Thứ năm, 18/4/2024
Thứ bảy, 6/6/2015, 06:09 (GMT+7)

'Mắt ưng' - siêu cơ trinh sát biển đảo của Nhật

Máy bay trinh sát và cảnh báo sớm trên không E-2D Mắt ưng, sắp gia nhập hải quân Nhật Bản, được dự báo sẽ góp phần thay đổi cách các đơn vị vũ trang tác chiến, nhờ tính năng đa nhiệm và tầm xa.

Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (DSCA) hôm 1/6 thông báo Bộ Quốc phòng nước này đã phê duyệt bản hợp đồng trị giá khoảng 1,7 tỷ USD bán cho Nhật Bản 4 máy bay chiến thuật trinh sát và cảnh báo sớm trên không (AEW&C) cùng một số thiết bị hỗ trợ quân sự khác.

4 phi cơ trong hợp đồng đều là loại máy bay hai cánh quạt tua-bin E-2D Mắt ưng cải tiến (AHE) do tập đoàn hàng không vũ trụ Northrop Grumman chế tạo. Chúng trang bị những công nghệ hiện đại nhất, có thể phát hiện các mối đe dọa sớm từ trên không, vượt xa khả năng của của tàu trinh sát, và được thiết kế đặc biệt để nâng cao năng lực phòng vệ của các nhóm chiến đấu mặt đất và mặt biển. Ảnh: Defence Talk

Phi hành đoàn tiêu chuẩn của một chiếc E-2D AHE gồm hai phi công và ba sĩ quan hải quân. Máy bay có khả năng đảm nhận vai trò của trung tâm chỉ huy tấn công và ra hiệu lệnh, đồng thời tham gia nhiều nhiệm vụ như theo dõi mục tiêu, hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn hay kiểm soát không lưu.

Northrop Grumman đánh giá E-2D AHE là một "khí tài quân sự chiến lược, thay đổi cách thức hải quân Mỹ phối hợp tác chiến. Bằng cách hoạt động như một 'tiền vệ kỹ thuật số', E-2D AHE sẽ xuất phát trước trong các chiến dịch tấn công để thăm dò, giữ cho các đơn vị chiến đấu, đặc biệt là tàu sân bay, tránh khỏi nguy hiểm. Mắt ưng cải tiến E-2D là chìa khóa để hoàn thành mọi nhiệm vụ khó khăn nhất".

Lực lượng Phòng không Nhật Bản đang sử dụng 13 phi cơ E-2C Mắt ưng, phiên bản cũ của E-2D AHE, để thực hiện các nhiệm vụ cảnh báo sớm trên không.

Năm chiếc E-2D AHE đầu tiên của Mỹ hiện phục vụ trong đơn vị Carrier Air Wing One trên tàu sân bay Theodore Roosevelt (CVN-71). Trong ảnh, một phi cơ E-2D AHE đang cất cánh từ tàu sân bay Mỹ. Ảnh: Worldwide-Military

E-2D AHE dài 7,6 m, cao 5,58 m, sải cánh 24,56 m, trọng lượng cất cánh tối đa hơn 26 tấn, vận tốc cực đại 648 km/h. Máy bay có buồng lái kính. Trong buồng lái được bổ sung ba màn hình màu đa năng cung cấp thông số bay và hình ảnh mô phỏng chiến thuật trên không.

Bên cạnh đó, việc băng thông đường truyền được nâng cấp còn tạo điều kiện để nhân viên mặt đất hoặc tàu sân bay tham gia làm việc như một thành viên tổ lái với tư cách nhân viên điều khiển "ảo". Chức năng này giúp phát huy tối đa hiệu suất của máy bay. Ảnh: Flight Story

E-2D AHE áp dụng mô hình dò tìm tích hợp. Phi cơ có thể vừa quét 360 độ vừa quan sát tập trung các mục tiêu trọng điểm. Radar quét điện tử của E-2D AHE còn có khả năng phối hợp hoạt động với radar chiến đấu cơ và radar tàu khu trục.

Phạm vi phát hiện tên lửa rộng là đặc điểm có ý nghĩa chiến lược đối với E-2D AHE. Khi hỏa lực địch chuẩn bị tiếp cận tàu cùng phe, nhờ thông tin cảnh báo sớm từ  E-2D AHE mà máy bay chiến đấu có thể tiêu diệt mục tiêu trước lúc chúng kịp gây thiệt hại. Ảnh: Rg.ru

E-2D AHE dùng radar APY-9 trang bị lồng ăng ten Type ADS-18. Radar này được cho là có khả năng phát hiện máy bay tàng hình kích cỡ chiến đấu cơ hay máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 như Thành Đô J-20, Thẩm Dương  J-31 của Trung Quốc. Cự ly dò tìm của radar đối với các mục tiêu trên không đạt trên 550 km. Ngoài ra, mọi mục tiêu mặt đất có tốc độ dưới 50 km/h đều không thể thoát khỏi tầm theo dõi của E-2D AHE. Ảnh: Steel Jaw Scribe

Theo mẫu thiết kế ban đầu, E-2D có thể dẫn đường cho một số loại tên lửa từ tàu chiến tới các mục tiêu vượt ra ngoài phạm vi tính toán của bệ phóng. Trong ảnh, các máy bay E-2D đang được hoàn thiện tại xưởng. Ảnh: Steel Jaw Scribe

Cách bố trí và cấu trúc cơ bản của một phi cơ E-2D AHE. Ảnh: Defense Industry Daily

Bên trong khoang lái E-2D AHE. Ảnh: Defense Industry Daily

Theo kế hoạch, 4 chiếc E-2D AHE mới của Nhật Bản sẽ được biên chế vào năm 2019, thay thế những phi cơ E-2C đã cũ. Hồi tháng 5, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng vừa thông qua một bản hợp đồng khác trị giá ba tỷ USD bán 17 máy bay vận tải quân sự V-22 Osprey cùng các thiết bị liên quan cho Tokyo.

"Đề xuất bán máy bay E-2D AHE cho Nhật Bản sẽ góp phần cải thiện khả năng phòng thủ của nước này. Nhật Bản sẽ có thể sử dụng E-2D AHE cho các nhiệm vụ trinh sát, cảnh báo sớm trên không nhằm nâng cao nhận thức tình huống về các hoạt động không quân và hải quân ở Thái Bình Dương đồng thời tăng cường sức mạnh đội bay E-2C hiện tại. Nhật Bản sẽ không gặp bất kỳ khó khăn nào trong việc triển khai các máy bay mới trong lực lượng vũ trang của mình", thông cáo báo chí của DSCA cho biết.

DSCA còn nhấn mạnh rằng thương vụ này còn vì lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ bởi Nhật Bản "là một trong những quốc gia có vai trò kinh tế, chính trị chủ đạo ở Đông Á và Tây Thái Bình Dương đồng thời là đối tác quan trong của Mỹ trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực".

Các máy bay E-2D AHE mới nhiều khả năng sẽ đóng trên đảo Okinawa. Từ đây, chúng sẽ làm nhiệm vụ giám sát đảo Ryukyu và biển Hoa Đông.

Trong ảnh, một chiếc E-2D AHE của hải quân Mỹ đang đáp xuống tàu sân bay. Ảnh: US Navy

Vũ Hoàng (tổng hợp)