Nỗi buồn của 'Vua sư tử'

Mắt cá của anh đã hỏng, hoặc ít nhất nó cũng không còn nghe lời anh nữa. Anh khóc rất nhiều, vì cơn đau như muốn giết chết anh. Đã có lúc, anh cầu xin bác sĩ hãy cưa chân mình đi để không còn bị cơn đau hành hạ nữa. Anh không cách gì tự mình đi vào nhà tắm, dù chỉ cách có ba mét. Anh phải đi vệ sinh ngay tại giường. Đấy chẳng còn là một "Vua sư tử" năm nào trên sân cỏ châu Âu.

Những đứa trẻ sinh ra ở nửa sau thập niên 1990 trở về sau dường như không còn nhớ đến anh nữa. Trong một trận đấu quốc tế gần đây, Batigol bước vào phòng thay quần áo của đội tuyển của đội tuyển Argentina, và phân nửa trong số các tuyển thủ đã không nhận ra anh.

Thế nhưng với lứa khán giả yêu bóng đá sinh trong thập niên 1980 trở về trước, cái tên Gabriel Omar Batistuta không cần thêm bất kỳ sự giới thiệu nào. Nói đến anh, người ta nghĩ ngay đến một tiền đạo siêu hạng, một cầu thủ mà khi đã tung ra một cú dứt điểm, thủ môn gần như không có cơ hội cản phá. Nói đến anh, người ta nhớ đến mái tóc dài bay trong gió, gương mặt đẹp như tạc. Và nói đến anh, người ta nhớ đến màu áo tím đẹp nao lòng của Fiorentina. Anh đã đến thành phố ấy, yêu nó, sống chết với nó và được người dân ở đó lấy tên mình để đặt cho một vì sao.

10 bàn thắng đẹp nhất của Batistuta
 
 

10 bàn thắng đẹp nhất của Batistuta

Sinh năm 1969, Batistuta ban đầu thích chơi bóng rổ. Đến tận năm 1978 anh mới đá quả bóng đầu tiên trong đời. Đấy là khi World Cup tổ chức ngay trước ngưỡng cửa nhà anh và cũng là lúc anh nhận ra chỉ có chơi bóng, mình mới có thêm nhiều bạn bè. Và dù yêu bóng đá hơi muộn so với các bạn cùng trang lứa, Batistuta lại tiến rất nhanh. Anh tận dụng rất tốt thể trạng trời sinh vào những cú sút. Nó cực mạnh và một khi đã trúng đích thì thủ môn có đoán trước cũng không phản xạ kịp.

Một thập kỷ sau World Cup 1978, Batitusta đá trận chuyên nghiệp đầu tiên trong màu áo Newell’s Old Boys, dưới thời HLV Marcelo Bielsa, người cũng đang tạo dựng một di sản cho riêng mình lúc ấy. Chơi tốt trên sân, nhưng Batitusta gặp khó với cuộc sống bên ngoài. Anh thấy lạc lõng giữa một thành phố lớn như Rosario. Nó khác xa với miền quê Avellaneda yên bình mà anh đã bỏ lại sau lưng, cùng với bạn bè, gia đình và người bạn gái đầu tiên.

Batistuta rời quê lên thành phố vì muốn gia đình có cuộc sống tốt hơn. Ngày ấy, thu nhập từ việc đá bóng rất ít ỏi. Batistuta đi xa là vì HLV Jorge Griffa của đội trẻ Old Boys hứa sẽ cho anh vừa làm việc thêm, vừa đi học. Thế nên ngoài việc đá bóng, anh còn cắt cỏ và dọn dẹp khán đài. Anh ngủ trên ghế dài đặt trong văn phòng đội bóng, luôn cảm thấy nhớ nhà và bắt đầu bị thừa cân. Biệt danh đầu tiên của anh là El Gordo (gã béo).

Batistuta trong màu áo Newell's Old Boys.

Đến năm 1988, Batistuta có biệt danh mới, do chính HLV Bielsa đặt, là "dã thú" vì cách chơi rất hoang dã. Batistuta chỉ ghi bốn bàn sau 16 trận khoác áo Old Boys tại giải vô địch Argentina, nhưng ở Copa Libertadores, anh chọc thủng lưới đối thủ đến năm lần sau ba trận. Cuối mùa bóng ấy anh được gửi cho CLB hạng dưới Deportivo Italiano mượn. Ấn tượng với những gì Batistuta thể hiện ở đây, River Plate đã chiêu mộ anh.

