T-14 Armata - mẫu siêu tăng Nga khiến phương Tây choáng váng

T-14 Armata là xe tăng chủ lực thế hệ ba duy nhất trên thế giới, ứng dụng công nghệ vượt trội so với các đối thủ phương Tây.

Lần đầu xe tăng T-14 Armata xuất hiện công khai
 
 

Lần xuất hiện công khai đầu tiên của xe tăng T-14 Armata.

T-14 là tên gọi của xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) thế hệ ba được Nga phát triển trên nền tảng chiến đấu đa năng (UBP) Armata, ra mắt lần đầu trong lễ duyệt binh Ngày chiến thắng 9/5/2015. Đây là loại MBT hiện đại nhất thế giới, được ứng dụng nhiều công nghệ nhằm tối đa hóa khả năng tấn công, phòng thủ và thông tin liên lạc trên chiến trường, theo Sputnik.

Mẫu xe tăng đầu tiên do Nga thiết kế chế tạo

Trước khi Armata ra đời, Nga không sở hữu bất kỳ loại xe tăng tự thiết kế nào. Tất cả tăng chiến đấu chủ lực của nước này như T-72, T-80 và T-90 đều được phát triển dưới thời Liên Xô. Tập đoàn Uralvagonzavod (UVZ) bắt đầu thiết kế dự án Armata và xe tăng T-14 từ năm 2009. Các kỹ sư tham gia dự án có độ tuổi trung bình 30-40.

  • 2009

    Nền tảng Armata được thiết kế và nghiên cứu tại Tập đoàn Uralvagonzavod.

  • 9/2013

    Nguyên mẫu xe tăng T-14 và xe chiến đấu bộ binh T-15 được giới thiệu tại Triển lãm Vũ khí Nga (RAE) ở thành phố Nizhny Tagil.

  • 9/5/2015

    Xe tăng T-14 và xe chiến đấu bộ binh T-15 xuất hiện trong lễ duyệt binh Ngày chiến thắng trên Quảng trường Đỏ.

  • 2016-2018

    Hoàn tất quá trình thử nghiệm cấp nhà nước, đi vào sản xuất hàng loạt.

  • 2020

    Dự kiến có 2.300 chiếc được sản xuất để bàn giao cho lục quân Nga, thay thế các xe tăng đời cũ.

Sự xuất hiện của T-14 Armata là sự kiện lớn với nền quân sự thế giới, khiến nhiều chuyên gia quốc phòng phương Tây "choáng váng" trước uy lực của loại xe tăng này. Tạp chí quốc phòng Jane's Defence Weekly nhận định Armata là thiết kế hoàn toàn mới, thể hiện bước thay đổi đáng kể nhất trong trang bị khí tài quân sự Nga từ thập niên 1960 và 1970.

T-14 Armata trình diễn khả năng cơ động
 
 

T-14 Armata trình diễn khả năng cơ động.

Tài liệu mật lưu hành nội bộ của Bộ quốc phòng Anh do tình báo nước này chuẩn bị cho rằng xe tăng T-14 Armata là "mẫu xe tăng tiến bộ nhất trong nhiều năm qua", có thể đe dọa thực sự đến các loại xe tăng của phương Tây như Leopard, Challenger 2 hay M1A2 Abrams.

Đây là lần đầu tiên tháp pháo điện tử điều khiển từ xa được trang bị cho xe tăng chiến đấu chủ lực, cũng là lần đầu tiên tổ lái được ngồi trong khoang bảo vệ riêng ở phía trước. Armata chắc chắn xứng đáng với danh hiệu chiếc xe tăng mang tính cách mạng nhất trong thế hệ này.

Tài liệu nội bộ của Bộ Quốc phòng Anh

Nền tảng chiến đấu đa năng Armata

T-14 chỉ là một thành phần của UBP Armata, nền tảng dự kiến trở thành xương sống của lục quân Nga trong tương lai. Khung gầm Armata có thể được lắp đặt những hệ thống vũ khí khác nhau, biến nó thành xe tăng chiến đấu chủ lực, xe chiến đấu bộ binh và yểm trợ tăng, pháo tự hành, tên lửa phòng không và xe phóng tên lửa đạn đạo.

