3 tháng 'thử lửa' của buýt nhanh Hà Nội

Với vận tốc 20km/h, xe buýt nhanh đã thu hút được 1,2 triệu lượt khách sau 3 tháng. Tuy vậy, việc kết nối các đường nhánh, dịch vụ nhà chờ... đang là điểm yếu cần sự đầu tư đồng bộ.

Khai trương ngày 31/12/2016, tuyến buýt nhanh (Bus Rapid Transit - BRT) đầu tiên ở Hà Nội chạy trên quãng đường 14,7 km từ Kim Mã (Ba Đình) đến Yên Nghĩa (Hà Đông) - tuyến vành đai có áp lực giao thông rất lớn.

26 xe buýt đón khách từ 5h đến 22h cả 7 ngày trong tuần với tần suất 5-15 phút một chuyến, giá vé mỗi lượt là 7.000 đồng.

Hạ tầng theo "tiêu chuẩn quốc tế", chuyên chở nhiều khách hơn buýt thường, hệ thống BRT trị giá 1.100 tỷ đồng, được chuẩn bị trong 10 năm này được kỳ vọng giúp giảm ùn tắc và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng. 

 

“Tuyến buýt nhanh góp phần giảm tải các phương tiện cá nhân, nâng cao hiệu quả kinh tế”.

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng
Trải nghiệm tuyến buýt nhanh từ trên cao
 
 

Trải nghiệm tuyến BRT từ trên cao.

Hạ tầng chuyên biệt

Làn đường dành cho buýt nhanh được tổ chức ở lề trái, phân cách mềm bằng đèn phản quang. Riêng hai điểm nóng giao thông Giảng Võ và Nguyễn Tuân được dựng phân cách cứng tránh phương tiện khác lấn làn.

21 bến đón trả khách với mỗi nhà chờ rộng hơn 100m2 được thiết kế theo chuẩn BRT quốc tế. Sàn nhà chờ cao bằng sàn xe, cửa đóng mở tự động dễ dàng cho người khuyết tật. Lần đầu tiên hệ thống bán vé, soát vé và bán hàng tự động được trang bị phục khách đi xe buýt.

Để ưu tiên BRT, giờ cao điểm sáng và chiều một số loại phương tiện như taxi, xe tải, xe khách... bị hạn chế, xe máy bị cấm lên cầu vượt trên tuyến. 

Hàng chục loa phát thanh được lắp tại ngã tư, nút giao để tuyên truyền luật giao thông, kêu gọi người dân sử dụng loại hình vận tải công cộng này.

 

Lắp loa tuyên truyền tuyến BRT
 
 

Loa phát thanh được lắp đặt tại các nhà chờ, ngã tư để tuyên truyền về tuyến BRT.

5 lực lượng phân luồng

Thời gian đầu BRT hoạt động, cảnh sát giao thông, cơ động, trật tự, công an phường và thanh tra giao thông đồng thời xuống đường phân luồng, điều tiết phương tiện.

5 lực lượng này đứng chốt tại những nút giao, cầu vượt để hướng dẫn các phương tiện khác không lấn làn buýt nhanh.

'Chảo lửa' những ngày đầu hoạt động

Vốn là điểm nóng ùn tắc, nay đường tiếp tục bị thu hẹp để dành làn cho buýt nhanh, giao thông từ Kim Mã đến Yên Nghĩa những ngày đầu BRT hoạt động luôn như "chảo lửa".

Giờ cao điểm, dòng phương tiện nối đuôi dài hàng km tại Giảng Võ, Khuất Duy Tiến, Tố Hữu, Lê Văn Lương khiến "buýt nhanh chỉ nhanh hơn buýt thường 5 phút". Nhiều cuộc tranh luận lớn về tính hiệu quả của BRT nổ ra trong cộng đồng. Các chuyên gia nhận định, buýt nhanh không nhanh vì tính kỷ luật nửa vời của cả người dân và chính quyền.

Buýt nhanh bị bủa vây

Dù có làn dành riêng, nhưng BRT thường xuyên phải đối diện tình trạng bị các phương tiện khác lấn làn, làm chậm tốc độ. Thống kê của Xí nghiệp buýt nhanh Hà Nội cho thấy, mỗi ngày có khoảng 100 ôtô vi phạm lấn làn BRT, trong đó xe biển xanh, biển đỏ chiếm 1/4. 

Sau 3 tháng hoạt động, người dân đua nhau lấn làn buýt nhanh
 
 

Phương tiện đua nhau lấn làn buýt nhanh.

Quyết liệt giữ đường cho BRT

Để cải thiện ý thức kỷ luật nửa vời, CSGT đã mạnh tay xử phạt hàng trăm tài xế, trong đó 80% là xe máy. Một số xe của cơ quan nhà nước vi phạm nhận phiếu phạt hàng triệu đồng, tước bằng lái 2 tháng như tài xế xe biển xanh của Cục thuế Hà Nội, tài xế xe dọn rác của công ty vệ sinh...

Nhà chức trách khẳng định sẽ tiến tới phạt nguội các tài xế lấn làn buýt nhanh thông qua hệ thống camera giao thông. 

Sau một tháng kiên trì với nhiều giải pháp như tuyên truyền bằng loa, xử phạt, lắp dải phân cách cứng... tốc độ buýt nhanh ngày được cải thiện.

4 tài xế xe chở rác lấn làn buýt nhanh bị phạt nguội
 
 

Nhiều xe lấn làn bị xử phạt.

Tín hiệu khả quan

Từ vận tốc 14km/h những ngày đầu đến nay buýt nhanh đã đạt 20km/h, nhanh hơn buýt thường 20%. Ba tháng qua, tuyến buýt nhanh đã vận chuyển trên 1,2 triệu lượt khách với gần 30 nghìn lượt xe, trung bình mỗi ngày đưa đón 13.600 khách. 

Khảo sát của Xí nghiệp BRT cho thấy, tuyến buýt nhanh đã thu hút thêm nhiều hành khách mới sử dụng. Trong hơn 2.000 người tham gia khảo sát có 23% chuyển từ các phương tiện khác (xe máy, xe ôm, taxi…) sang sử dụng BRT. Lượng khách chuyển từ xe máy sang chiếm tỷ lệ lớn với 16%, từ ôtô cá nhân là 3%.

 

Người dân hài lòng về tuyến buýt nhanh
 
 

Người dân nói về xe buýt nhanh.

Dù vậy, để buýt nhanh thực sự trở thành lời giải cho bài toán giao thông đô thị, hạ nhiệt ùn tắc, người dân trông đợi mạng lưới đường nhánh kết nối, dịch vụ gửi xe tại bến, tần suất lượt chuyến, công nghệ tự động hóa... sẽ được bổ sung và hoàn thiện trong tương lai không xa.

Kết quả hoạt động sau hơn 3 tháng của tuyến BRT
 
 

Kết quả 3 tháng hoạt động của tuyến buýt nhanh.

Bá Đô - Giang Huy

Bình luận
Ý kiến của bạn