Tận dụng smartphone cũ thế nào

Sau khi "lên đời" điện thoại mới, smartphone cũ có thể được sử dụng để làm điện thoại phụ, máy quay phim hay thiết bị theo dõi trẻ em...

Không ít người dùng smartphone thường tìm cách "tống khứ" chiếc điện thoại cũ sau khi "tậu" được máy mới. Việc rao bán, hoặc tặng lại cho người thân là phương án được lựa chọn nhiều nhất. Tuy nhiên, chúng còn có rất nhiều công dụng nếu như bạn biết tận dụng.

Dùng làm điện thoại phụ

Đây có thể xem là giải pháp hay cho những ai trước đây chỉ sử dụng một chiếc điện thoại duy nhất. Sau khi mua smartphone mới, bạn có thể mua thêm một sim phụ dùng cho việc liên lạc riêng cho chiếc máy từng đồng hành với mình.

Smartphone cũ vẫn có công năng riêng của nó. Ví dụ, iPhone cũ vẫn có thể đăng nhập được tài khoản iCloud và có thể lưu trữ mọi thứ từ danh bạ, tin nhắn đến hình ảnh... Nếu chẳng may chiếc điện thoại mới mua có sự cố gì đó, hoặc bị đánh cắp, bất cẩn đánh rơi... bạn vẫn còn "cứu cánh" là chiếc điện thoại cũ.

Tất nhiên, bạn có thể dùng chiếc điện thoại này cho mạng xã hội, đọc sách, lướt web... nếu như muốn giữ gìn "dế cưng" mới mua.

Những cách tận dụng iPhone cũ thay vì đem bán
 
 

Cách từ chối cuộc gọi ở màn hình khóa khi dùng iPhone 5s.

Dùng làm camera

Chất lượng video của những chiếc smartphone cũ chắc chắn sẽ không bằng so với smartphone mới, nhưng vẫn chưa quá cũ nếu bạn tận dụng nó hợp lý. Bạn vẫn có thể dùng điện thoại mới mua để quay phim chính, dùng chiếc cũ làm camera quay các góc phụ. Việc kết hợp nhiều máy ở các góc quay khác nhau, cộng thêm kỹ năng dựng phim sẽ giúp bạn có được đoạn video ấn tượng hơn so với những người quay bằng một smartphone ở một góc duy nhất.

Việc quay phim cũng đảm bảo một khoảnh khắc nào đó trong cuộc đời bạn được ghi lại trọn vẹn. Ví dụ bạn đang ghi lại hình ảnh đám cưới em gái, nếu điện thoại đang quay chính gặp trục trặc khi đang quay (hết pin, có cuộc gọi...) thì vẫn có chiếc máy phụ ghi lại hành động đang diễn ra trên sân khấu.

Chụp ảnh và quay phim với iPhone 6
 
 

Chụp ảnh và quay phim với iPhone 6 và 6 Plus.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tận dụng điện thoại cũ để quay chuyển động của vật gì đó trong thời gian dài, ví dụ nấm mọc hay hoa nở, miễn là độ phân giải camera và chất lượng video làm thỏa mãn nhu cầu của bạn... Một chiếc iPhone 4 với camera quay được video Full HD tốc độ 30 khung hình mỗi giây là quá đủ để làm điều này.

Theo dõi trẻ nhỏ

Đối với các bậc phụ huynh, việc theo dõi trẻ nhỏ là điều cực kỳ quan trọng. Những chiếc điện thoại cũ có thể là giải pháp tiết kiệm, thay vì phải mua máy có công năng tương tự nhưng giá thành đắt hơn gấp nhiều lần.

Với iPhone cũ, bạn có thể tải về một số ứng dụng hỗ trợ theo dõi trẻ em, ví dụ Cloud Baby Monitor (giá 3,99 USD). Không chỉ theo dõi trẻ em từ xa mọi lúc mọi nơi, bạn có thể ru ngủ bé bằng những bản nhạc riêng tùy thích.

