất vẫn là các đơn vị thuộc quân đội và công an. Ngoài ra, Triều Tiên còn có các khu kinh tế thương mại tự do giáp với Trung Quốc và Hàn Quốc.
Khu kinh tế thương mại giáp với Trung Quốc tên là Rason và giáp với Hàn Quốc tên là Kaesong. Tại Kaesong, hiện có 123 công ty Hàn Quốc đang hoạt động và sử dụng hơn 50.000 lao động Triều Tiên. Các sản phẩm sản xuất tại đây chủ yếu là quần áo, đồ gia dụng, đồng hồ và một số vật dụng khác.
Hiện nay, không phải Hàn Quốc mà Trung Quốc mới là đối tác lớn nhất của Triều Tiên. Vào đầu năm nay, Trung Quốc đã quyết định đầu tư 3 tỷ USD để phát triển khu kinh tế thương mại ở Đông Bắc Triều Tiên.
Họ sẽ xây dựng một sân bay, một nhà máy điện và một tuyến đường sắt xuyên biên giới và các cầu cảng ở khu công nghiệp Rason. Đổi lại, Trung Quốc được phép sử dụng cảng Rason trong 50 năm. Cảng Rason là cảng nước sâu duy nhất trong khu vực không bị đóng băng trong mùa đông.
Theo một công trình nghiên cứu khảo sát 250 công ty Trung Quốc đang kinh doanh tại Triều Tiên cho thấy, mặc dù 90% các công ty thu được lợi nhuận nhưng nói chung các công ty đều đánh giá tiêu cực về môi trường kinh doanh.
Hai trở ngại lớn nhất là vấn đề cơ sở hạ tầng ở địa phương quá yếu kém và các quy định về pháp luật ở Triều Tiên vẫn còn mù mờ, không rõ ràng và nhiều hạn chế.
Người nước ngoài tại Triều Tiên có thể sử dụng đồng USD, Euro và Nhân dân tệ trong thanh toán mặc dù các mặt hàng đều được niêm yết giá bằng đồng Won. Tỷ giá hiện tại là 1 USD bằng 99 Won.
Hệ thống cửa hàng phân phối hàng hóa tại Bình Nhưỡng đều của Nhà Nước và người dân sử dụng tem phiếu để mua hàng. Vẫn có những cửa hàng bán hàng hóa cho người dân cũng như "chợ đen" nhưng không nhiều.
Tôi đến ăn tối tại một nhà hàng Triều Tiên và ngạc nhiên khi khá đông thực khách người địa phương. Giá của một phần ăn là 25 USD/người, trong khi tiền lương tháng bình quân của công chức chỉ là 20 USD!
Tác giả đứng trước Đài liệt sĩ |
Tìm kiếm cơ hội kinh doanh
Như đã được thông báo trước, tôi được bố trí gặp các công ty Triều Tiên có liên quan. Đầu tiên, tôi gặp gỡ một công ty khai thác vàng thuộc Bộ quốc phòng.
Hiện nay, họ đang khai thác và bán vàng cho đối tác là một công ty Trung Quốc theo giá thị trường vàng thế giới. Họ mong muốn được hợp tác với công ty tôi để gia công sản xuất nữ trang tại Triều Tiên, sau đó tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.
Sau khi tôi phân tích tình hình thực tế cũng như tính không khả thi của dự án thì hai bên chia tay trong vui vẻ. Sau đó, tôi được sắp xếp để gặp công ty Minye thuộc Bộ Văn hóa.
Minye là công ty kinh doanh mặt hàng thủ công mỹ nghệ lớn nhất Bình Nhưỡng và có 3 nhà hàng Triều Tiên rất đông khách.
Họ mong muốn tìm một đối tác Việt Nam để cùng thuê một tòa nhà tại TP.HCM, trong đó bên dưới bán đồ thủ công mỹ nghệ và tầng trên làm nhà hàng Triều Tiên. Đầu bếp và người phục vụ sẽ đưa từ Triều Tiên sang.
Hiện nay, Ủy ban hợp tác nước ngoài của Triều Tiên là đơn vị đón tiếp chúng tôi cũng đang thực hiện việc mở nhà hàng Triều Tiên tại nước ngoài. Họ đã mở 3 nhà hàng tại Trung Quốc, một nhà hàng tại Campuchia và bây giờ mong muốn cùng với công ty Minye mở nhà hàng tại TP HCM. Tôi rất thích ý tưởng này.
Công ty thứ ba mà tôi gặp gỡ là công ty khai thác và chế biến đá tự nhiên và sản xuất nữ trang bạc. Họ cho tôi xem các sản phẩm. Nữ trang của họ được sản xuất thủ công và chưa tinh xảo lắm.
Họ có 100 công nhân và mong muốn được chúng tôi hướng dẫn, chuyển giao công nghệ sản xuất để họ có thể gia công nữ trang. Ngoài ra, họ cũng muốn bán các loại đá tự nhiên mà họ khai thác cho thị trường Việt Nam.
Rời Triều Tiên, tôi vẫn có niềm tin vào ông Kim Jong Un, người từng du học ở Thụy Sĩ, sẽ tiến hành các biện pháp cụ thể để mở cửa nền kinh tế mà trước hết là du lịch.
Theo báo cáo của Bank of America-Merrill Lynch được công bố ngày 2/2, tăng trưởng kinh tế hằng năm của Triều Tiên có thể đạt mức 12% nếu nước này hội nhập vào kinh tế toàn cầu!
Nguyễn Tuấn Quỳnh