Là một CĐV từ bé của Boca Juniors, nhưng Batistuta vẫn chấp nhận đề nghị vì đấy là bước cần thiết để phát triển sự nghiệp. Phong độ ghi bàn tại giải vô địch Argentina vẫn là vấn đề lớn. Dù River vô địch vào cuối mùa, anh chỉ ghi vỏn vẹn ba bàn sau 19 trận. Vấn đề là cả ba bàn ấy đều là những siêu phẩm. Hai cú lao người đánh đầu và một cú bấm bóng, tất cả đều có trong danh sách đề cử bàn thắng đẹp nhất mùa của các đài truyền hình.

HLV Daniel Passarella, người hùng của cậu bé Batistuta tại World Cup 1978, nay quyết định sẽ... loại chàng tiền đạo trẻ ra khỏi đội. Bởi là một người thực dụng, ông cảm thấy hiệu suất ghi bàn của cậu không đủ. Nhưng lúc ấy, Batistuta đã chơi rất ổn, ghi bàn ít nhưng anh chạy rất nhiều và tham gia vào lối chơi chung. Thế nên Batistuta đón nhận tin ấy như một cú sốc. Và anh đã xem xét việc trở lại quê hương. Buenos Aires quá rộng lớn với một người nhớ nhà thường trực như anh.

Nhưng Batistuta quyết định sẽ chiến đấu lần nữa trước khi buông xuôi. Lao vào tập luyện như điên, Batistuta quyết bổ khuyết những gì còn thiếu trong lối chơi của mình. Hàng tuần, anh phải ngồi trên ghế dự bị nhìn đồng đội thi đấu, và chiến thắng mà không có mình. Passarella nhìn thấy nỗ lực của Batistuta, nhưng không chút động lòng, và ông lên kế hoạch chuyển nhượng luôn chàng tiền đạo trẻ. "Khi tìm được CLB phù hợp, cậu ấy sẽ trở thành một chân sút cừ khôi", ông nói.

Batistuta khởi đầu sự nghiệp không mấy suôn sẻ, nhưng điều đó không giết chết được tài năng của anh.

Lúc này, Batistuta đã có một cái nhìn rất rõ ràng về bóng đá: đó là phải làm cho đám đông trên khán đài ồ lên sau mỗi pha ghi bàn của mình. Lúc ấy, anh cũng dần thích nghi được với cuộc sống tại thủ đô. Và trong đầu anh nhen nhóm một suy nghĩ táo bạo: mình sẽ ở lại đây, nhưng sẽ... chuyển CLB.

Chuyển từ River Plate sang Boca Juniros không khác gì chuyển từ Barcelona sang Real Madrid, không có nhiều người có thể chịu nổi áp lực của sự thù hận. Nhưng vốn là CĐV của Boca, Batistuta đã nhận lời. Và khi bước vào sân La Bombonera, mặc lên mình chiếc áo vàng-xanh, nghe những thanh âm quen thuộc từ khán đài mà mình từng hò hét trên đó, Batistuta biết nơi này dành cho mình.

Nhưng mọi chuyện chẳng suôn sẻ ngay. HLV Osvaldo Potente không cho Batistuta đá tiền đạo mà đẩy anh sang cánh phải. Nhưng bàn thắng đã đến rất nhanh, với một pha lập công không thể dễ dàng hơn trong trận Boca thắng Racing 2-1. Thủ môn đối phương cản phá một cú sút và nó rơi ngay chỗ Batistuta đang đứng.

Đến cuối tháng Giêng, Batistuta đã ghi bàn vào lưới River. Xâm nhập vòng cấm đúng thời điểm, anh đón một đường chuyền sệt của đồng đội và sút tung nóc lưới. Và anh đã thực hiện một pha ăn mừng mà sau này sẽ trở nên rất quen thuộc: chạy thật nhanh về phía các CĐV nhà, cầm chiếc áo đấu chỗ có logo đội bóng rồi gầm lên. Ở River, chưa bao giờ Batistuta vỡ òa cảm xúc như thế.

Batistuta thực sự tìm thấy ánh sáng ở Boca - CLB anh yêu mến từ nhỏ.

Kết thúc mùa bóng ấy, năm trong tổng số 19 bàn mà Batistuta ghi được là vào lưới River, như một sự trả hờn vì họ đã không đánh giá đúng năng lực của anh. Cả năm bàn đều một kiểu ăn mừng kích động. Thế nhưng dưới thời Polente, Boca không thể hiện hình ảnh của một ứng viên vô địch, và ông phải nhường chỗ cho Oscar Tabarez, HLV người Uruguay nổi tiếng trọng kỷ luật.

