Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ bảy, 1/10/2016, 11:31 (GMT+7)

Guồng máy ăn khớp từng chi tiết trên boong tàu sân bay Mỹ

Hoạt động trên boong các tàu sân bay Mỹ tưởng chừng như rối loạn nhưng thực tế được phối hợp ăn khớp tới từng chi tiết để đảm bảo mọi thứ được vận hành trơn tru.

Hạm đội tàu sân bay lâu nay vẫn được đánh giá là trái tim của hải quân Mỹ, đóng vai trò như một lãnh địa nổi, cho phép Washington triển khai sức mạnh quân sự đến bất kỳ đâu trên thế giới.

Trong thời gian hoạt động, boong tàu sân bay là nơi cực kỳ nguy hiểm với rất nhiều chiến đấu cơ, trực thăng liên tục cất và hạ cánh trên đường băng ngắn. Tuy nhiên, các phi công và thủy thủ trên tàu đã giảm tối đa rủi ro bằng cách dung hòa hỗn loạn thông qua sự phối hợp chặt chẽ, chính xác tới từng chi tiết, theo Business Insider.

Trong ảnh, các máy bay Mỹ đỗ ngay ngắn trên boong tàu sân bay USS Carl Vinson.

Một tiêm kích F/A-18F Super Hornet chuẩn bị hạ cánh trên boong tàu sân bay lớp Nimitz USS John C. Stennis.

F/A-18 Super Hornet dài hơn 18 m, sải cánh gần 13,7 m, có tốc độ tối đa hơn Mach 1,8 (2.200 km/h), trang bị những thiết bị tác chiến điện tử tối tân nhất mà hải quân Mỹ hiện có.

Các thủy thủ thuộc tàu sân bay USS Ronald Reagan dọn dẹp các chướng ngại vật sau một cuộc tập huấn trên boong.

USS Ronald Reagan (CVN 76) hạ thủy vào tháng 7/2003, là một trong 10 tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz của hải quân Mỹ. Được ví như một pháo đài trên biển, USS Ronald Reagan luôn trong tư thế sẵn sàng tác chiến với dàn máy bay chiến đấu và tàu hộ tống hiện đại nhất.

Mỗi khi thực hiện nhiệm vụ, USS Ronald Reagan mang theo khoảng 60 chiến đấu cơ các loại, trong đó tiêm kích hạm F/A-18 Hornet, với khả năng tác chiến cơ động và linh hoạt, chính là linh hồn của cả đội bay. Phiên bản mới nhất của dòng máy bay này có giá tới 54 triệu USD.

Dàn phi cơ đỗ trên boong tàu sân bay USS Ronald Reagan.

Đô đốc chỉ huy hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson phát biểu trước tất cả các thủy thủ thuộc biên chế tàu.

Một thủy thủ xác nhận lại trọng lượng của phản lực chuẩn bị cất cánh trên tàu sân bay lớp Nimitz USS John C. Stennis.

Thủy thủ tàu sân bay USS Ronald Reagan ra tín hiệu điều hướng cho một máy bay vận tải C-2A Greyhound.

Dù được coi như một trong những tàu sân bay chiến đấu di động khổng lồ nhất thế giới nhưng do có kích cỡ lớn, USS Ronald Reagan cũng có nguy cơ trở thành mục tiêu cho các tên lửa diệt hạm đối phương. Chính vì thế, tàu không thể độc lập tác chiến mà phải có một biên đội hộ tống gồm ít nhất 8 tàu chiến đi cùng.

Một nhân viên điều hướng chỉ dẫn cho phi công lái tiêm kích F/A-18C Hornet vào đúng vị trí máy phóng trên boong tàu sân bay USS Harry S. Truman.

Tàu Harry S. Truman tham gia nhiệm vụ không kích chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria. Tính đến cuối tháng 6, những chiến đấu cơ xuất kích từ hàng không mẫu hạm này đã thực hiện hơn 2.000 cuộc oanh kích, nhắm mục tiêu vào các cứ điểm quan trọng của IS.

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tiến hành bổ sung quân nhu.

USS Theodore Roosevelt có khả năng mang theo 90 phi cơ các loại và hơn 5.000 binh sĩ. Tàu trị giá khoảng 4,5 tỷ USD, được đưa vào sử dụng từ ngày 25/10/1986. Nó cũng đóng vai trò như một căn cứ để Mỹ triển khai các hoạt động tấn công IS ở Iraq và Syria.

Máy bay phản lực Harrier chuẩn bị cất cánh từ tàu sân bay USS Makin Island.

Nhân viên trên tàu sân bay USS Essex xác nhận hạ cánh cho một trực thăng.

Trực thăng MH-60S chuẩn bị đáp xuống boong tàu sân bay USS Essex.

Vũ Hoàng (ảnh: US Navy)