Sự thật về cú đá khó nhất trong bóng đá

Ngày 2/10/2016, Valencia tiếp Atletico Madrid trên sân nhà Mestalla. Tỷ số đang là 0-0 thì trọng tài cho Atletico hưởng một quả phạt đền trong sự phản ứng dữ dội của đội chủ nhà. Giữa những thanh âm náo nhiệt ấy, Antoine Griezmann cầm bóng đặt lên chấm 11 mét. Chỉ cao 1,75 mét, tiền đạo người Pháp trông thấp bé so với những trung phong khác. Nhưng anh là một trong những cầu thủ hay nhất thế giới và vừa giành danh hiệu vua phá lưới ở Euro 2016.

Mọi quả phạt đền đều là một món quà. Ở khoảng cách 11 mét, trước mắt chân sút chỉ còn lại mỗi thủ môn. Trong bóng đá đỉnh cao, 75% những quả phạt đền được chuyển thành bàn. Nhưng trong tình huống đang nói đến ở phút thứ 44, Griezmann có vẻ căng thẳng. "Bạn có thể thấy rõ điều đó thông qua gương mặt của cậu ấy", Diego Alves, thủ môn của Valencia trong khung gỗ hôm ấy, nói. "Gương mặt của một cầu thủ nói lên rất nhiều điều".

Alves cản cú sút của Griezmann
 
 

Alves cản phá cú 11 mét của Griezmann

Griezmann căng thẳng, còn ngược lại, Alves tự tin. Đấy là sự tự tin của người thủ môn có tỷ lệ cản phá phạt đền cao nhất trong những giải vô địch hàng đầu châu Âu. Thậm chí có người còn đặt thủ thành 31 tuổi này vào danh sách những thủ môn chụp phạt đền hay nhất lịch sử. Danh sách những bại tướng của Alves trên chấm 11 mét toàn là những cái tên sừng sỏ: Lionel Messi, Diego Costa, Ivan Rakitic, Mario Mandzukic hay Cristiano Ronaldo (hai lần). Và danh sách ấy chưa dừng lại.

Khi cầu thủ cầm quả bóng tiến đến chấm 11 mét, trong khung gỗ chỉ còn lại hai người. Quang cảnh ấy giống như một cuộc đấu súng miền viễn Tây, nhưng người sút là kẻ... bắn trước. Trong không gian và thời gian ấy, không gì ràng buộc thủ môn nữa. Và anh ta có quyền tiến đến tiền đạo, để buông ra vài lời khiêu khích.

Alves cứu 18 (màu đỏ) trong tổng số 37 quả phạt đền.

Trong tình huống mà chúng ta đang đề cập, Alves đã nói với Griezmann: "Cậu đá hỏng quả 11 mét gần nhất rồi nhỉ, quả này mà không thành nữa thì... hỏng bét. Tôi hiểu áp lực mà cậu đang gánh chịu". Với câu nói ấy, Alves trút thêm gánh nặng lên người Griezmann. Tiền đạo của Atletico cố sút thật mạnh vào góc phải của Alves. Nhưng gã thủ môn ma mãnh người Brazil như có linh tính từ trước. Anh nhoài hết người và cản phá thành công!

55.000 khán giả ở Mestalla như đứng cả dậy. "Cản xong pha ấy, tôi đau vai hết cả tuần," Alves nói với tờ Financial Times. Đấy là chuyện sau đó. Còn ngay trong trận đấu nêu trên, Alves lại phải đối diện với một quả phạt đền khác, trong hiệp hai. Lần này, người cầm bóng bước lên là thủ quân Gabi. Anh quyết định rút kinh nghiệm từ Griezmann và sút về góc trái của Alves. Kết quả vẫn... vậy. Camera quay cận cảnh Gabi, trông thủ quân của Atletico không có vẻ gì ngạc nhiên khi bóng bị Alves đẩy ra, cứ như thể anh vừa chứng kiến một chuyện khó tránh khỏi vậy.