Hiện quân đội Nga mới chỉ công bố 4 hệ thống vũ khí phát triển trên nền tảng Armata, gồm xe tăng chiến đấu chủ lực T-14, xe chiến đấu bộ binh T-15, xe thiết giáp cứu kéo T-16 (BREM-T) và pháo tự hành 2S35 Koalitsiya-SV.

Ba thiết kế cơ bản của nền tảng Armata. Ảnh: Konstantin Soloviov.

Pháo tự hành 2S35 Koalitsiya-SV. Ảnh: Vitaly Kuzmin.

Chúng tôi đã thiết kế 28 loại phương tiện chiến đấu tối tân trên nền tảng Armata. Điều này sẽ giúp tiêu chuẩn hóa quy trình sản xuất và bảo trì, cũng như bảo đảm tính đồng bộ của công cụ sửa chữa và linh kiện cho các đơn vị khác nhau trong lục quân Nga.

Tổng giám đốc UVZ Oleg Siyenko

Hệ thống phòng vệ bất khả xâm phạm

Thiết kế chi tiết của T-14 Armata là bí mật quốc gia của Nga, nhưng thông tin công khai cho thấy nó được ứng dụng hàng loạt giải pháp kỹ thuật tiên tiến, chưa từng xuất hiện trên thế giới.

Đặc điểm nổi bật nhất là tháp pháo tự động được điều khiển bởi tổ lái ngồi trong khoang bọc giáp kiên cố ở phía đầu xe. Ngay cả khi tháp pháo bị xuyên thủng và bốc cháy, tổ lái vẫn có thể sống sót, đưa xe rời khỏi chiến trường hoặc ra khỏi xe một cách an toàn.

Hệ thống giáp phòng vệ cơ bản của T-14 Armata. Đồ họa: Việt Chung.

Tổ lái có thể quan sát xung quanh nhờ hàng loạt camera thời gian thực, cảm biến quang học, kính ngắm ảnh nhiệt và cả radar.

Tài liệu tình báo Anh gọi thiết kế tháp pháo điều khiển từ xa của T-14 Armata là một sáng kiến tiên phong, bởi lái xe, pháo thủ và trưởng xe đều ngồi cùng một khoang riêng, tách biệt với tháp pháo và kho đạn của xe, giúp tăng khả năng sống sót của tổ lái trước hỏa lực đối phương.

Thiết kế tháp pháo không người của T-14 Armata
 
 

Tổ lái điều khiển xe từ khoang bọc giáp riêng biệt.

Tháp pháo có hình dạng góc cạnh của T-14. Ảnh: Vitaly Kuzmin.

Lớp vỏ ngoài góc cạnh giúp T-14 Armata gần như tàng hình trước radar, trong khi các lớp phủ đặc biệt khiến hệ thống trinh sát ảnh nhiệt/hồng ngoại của đối phương rất khó phát hiện chiếc xe.

T-14 Armata được trang bị ít nhất ba lớp phòng thủ. Đầu tiên là hệ thống phòng thủ chủ động Afganit, có khả năng phát hiện đạn chống tăng đang phóng đến nhờ cụm radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) gắn ở 4 mặt tháp pháo.

Sau khi nhận dạng mối nguy hiểm, Afganit sẽ quay mặt trước tháp pháo, nơi có phần giáp dày nhất, về phía đầu đạn để tối đa hóa khả năng bảo vệ. Hệ thống sẽ lựa chọn phương án phóng đạn khói để vô hiệu hóa hệ thống dẫn bắn laser, hoặc phóng đạn đánh chặn để tiêu diệt mối đe dọa trước khi nó kịp chạm tới giáp xe.

Cơ chế đánh chặn của hệ thống phòng thủ chủ động
 
 

Cơ chế đánh chặn của hệ thống phòng thủ chủ động.

Lớp phòng thủ thứ hai là giáp phản ứng nổ (ERA) mang tên Malachit. Đây là loại ERA thế hệ 4 được Nga phát triển riêng cho nền tảng Armata, có tính năng vượt trội so với các sản phẩm thế hệ ba như Relikt được trang bị trên xe tăng T-90A và T-90MS.