Tabarez nhận ra Batistuta là một trung phong điển hình, và mang anh từ cánh phải vào vòng cấm. Và bàn thắng đã đến ào ạt. Dẫu vậy, ký ức đáng nhớ nhất của Boca trong thời gian này lại liên quan đến bạo lực. Trong trận đấu tiếp Colo-Colo tại Copa Libertadores, Boca cố tìm cách gỡ lại trận thua 0-1 ở lượt đi. CĐV và báo chí lèn kín như nêm, tạo ra một bầu không khí cực kỳ hỗn loạn và kích động. Bàn thắng đến liên tục, và đội bóng của Chile thắng trận ấy 3-1. Kết thúc trận đấu, một cuộc loạn đả diễn ra, cầu thủ Boca xung đột với báo chí, CĐV, cầu thủ Colo-Colo và bất kỳ ai mà họ gặp trên đường vào phòng thay quần áo.

Ngay cả Tabarez cũng không còn giữ nổi sự bình tĩnh. Ông đuổi theo một phóng viên ảnh và đánh người này đến chảy máu trên gò má. Rồi ông túm lấy Batistuta, vật ra đấy và chửi một tràng.

Cuộc náo loạn dài 17 phút chỉ kết thúc sau khi cảnh sát mang chó nghiệp vụ vào sân. Điều duy nhất tích cực trong sự việc xấu hổ này là Batistuta dường như rất... thích nó. Con "dã thú" có vẻ như đã bắt đầu... mọc nanh.

Sau đó, với hàng thủ được Tabarez xây dựng ngày càng vững vàng hơn và Batistuta thì ngày một hiệu quả, Boca kết thúc mùa giải với chức vô địch Clausura, còn chàng tiền đạo trẻ thì giành được một suất dự Copa America cùng đội tuyển Argentina. Chỉ một thời gian ngắn, các CĐV Boca mau chóng yêu Batistuta.

Tabarez nhận ra nhiều CLB châu Âu đã xếp hàng đứng trước sân của Boca. Trong thời gian ấy, con đường tiến thân duy nhất của một cầu thủ là phải sang châu Âu. Batistuta hiểu rõ điều đó. Sáu bàn ở Copa America 1991 là một màn tự giới thiệu hoàn hảo. Sáu bàn ấy cũng mang về cho Batistuta danh hiệu dội bom lẫn chức vô địch.

Và Fiorentina là đội đã có được chữ ký của Batistuta, không hề biết mình vừa ký một trong những bản hợp đồng thành công nhất lịch sử. Con sư tử đã mọc bờm và nanh vuốt ở Buenos Aires, và bây giờ là thời gian nó chinh phục châu Âu.

Phần còn lại đã là lịch sử... 

Những năm tháng đẹp nhất sự nghiệp Batistuta trải qua ở Italy. Và dù Scudetto lẩn tránh anh ở Fiorentina, rốt cục anh cũng chạm tay được vào danh hiệu này khi đã chuyển sang Roma. Ngày anh ra đi, CĐV của Fiorentina đập nát bức tượng đồng của anh, một phần vì giận, một phần vì yêu. Họ tranh thủ lấy những mãnh vỡ ấy về nhà, bỏ vào hộp để kỷ niệm "một chút Batistuta". Khi anh trở lại Florence và sút tung lưới đội bóng cũ, anh đã bật khóc. Và hàng nghìn CĐV Fiorentina cũng khóc như anh.

Những giọt nước mắt của Batigol khi ấy vẫn còn in sâu vào tâm trí của những CĐV Serie A. Anh đã có 10 năm ở thành phố đó, đã cùng đội xuống hạng rồi quay trở lại, ba đứa con của anh chào đời tại đó. Với Batistuta, Florence đâu chỉ là một thành phố đơn thuần. CĐV tạc tượng anh, lấy tên anh để đặt cho một vì sao, họ hay đến để quà trước nhà anh, từ trứng Phục sinh cho đến dầu ăn. Có người thậm chí đã mang đến đó một... chiếc mô tô.

Thành công của Batigol ở Florence thậm chí đã khiến Diego Maradona phải gọi anh là tiền đạo hay nhất mà lịch sử bóng đá Argentina từng sản sinh. Người Argentina xưa nay vẫn yêu số 10 hơn số 9, từ Mario Kempes, Ariel Ortega, Juan Roman Riquelme, Diego Maradona, Lionel Messi. Nhưng Batistuta đã vượt qua điều đó để trở thành "số 9" được yêu mến nhất.

Nhưng bây giờ, khi Batistuta đang sống với những cơn đau sau khi giải nghệ, liệu còn bao nhiêu người nhớ đến anh?

Hoài Thương tổng hợp

Bình luận
Ý kiến của bạn