Diego Alves có một vẻ ngoài khá xoàng. Khi đứng trong khung gỗ, anh không có khí thế bạt sơn của Peter Schmeichel, Oliver Kahn, cũng không có chiều cao vượt trội để khiến đối phương phải cảm thấy mình thấp bé như David de Gea, Thiabaut Courtois hay Gianluigi Buffon. Anh có một nụ cười hiền, phong cách thi đấu của anh cũng nhẹ nhàng. Alves không đủ xuất sắc đến mức buộc những CLB hàng đầu thế giới phải chú ý. Nhưng anh có một đặc sản của các thủ thành đến từ Brazil: chụp phạt đền.

Sinh ra tại Rio de Janeiro, Alves lớn lên tại thành phố Ribeirao Preto thuộc bang Sao Paulo. Cũng như hàng triệu đứa trẻ Brazil khác, Alves say mê bóng đá. Chỉ có điều, anh chỉ thích làm thủ môn. Bố mẹ Alves hay hỏi con sau khi đi học về: "Thế hôm nay ai làm thủ môn", và câu trả lời của cậu luôn là: "Con chứ ai". Mọi người hay cười khi thấy cậu xung phong chơi ở một vị trí mà chẳng đứa trẻ nào muốn. Nhưng Alves cứ cản phá hết quả này đến quả khác. Cuối trận, mọi người đến chúc mừng cậu.

Alves cố gắng chơi đòn tâm lý với đối thủ trước mỗi quả phạt đền.

Năm 18 tuổi, Alves gia nhập Atletico Mineiro. Từ đó, anh tìm được hợp đồng sang Tây Ban Nha thi đấu, trước cho Almeria và hiện nay là Valencia. Alves cho biết các CLB đều chuẩn bị băng ghi hình để anh tham khảo thói quen đá phạt đền của cầu thủ đối thủ, nhưng không nhiều. Bản thân Alves cũng không xem quá nhiều những băng ghi hình. Bởi phạt đền, theo anh quan niệm, là "cuộc chiến tâm lý".

Alves nói: "Tôi thử vạch ra một kịch bản trong đầu mình trước khi trận đấu diễn ra. Tôi tự nghĩ ra một vài tình huống, rồi tôi đặt mình vào vị trí của người sẽ tiến đến chấm 11 mét, thử nghĩ xem anh ta có hồi hộp không. Và khi căng thẳng thì anh ta làm gì. Thế nên khi vào cuộc, tôi thích tiến đến... nói chuyện với đối thủ của mình, để xem anh ấy có làm điều tôi nghĩ hay không".

Đòn tâm lý của Alves quả nhiên rất có hiệu quả. Neymar và Marcelo khi gặp Alves ở đội tuyển Brazil đều kể lại với nhau rằng Lionel Messi và Cristiano Ronaldo thực sự dao động khi đứng trước Alves trên chấm phạt đền. Thậm chí hai siêu sao này còn hỏi ngược lại Neymar và Marcelo xem có cách nào để hạ Alves hay không.

Alves cản cú sút của Ronaldo
 
 

Alves cản cú sút của Ronaldo năm 2015

11 mét là một tình huống có thể định đoạt trận đấu. Trận chung kết World Cup 1990 được quyết định bởi quả phạt đền thành bàn của Andreas Brehme, mang Đức đến chức vô địch trước Argentina. World Cup 1994, Roberto Baggio đá hỏng quả 11 mét luân lưu, bất lực chứng kiến Brazil đăng quang trên đất Mỹ. Quả phạt đền mang lại một khoảng thời gian tĩnh lặng giữa một trận đấu nhộn nhịp.

Kevin Trapp của Paris Saint-Germain, một trong những thủ môn chụp phạt đền hay nhất châu Âu hiện tại, có tỷ lệ cản phá thành công 39%. Anh nói: "Tôi luôn có niềm tin sẽ cản phá thành công cú sút 11 mét của đối thủ. Bởi vì bạn đâu có gì để mất trong tình huống đó".

Không phải thủ môn nào cũng có thể nghĩ tích cực được giống như Alves hay Trapp, nếu như không muốn nói họ chỉ là thiểu số. Bob Wilson, thủ môn của Arsenal giai đoạn 1963-1974, thừa nhận mình cực ghét chụp phạt đền. Và ông mất đến... 9 năm mới cản phá thành công được một quả ở giải vô địch Anh. Ông nói chụp thường đã khó, chụp phạt đền còn có cảm giác khung thành to hơn rất nhiều.