Khả năng thực sự của Malachit chưa được công bố, tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng nó có thể giảm tới 50% khả năng xuyên phá của các loại đạn chống tăng hiện đại nhất trong biên chế Mỹ và NATO.

Thông số chiến đấu của T-14 Armata. Đồ họa: Việt Chung.

Cuối cùng là lớp giáp phức hợp, được chế tạo từ nhiều lớp giáp thép cường độ cao kết hợp với sợi thủy tinh gia cường và vật liệu gốm. Thiết kế giáp phức hợp cho phép ngăn chặn nhiều loại đạn chống tăng khác nhau, trong khi độ dày lại nhỏ hơn nhiều so với giáp thép cán đồng nhất (RHA) có cùng khả năng bảo vệ.

Giáp mặt trước của T-14 Armata có độ dày tương đương 900 mm RHA trước đạn thanh xuyên động năng (APFSDS) hoặc 1.400 mm RHA nếu gặp đạn xuyên nổ lõm (HEAT). Hai bên sườn và mặt sau cũng được bảo vệ bởi giáp phức hợp, cùng các tấm ERA Malachit hoặc giáp lồng thép.

Lớp phòng vệ đa tầng này khiến T-14 Armata gần như bất khả xâm phạm trước các loại vũ khí chống tăng uy lực nhất thế giới hiện nay.

Hỏa lực vượt trội

Không mang nhiều cải tiến đột phá như hệ thống phòng thủ, nhưng hỏa lực của T-14 Armata vẫn được tăng cường hơn nhiều so với các dòng MBT của Nga hiện nay như T-72B3, T-80 và T-90A.

Vũ khí chính trên T-14 Armata là pháo nòng trơn 2A82-1M cỡ nòng 125 mm, thay thế cho mẫu 2A46M5 125 mm trên xe tăng T-90A. Sơ tốc đầu nòng của 2A82-1M cao hơn 20% so với pháo Rheinmetall 120 mm L/55 tối tân của Đức, loại pháo tăng được đánh giá là tốt nhất thế giới hiện nay. Đạn xuyên giáp của T-14 có thể bắn thủng lớp giáp dày tương đương 900 mm RHA từ khoảng cách 2 km. 

T-14 Armata bắn thử pháo 125 mm
 
 

T-14 Armata bắn thử pháo 2A82-1M.

Pháo 2A82-1M đạt tốc độ bắn 10-12 phát/phút, cao hơn nhiều so với mức 7-8 phát/phút của phiên bản 2A46M5 trên xe tăng T-90. Điều này cho phép T-14 Armata giao chiến với nhiều mục tiêu liên tiếp, hoặc duy trì mật độ hỏa lực cao hơn so với các thế hệ MBT trước đây.

Bản sao T-72 với góc hạ nòng chỉ -5 độ. Ảnh: Wikipedia.

Tháp pháo lớn cũng khắc phục một nhược điểm lâu năm trên các xe tăng chiến đấu chủ lực của Liên Xô và Nga, đó là góc hạ nòng nhỏ. Thiết kế truyền thống của Liên Xô ưu tiên tháp pháo kích thước nhỏ, nhằm làm giảm mức độ bộc lộ trên chiến trường, phù hợp với điều kiện tác chiến trên địa hình bằng phẳng rộng lớn ở Đông Âu.

Tuy nhiên, điều này lại khiến xe tăng không thể hạ nòng pháo quá mức -5 độ, ảnh hưởng tới khả năng tấn công mục tiêu từ sau ụ đất hoặc các con dốc. Xe tăng sẽ buộc phải lộ toàn thân ra nếu muốn giao chiến, khiến nó dễ trở thành mục tiêu của đối phương hơn.

Pháo tăng T-14 có góc hạ nòng tới -10 độ. Ảnh: Vitaly Kuzmin.

Ngược lại, không gian rộng bên trong tháp pháo T-14 giúp nó đạt góc hạ nòng tới -10 độ, tương đương các xe tăng tối tân của phương Tây. Điều này giúp T-14 Armata thích ứng với nhiều môi trường chiến đấu, cả trên bình nguyên rộng lớn và các vùng có địa hình phức tạp, nhiều chướng ngại vật.

