Leicester City: Vương triều đoản mệnh

Một năm sau khi biến tỷ lệ cược cho ngôi vô địch từ 5000/1 thành hiện thực và được ví như câu chuyện cổ tích thời hiện đại, Leicester sa thải HLV trưởng Claudio Ranieri và đối mặt với nguy cơ xuống hạng.

Vào một ngày thứ Hai lạnh giá hồi tháng 1/2017, Ranieri mang trong valy một bộ vest lịch lãm, đáp chuyến bay rời Anh quốc sang Thuỵ Sỹ. Đấy là một trong rất nhiều chuyến đi để nhận các phần thưởng, vinh danh mà nhà cầm quân người Italy nhận được sau khi góp phần tạo nên một trong những huyền thoại hy hữu nhất của thế giới thể thao: đưa Leicester đi từ vị thế ứng viên xuống hạng đến ngôi vô địch Ngoại hạng Anh.

Ranieri sang Thuỵ Sỹ chuyến này theo lời mời trực tiếp từ FIFA. Ông, một nhà cầm quân 65 tuổi nom hiền từ với gọng kính lão, đến dự Gala tổng kết bóng đá năm 2016, nơi ông được vinh danh là HLV hay nhất thế giới. Vào thời điểm Ranieri bước lên sân khấu để nhận phần thưởng bằng bạc khắc dòng chữ “Hay nhất”, Leicester của ông đang ngụp lặn tận vị trí thứ 15 ở Ngoại hạng Anh, vị thế gần hơn với cuộc chiến trụ hạng, chứ không phải chiến đấu để bảo vệ ngôi vương.

“Tôi như phát điên”, Ranieri nói trong buổi tối ở Zurich hôm ấy. “Tôi thấy mình rất điên luôn”.

Cùng thời điểm Ranieri nhận giải thưởng HLV hay nhất thế giới 2016, Leicester của ông đang khủng hoảng ở giải quốc nội.

Nhưng tình thế của Leicester còn trở nên điên rồ hơn từ sau cái đêm mà HLV của họ được vinh danh. Đà sa sút kéo nhà ĐKVĐ xuống tận vị trí 17 - trên một bậc và chỉ hơn đúng một điểm so với nhóm xuống hạng. Tính từ tháng 12/2016, Leicester thậm chí còn chưa thắng trận nào ở Ngoại hạng Anh. Trận cuồng phong cuốn “Đàn Cáo” đến chức vô địch quốc gia đầu tiên trong 132 năm lịch sử  dường như đã bị xoá sạch khỏi ký ức các thành viên cũng như người hâm mộ đội bóng này.

Leicester City trở lại là một Leicester-City-quen-thuộc.

Khó khăn bủa vây Leicester gần như ở mọi khâu. Họ như ném tiền qua cửa sổ với một loạt vụ tuyển mộ không hiệu quả, khoảng trống mà người ra đi - N'Golo Kante - để lại không thể được lấp đầy, cảm giác ức chế, khó chịu ngày một tăng. Ở khía cạnh khách quan, Leicester còn chịu cái gọi là hiệu ứng phản đòn. Sau thành công bất ngờ mùa trước, thầy trò Ranieri như trở thành cái gai trong mắt phần còn lại của giải đấu. Những quyền lực cũ thì trỗi dậy, khao khát giành lại những gì Leicester đã lấy đi của họ. Mỗi trận đấu, với phần còn lại, trở thành một cơ hội để họ trút hết thịnh nộ căm hờn khi phải chìa lưng làm những bậc thang đưa thầy trò Ranieri lên ngai vàng mùa trước.

Quyết tâm của các đối thủ khiến Leicester trở nên vô hại đến mức họ không ghi nổi bàn nào trong hơn 10 giờ thi đấu gần nhất tại Ngoại hạng Anh. Trong 10 vòng đầu gần nhất, nhà ĐKVĐ chỉ thắng được một. Thứ ánh sáng duy nhất le lói từ đội bóng này có chăng là hành trình của họ ở Champions League, nơi Leicester cán đích thứ nhất ở vòng bảng để vào vòng 1/8. Nhưng trong trận lượt đi trên sân của Sevilla vừa qua, họ nhận thất bại 1-2.