Alves là thủ môn duy nhất kéo được quả phạt đền từ chỗ "gần như chết chắc" về ngưỡng 50-50!

Martin Sutton, tác giả của trang blog chỉ chuyên thống kê những quả phạt đền (Penalty Kick Stat)

José Manuel Ochotorena, HLV thủ môn của Valencia và đội tuyển Tây Ban Nha, đồng ý với nhận định ấy. Ông nói: "Trước chấm phạt đền, người sút có đủ mọi lợi thế", nhưng trừ ra một vài ngoại lệ, Alves chính là một trong những ngoại lệ ấy. Ochotorena nói: "Alves làm chủ tình hình rất tốt. Anh ấy có tâm lý vững vàng và sự dẻo dai cho phép một phản xạ nhanh trong tích tắc".

Có rất nhiều lý do để lý giải cho khả năng đặc biệt của Alves, dù tất cả đều đồng thuận đấy là một năng khiếu trời cho. Trong bóng đá đỉnh cao, tỷ lệ cản phá 11 mét thành công của Alves hơn mọi đồng nghiệp ít nhất 25%. Trang Transfermarkt cho biết Alves đã cản phá gần như phân nửa những quả 11 mét (22 trong 46). Với những người đã chụp từ 40 quả phạt đền trở lên trong sự nghiệp, không một ai bén mảng được gần thống kê của Alves.

Martin Sutton, tác giả của trang blog chỉ chuyên thống kê những quả phạt đền (Penalty Kick Stat), cũng đưa Alves lên dẫn đầu về tỷ lệ cứu thua 11 mét. Sutton nhận định: Alves là thủ môn duy nhất kéo được quả phạt đền từ chỗ "gần như chết chắc" về ngưỡng 50-50!

Khi nói đến phạt đền hay 11 mét, người Anh luôn cảm thấy tim đập chân run. Một loạt cái tên lừng danh: từ Stuart Pearce, Chris Waddle, Gareth Southgate, Paul Ince, David Batty, David Beckham, Steven Gerrard, Frank Lampard, Jamie Carragher, Ashley Young… đều từng đá hỏng 11 mét, khiến Anh phải từ biệt những giải đấu lớn.

Các cầu thủ Anh không sẵn sàng khi đứng trước chấm 11 mét. Tâm lý đóng vai trò then chốt trong những lần "đấu súng" đó, ở những cầu thủ mà kỹ thuật đá bóng của họ đã gần như hoàn thiện. Trong lịch sử bóng đá Anh, có một cầu thủ được xem là chuyên gia trên chấm 11 mét: Matt Le Tissier. Là CĐV của Southampton, CLB mà anh khoác áo 1986-2002, Le Tissier được mệnh danh là “Le God” bởi anh có khả năng ghi những bàn phi thường. Le Tissier cho biết anh sút 11 mét thành công nhiều như thế là vì anh… nóng lòng được thực hiện nó. Thấy 11 mét thì anh hưng phấn, chứ không sợ hãi. Le Tissier nói: “Tôi muốn được đá mọi quả 11 mét của đội. Nội việc ấy thôi đã cho tôi lợi thế rồi. Trong mọi buổi tập, tôi thường hay gọi một thủ môn của đội trẻ lên, cho cậu ta tiền với mỗi quả 11 mét cậu ta cản phá thành công. Số tiền ấy sẽ buộc cậu ấy phải gắng sức, dù nó chỉ là một món tiền nhỏ. Về phần mình, tôi cố sút thật tốt để không mất tiền lẫn mất… mặt trước một cầu thủ trẻ”.

Điều đó có nghĩa là: sút 11 mét vẫn có thể học được. Theo Le Tissier, luyện tập giúp anh thuần thục. Và anh hay chọn sút vào cái khoảng cách tầm 10 centimet gần cột dọc. Khi bóng đã vào khoảng cách ấy với một lực đủ mạnh, thủ môn không thể cản phá trừ phi bay trước. Và La Tissier cũng chỉ cho các đàn em một mẹo nhỏ. Đấy là khi sút, anh không nhìn bóng mà nhìn vào khoảng trống trước quả bóng. Điều này giúp anh vừa có thể nhìn bóng, vừa có thể nhìn được bộ chân của thủ môn trước khi quyết định sút.