Hệ thống trinh sát quang học của T-14 Armata có tầm phát hiện trên 5 km với mục tiêu có kích thước tương đương xe tăng trong điều kiện ban ngày, con số này giảm xuống còn 3,5 km với tổ hợp kính ngắm ảnh nhiệt trong đêm tối. Pháo thủ được trang bị kính ngắm với độ phóng đại 4x và 12x, giúp họ phát hiện mục tiêu ở nhiều khoảng cách khác nhau.

Bộ đo xa laser có tầm hoạt động tối đa 7,5 km, giúp pháo thủ và trưởng xe tính toán khoảng cách, từ đó lựa chọn loại đạn phù hợp để tiêu diệt mục tiêu. Mọi cảm biến đều có hệ thống dự phòng, cùng tổ hợp trinh sát thứ ba để bảo đảm khả năng chiến đấu khi có hỏng hóc.

Để tăng độ chính xác, nòng pháo được trang bị cảm biến laser đo độ cong do chênh lệch nhiệt độ, cũng như cụm cảm biến khí tượng. Dữ liệu từ các thiết bị này sẽ được nạp vào máy tính điều khiển hỏa lực, giúp duy trì độ chính xác của phát bắn đầu tiên lên tới gần 100%.

Tên lửa chống tăng có điều khiển trang bị cho T-14. Ảnh: Wikipedia.

Tương tự các đời xe tăng trước, T-14 Armata có thể sử dụng nhiều loại đạn khác nhau để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Loại đạn có tầm bắn xa nhất là tên lửa chống tăng có điều khiển 9M119M1 "Invar-M", bắn xa tới 8 km và đủ sức xuyên thủng lớp giáp có độ dày tương đương 700-900 mm RHA. Ngoài ra, nó cũng có thể được dùng để tấn công trực thăng bay thấp, giảm sự phụ thuộc của T-14 vào các tổ hợp phòng không lục quân.

Để diệt xe tăng đối phương, pháo thủ có thể lựa chọn đạn thanh xuyên động năng (APFSDS) 3BM70 "Vacuum-2" có khả năng xuyên thủng 800-900 mm RHA ở khoảng cách 2 km, hoặc đạn nổ lõm 3BK29M có uy lực tương tự.

Với những mục tiêu như boongke, thiết giáp hạng nhẹ, bộ binh và khí tài thông tin liên lạc, T-14 sẽ sử dụng đạn nổ mảnh Telnik, có thể được lập trình để kích nổ trên đầu mục tiêu, tối đa hóa uy lực sát thương.

Xe còn được trang bị một tổ hợp súng máy điều khiển từ xa, được lắp trên kính ngắm trưởng xe để tránh cản trở tầm nhìn. Khách hàng có thể lựa chọn súng máy PKTM cỡ nòng 7,62 mm với 1.000 viên đạn hoặc Kord 12,7 mm với cơ số 300 viên. Hệ thống này giúp trưởng xe tiêu diệt đối phương trong trường hợp không cần dùng tới pháo chính.

Mẫu xe tăng cho chiến trường hiện đại

T-14 Armata được đánh giá là xe tăng đầu tiên trên thế giới đáp ứng mô hình chiến trường kết nối mạng hiện đại. Thay vì hoạt động như các xe tăng và đơn vị đơn lẻ, chúng sẽ tham gia theo những khối thống nhất được liên kết bằng đường truyền dữ liệu.

Mọi lực lượng tham chiến, từ bộ chỉ huy, khí tài quân sự, binh lính và thiết bị trinh sát sẽ được tích hợp vào một mạng thông tin duy nhất. Điều này cho phép đồng bộ hoạt động tác chiến, tăng khả năng phản ứng, cơ động và hiệu quả của lực lượng quân sự. Quân đội Mỹ phát triển mô hình này từ thập niên 1990, nhưng chưa sở hữu mẫu xe tăng có khả năng như T-14 Armata.

Mô hình tác chiến kết nối mạng tương lai. Đồ họa: Sputnik.