Leicester mùa này bầm dập khi gặp lại các ông lớn, những đội sa sút và gián tiếp góp phần giúp "Đàn Cáo" bước lên ngai vàng mùa trước.

Nếu ở một mùa giải khác, cuộc chiến trụ hạng mà Leicester đang bị cuốn vào hẳn sẽ bị coi như chuyện thường ngày ở huyện. Chỉ trong 15 năm gần nhất, đội bóng này đã có tới sáu chuyến du hành qua lại giữa Ngoại hạng Anh và giải hạng Nhất.

Dù vậy, “Đàn Cáo” có lẽ cũng chẳng thể đoán định được rằng chương tiếp theo của câu chuyện thần tiên mà họ viết nên mùa trước lại đi theo hướng bi kịch như hiện tại. Nhưng đó chưa phải là tất cả những gì tồi tệ nhất. Nếu cứ tiếp tục đi xuống như gần đây, Leicester có nguy cơ trở thành nhà vô địch Anh đầu tiên bị rớt hạng mùa kế tiếp kể từ sau Man City năm 1938.

Dennis Corrall và Peter Green, hai CĐV trung thành luôn đi cổ vũ Leicester trong mọi trận sân khách, vẫn nhớ như in những ngày đầu xuân nặng nề vừa qua. Hai người  nhớ cái cảm giác buồn tủi xen chút ê chề khi sau những trận đấu sân khách đó, các CĐV chủ nhà đến bắt tay và nói rằng họ hy vọng Leicester sẽ sớm chặn được đà sa sút. Nhưng những cử chỉ hào hiệp và an ủi ấy chẳng kéo dài lâu. “Giờ thì họ chỉ nhạo báng”, Corrall kể.

Ngoại hạng Anh còn 13 vòng, và để sống sót trụ lại sân chơi này, họ cần phải thắng ít nhất năm trận. Giữa lúc nước sôi lửa bỏng ấy, Leicester đối mặt với lựa chọn khó khăn: hoặc tiếp tục tin tưởng trao thêm cơ hội cho Ranieri, hoặc sa thải ông để tìm kiếm một vị thuyền trưởng khác - người đủ khả năng lèo lái con thuyền ra khỏi giông bão hiện tại cũng như vực thẳm đang chực chờ phía trước. Và quyết định cuối cùng đã được đưa ra hôm qua 23/2, khi ban lãnh đạo chọn phương án "thay tướng" với hy vọng đổi vận.

"Kết quả hiện nay đặt CLB vào nguy cơ và ban lãnh đạo cảm thấy rằng việc thay đổi, dù rất đau lòng, là cần thiết", thông báo của Leicester về việc sa thải Ranieri có đoạn. Phó Chủ tịch Aiyawatt Srivaddhanaprabha thì mô tả đây là quyết định khó khăn nhất trong bảy năm qua, kể từ khi gia đình ông mua lại Leicester, nhưng "chúng tôi có bổn phận phải đặt lợi ích lâu dài của CLB lên trên tình cảm cá nhân", doanh nhân người Thái Lan nhấn mạnh.

Ranieri, trong khoảng một tháng trước khi nhận trát sa thải, thường tìm cách đổ lỗi. Ông mới đây ám chỉ các học trò đã đánh mất khát khao chiến thắng. "Mùa trước, Leicester quyết tâm hơn đối thủ, chơi với sự máu lửa lớn hơn đối thủ”, nhà cầm quân người Italy nói. “Chúng tôi có thể cũng thua trận hồi đó, nhưng đội luôn chiến đấu hết mình qua từng trận đấu”.

Nhưng thực tế thì xuyên suốt hành trình mùa trước, Leicester chẳng có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ có dáng dấp một vương triều bền vững. Với 23 chiến thắng trong 38 trận, họ là đội vô địch với ít trận thắng nhất kể từ năm 1999. Leicester cũng là nhà vô địch Anh với hiệu số bàn thắng - bàn bại thấp nhất kể từ năm 1997.