Mọi thủ môn đều có “góc ưa thích” khi sút phạt đền. Những cầu thủ thuận chân phải hay sút vào góc trái và ngược lại. Với góc sút ấy, họ có thể đưa ra một cú sút với lực và hướng bóng đi gần với mong muốn nhất. Nhưng Le Tissier thích sút vào góc không tự nhiên của mình. Anh thuận chân phải, nhưng thích sút vào góc phải. Theo lời anh giải thích, nhờ tập sút vào góc không tự nhiên mà anh dễ dàng chuyển sang góc tự nhiên vào phút chót. Nhưng quy trình chuyển ngược lại là không thể, vì nó sẽ khiến một cầu thủ phải xoay cổ chân và có thể gây ra chấn thương. Kết thúc sự nghiệp, Le Tissier sút thành công 48 trong 49 quả 11 mét, cho đến nay vẫn là chân sút phạt đền cự phách nhất lịch sử bóng đá Anh.

Le Tissier suốt sự nghiệp chỉ một lần đá hỏng phạt đền.

Mỗi đội bóng đều có những chuyên gia sút phạt đền. Paul Verhaegh, thủ quân của Augsburg ở Bundesliga, nói: “Nếu bạn sút bóng vào góc với lực vừa đủ, không có nhiều thủ môn có thể cản phá. Cách duy nhất một thủ môn có thể làm là thử đánh cược, bay trước một góc để bắt bài. Nhưng đa phần họ sẽ không chọn cách đó, họ sẽ kỳ vọng vào một quả sút không tốt nhiều hơn. Về phần mình, tôi luôn có niềm tin là chỉ cần sút chuẩn, thủ môn sẽ hết đỡ”.

Hậu vệ phải người Hà Lan là một trong những cầu thủ sút phạt đền tốt nhất châu Âu hiện tại. Anh chỉ sút hỏng hai trong 17 quả. Verhaegh đổ lỗi cho quả sút hỏng đầu tiên của mình cho… Manuel Neuer, có lẽ vì khí thế của thủ thành người Đức buộc anh phải dao động. Verhaegh nói: “Với một thủ môn như Neuer, không sút tốt thì kể như khỏi vào. Bởi vì với thể hình, độ dài cánh tay và tốc độ cực tốt của mình, Neuer sẽ bắt được quả bóng nếu đoán được hướng sút”. Trong hình huống mà Verhaegh sút hỏng, thực ra Neuer không chạm được tay vào bóng, chẳng qua vì quá lo lắng mà Verhaegh sút… trừ hao, kết quả là bóng bật vào cột dọc.

Trái với những ví dụ khác trong lý thuyết trò chơi, 11 mét không có vùng ở giữa. Cầu thủ sút vào, thủ môn là kẻ thua trận.

Người ta đã nghiên cứu những quả 11 mét nhiều đến mức có thể mở ra cả một ngành. Chấm phạt đền thực sự trở thành một đề tài tuyệt vời cho lý thuyết trò chơi, vốn được các nhà kinh tế cực kỳ lưu tâm trong việc phân tích hành động của những đối tượng khác nhau trong những tình huống cụ thể, riêng biệt. Trong chiến tranh lạnh, Mỹ đã dùng lý thuyết trò chơi này để dự đoán xem Liên Xô sẽ hành động như thế nào các cuộc xung đột vũ trang. Một trong những nhà nghiên cứu lý thuyết trò chơi giàu ảnh hưởng nhất, John Nash, đã giành giải Nobel Toán học. Ông cũng là nhân vật tạo cảm hứng cho bộ phim A Beautiful Mind.

Ignacio Palacios-Huerta, một giáo sư tại Đại học Kinh tế London, hiện có một chân trong Ban lãnh đạo Athletic Bilbao. Trong thời gian học ở Chicago, ông nhận ra những quả 11 mét là phương cách tốt để thử các lý thuyết của Nash. Và ông đã miệt mài nghiên cứu hàng nghìn quả 11 mét trên toàn thế giới.