Trong môi trường tác chiến mạng này, xe tăng không thể tự quyết định kết quả trận đánh. Chúng sẽ phải liên kết với hệ thống trinh sát để phát hiện mục tiêu, kêu gọi hỗ trợ từ không quân và bộ binh đồng minh, thay vì tự mình thăm dò và tấn công đối phương.

T-14 Armata sẽ trở thành một phần quan trọng trong mô hình tác chiến tương lai của quân đội Nga.

Phó tổng giám đốc UVZ Vyacheslav Khalitov

Sự xuất hiện của UBP Armata cũng buộc nhiều quốc gia phương Tây phát triển khí tài thế hệ mới để đối phó. Tập đoàn Krauss-Maffei Wegmann của Đức và Nexter của Pháp đang thành lập liên doanh sản xuất vũ khí trang bị hiện đại cho bộ binh. Mục đích chính là thiết kế mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực mới để thay thế các dòng Leclerc và Leopard trong biên chế hai nước.

Tương lai của T-14 Armata

Nền tảng Armata sẽ liên tục được nâng cấp để đáp ứng sự phát triển của chiến tranh tương lai. Phiên bản T-14 với vai trò là xương sống của lực lượng tăng thiết giáp Nga sẽ được dành nhiều nguồn lực để bảo đảm ưu thế trên chiến trường.

Chúng tôi có thể lắp đặt mọi vũ khí trang bị mới theo yêu cầu khách hàng. Bên cạnh đó, UVZ cũng tự nghiên cứu những công nghệ tối tân không nằm trong hợp đồng với quân đội Nga.

Tổng giám đốc UVZ Oleg Siyenko

Nguyên mẫu T-95 trang bị pháo 2A83 cỡ nòng 152 mm. Ảnh: Reddit.

Thay đổi lớn nhất có thể là thay thế pháo chính 2A82-1M cỡ nòng 125 mm bằng phiên bản 2A83 152 mm. Pháo 2A83 được phát triển từ những năm 2000 cho nguyên mẫu xe tăng T-95, có khả năng bắn đạn APFSDS với sơ tốc đầu nòng gần 1.980 m/s và chỉ giảm xuống 1.900 m/s ở khoảng cách 2 km.

Tuy nhiên, một số chuyên gia Nga cho rằng cải tiến đạn pháo 125 mm sẽ đem lại hiệu quả thiết thực hơn việc tăng cỡ nòng.

Trong tương lai, có thể các phiên bản Armata sẽ trở thành khí tài không người lái hoàn toàn. Trang thiết bị hiện tại của T-14 cho phép tự động hóa nhiều chức năng, bao gồm cả lái xe và bám bắt mục tiêu. Những công nghệ như trí thông minh nhân tạo có thể sẽ được tích hợp lên nền tảng Armata, tránh đưa binh lính vào vòng nguy hiểm.

T-14 Armata sẽ là xương sống tương lai của lục quân Nga. Ảnh: Sputnik.

Chương trình mua sắm quốc phòng của Nga cho thấy khoảng 2.300 chiếc T-14 Armata đã được đặt hàng và yêu cầu bàn giao trước năm 2020.

Lô đầu tiên gồm 20 chiếc đã xuất xưởng hồi năm 2015 để tiến hành thử nghiệm thực tế tại các đơn vị tăng thiết giáp Nga, nhằm tìm ra nhược điểm và cải tiến hoạt động. Quá trình sản xuất hàng loạt dự kiến khởi động trong năm nay.

Sau khi hoàn tất đơn hàng cho lục quân Nga, UVZ nhiều khả năng sẽ hướng tới thị trường xuất khẩu, nhất là với các quốc gia có nhu cầu thay máu lực lượng tăng thiết giáp. Thị trường cho T-14 Armata vẫn còn rất lớn và đầy tiềm năng.

Theo cách nói không hề phóng đại, T-14 Armata đại diện cho bước thay đổi mang tính đột phá nhất của ngành thiết kế xe tăng trong nửa thế kỷ qua.

Báo cáo của tình báo quân sự Anh

Tử Quỳnh

Bình luận
Ý kiến của bạn