Thứ năm, 25/4/2024
Thứ bảy, 31/1/2015, 14:09 (GMT+7)

Oanh tạc cơ Nga khiến châu Âu dè chừng

Chiếc Tupolev Tu-95, một biểu tượng sức mạnh của quân đội Nga từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, luôn khiến các nước châu Âu phải trông chừng, tiến hành ngăn chặn từ xa mỗi lần nó hiện diện trên bầu trời trong các nhiệm vụ trinh sát.

Oanh tạc cơ Tu-95, được tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thường gọi là "Gấu", là máy bay ném bom mang tên lửa chiến lược thành công và có thời gian sử dụng lâu nhất, do công ty hàng không quốc phòng Tupolev, Nga, sản xuất. Ảnh: Military-Today

Chiếc phi cơ được chế tạo tại Liên bang Xô Viết từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, bay lần đầu vào năm 1952, phục vụ cho quân đội Liên Xô từ năm 1956 và dự kiến còn tiếp tục hoạt động trong không quân Nga đến năm 2040. Ảnh: Airforce-technology

Tu-95 là một máy bay cỡ lớn, sử dụng 4 động cơ turbin cánh quạt Kuznetsov. Mỗi chiếc có hai cánh quạt quay ngược chiều nhau. Tu-95 hiện là máy bay cánh quạt có tốc độ cao nhất thế giới còn hoạt động. Để đạt được vận tốc như vậy, phi cơ sử dụng cánh nghiêng về phía sau một góc 35 độ. Đây là góc tương đối nhỏ so với tiêu chuẩn của máy bay cánh quạt. Ảnh: Airplane Pictures

Một chiếc Tu-95 điển hình được vận hành bởi phi đội 7 người gồm: hai phi công, một pháo thủ đuôi cùng 4 nhân viên hỗ trợ. Tu-95MS có chiều dài 49,5 mét, cao 12,12 mét, sải cánh 51,1 mét, tốc độ bay tối đa hơn 900 km/h, được trang bị một hoặc hai pháo tự động hai nòng AM-23 ở tháp pháo đuôi, tích hợp hỏa lực hiện đại như tên lửa không đối đất Kh-20, Kh-22, Kh-26, Kh-55. Ảnh: Airliners

Biến thể Tu-95RT là một biểu tượng sức mạnh của quân đội Nga từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Nó là một phi cơ đa năng, đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng như tuần tra trên biển, tiếp cận, tấn công mục tiêu, đồng thời là một phương tiện triển khai linh động trên không cho các loại vũ khí cũng như tên lửa hành trình. Ảnh: Avionique

Vẻ ngoài của Tu-95 dễ nhận biết bởi một radar lồi đặc trưng được lắp dưới thân, dùng để giám sát và nhắm các mục tiêu lớn như chiến hạm hay tàu sân bay. Hải quân Mỹ ưu tiên ngăn chặn máy bay Tu-95 từ bán kính tối thiểu 300 km. Trong ảnh, một chiếc Tu-95 đang được tiếp nhiên liệu trên không. Ảnh: Army Photos

Tu-95 có rất nhiều biến thể, thích hợp chuyển đổi sử dụng cho nhiều mục đích. Tu-95 ban đầu được thiết kế nhằm triển khai các loại vũ khí hạt nhân. Về sau, nó được cải biến để thực hiện các vai trò khác, như triển khai tên lửa hành trình, tuần tra biển (Tu-142), lắp đặt hệ thống chỉ huy và cảnh báo trên không (AWACS), thậm chí cả máy bay chở khách dân sự (Tu-114). Trong ảnh, chiếc Tu-95 (ngoài cùng bên trái) xuất hiện trong một cuộc triển lãm hàng không. Ảnh: Airplane Pictures

Bên trong khoang lái của một chiếc Tu-95. Ảnh: Jet Photos

NATO cho biết tính riêng trong năm 2014, máy bay liên minh đã xuất kích 400 lần để ngăn chặn chiến đấu cơ Nga hoạt động gần lãnh thổ các nước thành viên, trong đó không ít lần có sự hiện diện của Tu-95. Hôm 28/1, hai máy bay Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh cũng chặn một số oanh tạc cơ Tu-95 của Nga ở phía nam Bournemouth, trên eo biển Manche. Trong ảnh, ba chiếc Tu-95 hồi đầu tháng 5/2014 bay trên Điện Kremlin ở Moscow. Ảnh: AFP

Vũ Hoàng (tổng hợp)