Thứ bảy, 18/1/2025
Thứ ba, 15/3/2016, 00:00 (GMT+7)

Những sự kiện lịch sử xảy ra vào ngày 15/3 'u ám'

Kể từ sau vụ ám sát lãnh tụ La Mã Julius Caesar, ngày 15/3 đã đánh dấu nhiều sự kiện u ám trong lịch sử, như chiến tranh, thiên tai, bệnh dịch và khủng hoảng kinh tế.

Theo Dictionary, trong quan niệm của phương Tây, ngày Ides của tháng ba (Ides of March) được cho là ngày có nhiều điềm gở. Lịch La Mã cổ đại không đánh số ngày tuần tự như hiện nay, mà họ có ba mốc cố định là Nones (mùng 5 hoặc 7), Ides (ngày 13 hoặc 15), và Kalends (ngày đầu tiên của tháng tiếp theo). Ides thường được dùng để chỉ ngày 15 vào các tháng 3, 5, 7, 10 và ngày 13 vào các tháng còn lại.

Ngày 15/3 năm 44 trước Công nguyên đánh dấu vụ ám sát lãnh tụ Cộng hòa La Mã Julius Caesar, kết quả từ âm mưu của nhiều vị nguyên lão. Một nhà tiên tri đã cảnh báo Caesar rằng sẽ có vận xui vào ngày Ides của tháng ba. Theo nhà tiểu sử học La Mã cổ đại Plutarch, trên đường đến Nhà hát Pompey để tham dự cuộc họp với các vị nguyên lão, Caesar đi qua nhà tiên tri và nói đùa rằng: "Ngày Ides của tháng ba đã đến rồi đấy", hàm ý rằng nhà tiên tri đã đoán sai. Tuy nhiên, nhà tiên tri trả lời rằng: "Vâng thưa ngài Caesar, nhưng vẫn chưa hết ngày đâu ngài". Cuối cùng, Caesar qua đời vì bị đâm tổng cộng 23 nhát. Ảnh: Hulton Fine Art Collection

Vụ ám sát được tái hiện trong vở kịch Julius Caesar của nhà văn, nhà viết kịch Anh William Shakespeare, trong đó Caesar được nhà tiên tri cảnh báo "hãy coi chừng ngày Ides của tháng ba". Câu nói này hiện thường được truyền thông phương Tây sử dụng. Ảnh: juliuscaesartheplay

Theo tạp chí Smithsonian, trong Chiến tranh Trăm năm (1337 -1453) giữa Anh và Pháp nhằm tranh giành lãnh thổ và ngôi vua Pháp, quân Pháp ngày 15/3/1360 đã tiến hành những vụ cướp bóc, hãm hiếp và giết người kéo dài 48 giờ ở miền nam nước Anh. Vua Anh vào thời điểm đó là Edward III đã bỏ dở đợt tấn công, cướp bóc của mình ở Pháp để trả thù, khi nhận ra rằng "người Pháp có thể hành động hung hãn ở vương quốc của ông, giống như việc quân Anh làm ở Pháp", theo nhà sử học từng đoạt giải Pulitzer Barbara Tuchman. Ảnh minh hoa: Wiki

Ngày 15/3/1889, một cơn bão đi qua Apia, Nhà nước Độc lập Samoa, đã đánh chìm 6 tàu chiến, trong đó có ba tàu Mỹ và ba tàu Đức, làm 200 thủy thủ chết, đồng thời ảnh hưởng nặng nề đến giao thông vận tải ở đây. Ảnh: US Navy

Cũng vào ngày 15/3, năm 1939, trong Thế chiến II, chỉ 6 tháng sau khi các lãnh đạo Tiệp Khắc nhượng lại Sudetenland cho phát xít, quân đội Đức quốc xã tiến quân vào Tiệp Khắc, chiếm các tỉnh Bohemia và Moravia, về mặt lý thuyết xóa Tiệp Khắc ra khỏi bản đồ thế giới vì nước này bị bắt buộc giải tán và sáp nhập một phần vào nước Đức phát xít. Trên thực tế, chính phủ Séc lưu vong có tồn tại trong giai đoạn này trong khi Slovakia độc lập khỏi Séc. Ngày 1/1/1993, Tiệp Khắc phân chia trong hòa bình thành Cộng hòa Séc và Slovakia. Cộng hòa Séc kế thừa Tiệp Khắc về mặt pháp lý. Ảnh: holocaustonline.org

 

Ngày 15/3/1941, một trận bão tuyết bất ngờ quét qua phía bắc Great Plains (Vùng đồng bằng Lớn hay Đại bình nguyên), làm ít nhất 60 người chết ở North Dakota, Minnesota, và 6 người thiệt mạng ở Manitoba và Saskatchewan. Ảnh minh họa: islands.net

Ngày 15/3/1988, NASA công bố báo cáo nói rằng tầng ozone ở bán cầu Bắc bị suy giảm nhanh hơn ba lần so với dự đoán. Báo cáo cũng cho biết khí CFC là nguyên nhân gây ra lỗ thủng ozone ở Nam Cực. Ảnh minh họa: Lifegate

Ngày 15/3/2003, Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra cảnh báo toàn cầu về một bệnh hô hấp bí ẩn được ghi nhận ở Trung Quốc, Singapore, Canada và Việt Nam. Bệnh này sau được gọi là Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS). Ảnh: AFP

Từ ngày 10-16/3/2008, Bear Stearns, ngân hàng danh tiếng 85 tuổi đời trên phố Wall, trải qua những ngày đen tối khi nhà đầu tư, người cho vay, và khách hàng đều cố rút ra khỏi doanh nghiệp, khiến Bear Stearns trên bờ vực phá sản. Tập đoàn tài chính JP Morgan Chase sau đó mua lại ngân hàng này. Theo WSJ, Bear Stearns là nạn nhân lớn đầu tiên của cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Ảnh: Zuma Press

Một điều trùng hợp là năm nay, ngày 15/3 là ngày 6 bang và một vùng lãnh thổ ở Mỹ đồng loạt tiến hành bầu cử sơ bộ. Đặc biệt, tại bang Florida và Ohio, đảng Cộng hòa sẽ áp dụng quy định "thắng ăn cả", tức ứng viên nào có tỷ lệ phiếu bầu cao nhất sẽ giành toàn bộ số đại biểu tại bang đó, thay vì phân chia theo tỷ lệ với các đối thủ như những bang khác. Vì vậy, Newsweek đánh giá rằng ngày này sẽ có ý nghĩa quan trọng đến việc quyết định ứng viên đại diện cho đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Ảnh: Reuters

 

 

Phương Vũ