Trái với những ví dụ khác trong lý thuyết trò chơi, 11 mét không có vùng ở giữa. Cầu thủ sút vào, thủ môn là kẻ thua trận. Thủ môn cản phá tốt, tiền đạo là kẻ sa cơ. Không có bất kỳ một kết quả trung dung nào. Và không có một cầu thủ sút 11 mét nào ngày nay chỉ sút vào một góc duy nhất, đặc biệt khi băng ghi hình và thống kê đã tràn ngập như lúc này. Và cả thủ môn cũng không có một góc “tủ” nào để bay. Theo Palacios-Huerta, 61,5% quả 11 mét được cầu thủ chọn sút vào góc thuận (chân trái sút góc phải và ngược lại), 38,5% chọn sút góc nghịch. Palacios-Huerta nói: “Newton nhìn quả táo rơi từ cây xuống và vui mừng vì nó cho ông ta một dữ kiện tuyệt vời để minh chứng cho lý thuyết của mình. Tôi thu thập dữ liệu về những quả 11 mét để chứng minh cho lý thuyết của Nash. Nếu tôi có thể giành giải Nobel, thì cầu thủ sẽ là những quả táo của tôi”.

Palacios-Huerta thậm chí còn cung cấp kết quả những bài nghiên cứu cho HLV Avram Grant trước trận chung kết Champions League giữa Chelsea và Man Utd hồi 2008. Khi trận đấu bước vào loạt đấu súng, Nicolas Anelka bước lên và sút quả quan trọng trước Edwin van der Sar. Ngay loạt sút trước đó, Van der Sar đã ngả người sang trái, chính là góc mà Palacios-Huerta đã khuyên các cầu thủ Chelsea nên sút. Có chút do dự, Anelka quyết định làm ngược với lời khuyên ấy và sút vào góc phải. Kết quả là Van der Sar đã cản phá thành công và Man Utd vô địch.

Anelka thất bại trước Van der Saar
 
 

Anelka thất bại trước Van der Sar.

Liverpool là một trong những CLB đặc biệt chú tâm đến phân tích thống kê để lên chiến lược sút 11 mét. CLB Premier League này thuộc sở hữu của tập đoàn Fenway Sports, cũng là chủ sở hữu của CLB bóng chày Mỹ Boston Red Sox - CLB đã gây sửng sốt làng thể thao Mỹ khi thuê Theo Epstein về làm Giám đốc điều hành, ở tuổi 28. Nhưng phong cách làm việc dựa trên thống kê của Theo đã làm thay đổi lịch sử Red Sox. Hai năm sau ngày được bổ nhiệm, Theo chứng kiến đội nhà vô địch World Series lần đầu tiên sau 86 năm.

Sau khi Fenway mua lại Liverpool năm 2010, họ cũng nỗ lực làm điều tương tự với bóng đá. Người đứng đầu bộ phận phân tích là Ian Graham (từng làm việc tại công ty thu thập dữ liệu Decision Technology) và Michael Edwards (chuyên gia phân tích của Tottenham và Portsmouth). Và nhờ họ, Simon Mignolet trở thành thủ môn có tỷ lệ cản phạt đền cao nhất Premier League. “Thủ môn gặp đội phân tích trước mỗi trận đấu để nhìn lại những pha sút phạt của đối thủ, đặc biệt là phạt đền. Chúng tôi học cách họ sút 11 mét, nếu có một sự trùng hợp nào, chúng tôi sẽ ghi nhớ”, Mignolet tiết lộ.

Tháng 1/2017, Liverpool tiếp Chelsea ở Anfield. Phút thứ 77, Chelsea được hưởng phạt đền, Diego Costa bước lên, Mignolet mặt trông bình thản lạ kỳ, miệng nhai kẹo cao su, vung hai tay ra. Các chuyên gia đã chỉ ra Costa hay sút về bên tay phải của thủ môn, hoặc lên cao, hoặc sệt. Mignolet quyết định bay ở… khúc giữa, để còn kịp hạ trọng tâm nếu Costa sút sệt. “Một pha cứu thua hay không bao giờ là một quả phạt đền, vì phạt đền cho thủ môn thời gian chuẩn bị”, Mignolet nói. “Một pha cứu thua trong trận hấp dẫn hơn nhiều”.