Những thăng trầm của Ranieri ở Leicester City
 
 

Chặng đường Ranieri ở Leicester

Leicester City vô địch mùa trước nhờ biết nắm bắt cơ hội.

Thành công của Leicester về sau được lý giải qua lăng kính - họ biết nắm bắt cơ hội, theo kiểu cờ đến tay thì phất, trong tình cảnh hỗn loạn của cả giải đấu. Các quyền lực quen thuộc như Liverpool, Chelsea, Man Utd, Man City đều thay ngựa giữa dòng, hoặc xác định sẽ thay HLV vào cuối mùa.

Bản thân Leicester cũng tích luỹ được một lượng điểm số đủ lớn trong giai đoạn đầu, trước khi họ thật sự được nhìn nhận nghiêm túc cho vị thế ứng cử viên vô địch. Dàn cầu thủ hội tụ những gương mặt hoặc kém tiếng tăm, hoặc là hàng thải, hàng dạt từ các nơi khác đến bùng nổ cùng lúc, trở thành chất xúc tác lý tưởng để Leicester thăng hoa bằng lối chơi giàu thể lực trên con đường chinh phục ngôi vương.

“Tôi nghĩ những gì diễn ra ở Ngoại hạng Anh năm rồi thật sự đáng kinh ngạc”, Ranieri nói trong đêm Gala vinh danh ở Zurich. “Thật kỳ lạ. Đức Chúa của bóng đá bảo rằng Leicester phải vô địch”.

* Khoảnh khắc Leicester City xưng vương tại Ngoại hạng Anh 2015-2016

Khoảnh khắc đăng quang của Leicester ở Ngoại hạng Anh 2016-2017
 
 

Ranieri không phải là người duy nhất tin vào sự trợ giúp từ một quyền năng siêu nhiêu nào đó. Mạch phong độ ấn tượng của Leicester bắt đầu từ mùa giải trước khi họ vô địch, khi chính quyền sở tại quyết định an táng xương cốt của cố Vương Richard II sau khi phát hiện số xương cốt này dưới nền đất một bãi đổ xe. CĐV Leicester mùa này chưa đến mức đi đào nền đất ở các bãi đổ xe khác, nhưng như Corrall nói, họ “thật sự cần một nhà Vua Richard III nữa”.

Ước mong ấy có lẽ chỉ thành hiện thực, nếu nhà Vua Richard III mà Corrall và nhiều CĐV Leicester khác chờ đợi ấy có thể đá ở giữa sân. Leicester đến giờ vẫn vật lộn với câu hỏi tại sao những ngôi sao sao sang chói nhất của họ mùa trước tắt điện toàn tập mùa này.

Ryad Mahrez, từng đoạt giải Cầu thủ hay nhất mùa bóng 2015-2016 nhờ tài đi bóng ảo thuật, không còn là cục nam châm hút các hậu vệ đối phương. Jamie Vardy, người thường xuyên hành hạ các hàng thủ đối phương bằng tốc độ kinh hoàng mùa trước, chẳng gợi nên chút gì về một chân sút từng ghi 24 bàn trên hành trình vô địch, trừ cái tên trên lưng áo. Tệ hơn, kể từ tháng 12 năm ngoái, Vardy thậm chí còn chẳng tung ra được lấy dù chỉ một cú dứt điểm đi trúng hướng cầu môn.

Ngôi sao duy nhất của Leicester mùa trước còn duy trì phong độ đỉnh cao sang mùa này là N’Golo Kante. Nhưng anh lại chẳng còn chơi cho Leicester nữa. Tiền vệ phòng ngự có vóc dáng nhỏ thó ấy đang trên đường chinh phục chức vô địch Ngoại hạng Anh thứ hai liên tiếp, lần này trong màu áo Chelsea.