Smartphone Android cũng có khá nhiều ứng dụng biến smartphone thành camera giám sát, như IP Webcam. Ngoài ghi lại hình ảnh và gửi về thiết bị từ xa, ứng dụng này còn cho phép tạo hiệu ứng, quản lý năng lượng và phát hiện chuyển động hoặc âm thanh nếu muốn.

Tất nhiên, ngoài em bé, bạn có thể theo dõi bất cứ thứ gì mình muốn, như thú cưng.

Trải nghiệm Cloud Baby Monitor
 
 

Trải nghiệm phần mềm Cloud Baby Monitor.

Chuông cửa video

Một webcam Wi-Fi kết nối với smartphone cũ và đặt trước cửa nhà sẽ giúp bạn theo dõi được ai đang ghé thăm. Đây cũng là thiết bị chống trộm hiệu quả, và bạn sẽ biết được ngôi nhà của mình có an toàn không, thông qua việc liếc nhìn vào chiếc điện thoại cũ.

Dùng webcam Wi-Fi theo dõi nhà cửa
 
 

Dùng webcam Wi-Fi kết nối với điện thoại để theo dõi nhà cửa.

Camera hành trình

Camera trên smartphone cũ vẫn có thể tận dụng làm camera hành trình, miễn là camera máy còn dùng được, độ phân giải cao càng tốt. Với một phụ kiện gắn trên đầu, mũ bảo hiểm, bắp tay hay xe đạp, ôtô... (ví dụ Velocity Clip) là đã có thể ghi lại những hình ảnh khi di chuyển, luyện tập thể thao...

Cách dùng Velocity Clip
 
 

Phụ kiện biến smartphone thành camera hành trình.

Loa không dây ra lệnh bằng giọng nói

Sau khi kết nối điện thoại cũ với loa thông qua giắc cắm hoặc Bluetooth, bạn có thể ra lệnh cho chiếc loa của mình phát nhạc thông qua trợ lý ảo. Đối với iPhone, có thể tận dụng Siri để làm điều này. Chỉ cần "Hey Siri!" và đưa ra yêu cầu, bạn có thể chơi bất cứ bài nhạc, video hay playlist nào mình muốn.

Còn đối với smartphone khác, Android có hỗ trợ khá nhiều trợ lý giọng nói tùy theo hãng, ví dụ Google Assistant trên Pixel, Samsung có S Voice hay mới nhất là Bixby, smartphone chạy Windows Phone với Cortana... 

Điều khiển Siri chơi nhạc trên iPhone
 
 

Điều khiển Siri chơi nhạc trên iPhone.

Tai nghe thực tế ảo

Nếu chỉ có một chiếc điện thoại duy nhất, việc trải nghiệm thực tế ảo có thể sẽ kém vui vì phải tháo lắp nhiều lần. Đó là chưa kể thao tác này có thể khiến máy dễ bị trầy xước hoặc kính thực tế ảo dễ hỏng. Nhưng nếu có dư một chiếc điện thoại có màn hình hiển thị tốt (từ Full HD trở lên), bạn có thể mua thêm một chiếc kính thực tế ảo loại tốt, gắn vào và sử dụng lâu dài, tránh các phiền phức như đã nêu trên.

Cách sử dụng kính thực tế ảo cho iPhone
 
 

Cách sử dụng kính thực tế ảo cho smartphone.

Ứng dụng khác

Còn có khá nhiều cách để tận dụng smartphone cũ khác. Làm đồng hồ xem giờ, đồng hồ báo thức, làm radio hay thiết bị đọc sách... là những cách đơn giản nhất.

Nếu là người thích tìm hiểu, bạn có thể biến nó thành chuột máy tính, làm màn hình phụ cho PC, phụ kiện điều khiển máy ảnh... Ngoài ra, làm ổ cứng lưu trữ tài liệu, làm trạm phát Wi-Fi, máy chơi game cầm tay, bản đồ số hay một cục pin sạc dự phòng cũng là ý tưởng hay.

Đặt báo thức trên iPhone 6/6 Plus
 
 

Đặt báo thức trên iPhone 6/6 Plus.

Bảo Lâm

Bình luận
Ý kiến của bạn