Như Mignolet dự báo, Costa đã sút về góc phải của anh, bóng sệt, nhưng Mignolet đã có chuẩn bị và cản được. Ngoài đường pitch, HLV Juergen Klopp hét vào mặt trọng tài thứ tư: “Không ai có thể đánh bại chúng tôi!”. Trận đấu kết thúc với tỷ số 1-1.

Những con số thống kê, khi áp vào Diego Alves, thì lại không cho thấy điều gì đặc biệt. Anh chỉ đoán đúng hướng sút của đối thủ trong 53% tình huống. Khi đổ người, hết 63% lần anh ngả sang góc sút tự nhiên của đối thủ, chỉ 37% ngả theo hướng ngược lại. Anh không bao giờ đứng yên, dù 15% số lần bóng tìm đến chính giữa khung thành.

Khả năng đặc biệt của Alves chỉ được thể hiện sau khi đối phương đã sút bóng. Bình quân, 60-70% lần quả bóng vẫn vào lưới dù thủ môn đoán đúng hướng. Nhưng trong 27 lần đoán đúng hướng sút, Alves chỉ để lọt lưới ba lần, tức chỉ cho đối phương 11% cơ hội thành công. Rõ ràng Alves mạnh ở phản xạ, chứ không phải tâm lý như nhiều người lầm tưởng.

Trên sân tập Valencia, Alves tiết lộ một bí quyết. Trước khi nhoài người, anh hay bước lên trên một chút. Khi anh đứng xa khung thành hơn, góc sút của đối phương cũng hẹp lại một chút. Ngoài ra còn có những bí quyết nhà nghề khó chia sẻ, giúp anh chạm được những quả bóng mà không ai chạm được. Anh không bao giờ chia sẻ điều này, cũng như những đầu bếp giữ công thức chế biến gia truyền cho riêng gia đình họ.

Ba tuần sau khi Alves cản phá thành công hai quả 11 mét của Atletico, Valencia tiếp Barcelona. Khi trận đấu vào phút bù giờ, tỷ số là 2-2. Luis Suarez kiếm về một quả phạt đền cho Barca. HLV Valencia khi ấy là Cesare Prandelli ném một chai nước vào sân trong cơn tức giận. Khi Messi bước đến chấm 11 mét, Alves cố đến và nói với tiền đạo người Argentina: “Tớ biết cậu sút vào đâu, lần gần nhất tớ đã cản cậu rồi còn gì”.

Sau đó, Messi thừa nhận với chính Alves là mình không biết phải sút vào đâu khi chạy đà. Nhưng khi buộc phải ra quyết định, anh khiến chính Alves cũng bất ngờ. Messi dùng lòng trong chân trái đưa bóng về góc phải của Alves, tức góc mà thủ môn này mạnh nhất. Nhưng bóng bật vào mép trong cột dọc và vào lưới, dù Alves suýt nữa chạm tay vào nó. Alves nói: “Tôi chưa từng thấy Messi đá 11 mét kiểu ấy”. Đấy mới là lần thứ hai trong sự nghiệp, Alves bị thua khi đối phương sút đúng vào góc sở trường của mình.

Alves tấm lý chiến với Messi
 
 

Lần gần nhất, Messi lại hạ Alves lần nữa trên chấm 11 mét, trong trận đấu mà Barcelona đã thắng Valencia 4-2. Sau khi bị lọt lưới, Alves đã đến cười và chúc mừng Messi. Anh đang làm tâm lý cho… lần sau hay thực sự thán phục tài nghệ của cầu thủ hay nhất thế giới. Bởi vì cuộc chiến giữa cầu thủ vĩ đại nhất thế hệ và thủ môn chụp phạt đền hàng đầu mà lịch sử bóng đá từng chứng kiến vẫn còn tiếp diễn. Và những quả 11 mét sẽ mãi là đề tài thú vị, trong bóng đá và những lĩnh vực bên ngoài sân cỏ.

Hoài Thương (theo FT)

Bình luận
Ý kiến của bạn