“Nếu nhìn lại tập thể vô địch mùa trước, ta sẽ thấy đó là một đội bóng được quản trị rất tốt dưới trướng Claudio Ranieri. Nhưng Ngoại hạng Anh mùa này đã khác mùa trước rất nhiều”, đồng hương của Ranieri, HLV Walter Mazzari của Watford nhận định hồi đầu mùa.

Mùa trước, lối chơi phòng ngự phản công nhanh của Leicester phát huy hiệu quả vì các đối thủ đều nghĩ rằng họ có thể đẩy cao hàng phòng ngự và cô đặc tuyến giữa để  khuất phục “Đàn Cáo”. Leicester đã trừng phạt những suy nghĩ ấy khi dẫn dầu năm giải VĐQG hàng đầu châu Âu về số bàn thắng ghi được từ các pha phản công. Nhưng giờ thì các đối thủ không còn để lộ ra các khoảng trống nữa, và hệ quả là Leicester từ đầu mùa mới chỉ có đúng một bàn từ phản công.

Những cú ngã sấp mặt ở Ngoại hạng Anh mùa này

Một hạn chế nghiêm trọng khác của Leicester mùa này là việc họ thiếu các phương án B trên cả ba tuyến. Mùa trước, họ đi bóng nhiều hơn, và luôn có ít nhất 26% số cú dứt điểm đi trúng hướng cầu môn. Tỷ lệ chuyển hoá thành bàn của họ khi đó cũng cao gần gấp ba tỷ lệ 0,63 bàn mỗi trận hiện tại. Mùa trước, hàng thủ của Leicester cũng không phải chứng kiến những thảm hoạ, điều diễn ra như cơm bữa mùa này.

Cho đến khi Leicester trở về sau thất bại 1-2 trên sân Sevilla ở lượt đi vòng 1/8 giữa tuần qua và bản thân nhận quyết định sa thải từ ban lãnh đạo, Ranieri vẫn chưa thể tìm ra một lời giải cho thực trạng rối ren hiện tại. Nhà cầm quân người Italy thậm chí còn như lạc vào mê cung của chế độ xoay vòng nhân sự. Trước Swansea ở Ngoại hạng Anh hai tuần trước, Ranieri thay ba vị trí đá chính. Rồi khi làm khách trên sân Millwall ở Cup FA tuần trước, ông thay tới 10 vị trí.

“Ai muốn chiến đấu nào?”, Ranieri hỏi các học trò trước trận đấu với Millwall. “Tôi cần những chiến binh. Tôi cần những đấu sĩ”.

Thế rồi những đấu sĩ mà Ranieri lựa chọn ấy, tập thể với 10 sự thay đổi, thua đối thủ hạng dưới 0-1 và phải dừng bước ở Cup FA. “Tôi có ngạc nhiên khi đội mình thắng không ư?”, HLV Neil Harris của Millwwall nói sau trận đấu. “Tôi không cho rằng mình ngạc nhiên”.

Một CĐV nữ của Leicester City bỏ về sớm vì không muốn chứng kiến thêm cảnh đội nhà bị hành hạ trong trận thua Man Utd 0-3 hôm 5/2. Nhưng cô chỉ là trường hợp cá biệt, những người hâm mộ còn lại, dẫu đau khổ, vẫn nán lại với "Đàn Cáo".

Người hâm mộ Leicester có lẽ cũng chẳng ngạc nhiên với thất bại ấy của đội nhà. Với số đông lúc này, nỗi thống khổ khi phải xuống hạng há chăng quen thuộc hơn rất nhiều so với sự phấn khích, thăng hoa mà chức vô địch Ngoại hạng Anh mang lại?

“Bạn chẳng thế là nhà vô địch năm nay, rồi không thể trở thành một đội bóng tốt mùa tiếp theo”, Barbara Merrell, một cụ bà 69 tuổi là CĐV mua vé xem cả mùa của Leicester nói. “Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không thể bị xuống hạng. Ai mà chẳng có thể bị xuống hạng cơ chứ”.

Nhật Tảo tổng hợp

Bình luận
Ý kiến của bạn