Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ bảy, 3/10/2015, 18:36 (GMT+7)

Máy bay không người lái do Việt Nam phát triển

Khoa học hàng không Việt Nam gây ấn tượng tại Techmart 2015 với hai sản phẩm máy bay không người lái tự nghiên cứu phát triển và nhận chuyển giao công nghệ.

Pelican VB-01 của Viện Vật lý ứng dụng và Thiết bị khoa học là máy bay không người lái đáng chú ý nhất tại Hội chợ công nghệ và thiết bị quốc tế Việt Nam 2015 (Techmart 2015). Máy bay phục vụ việc quan sát thực địa từ trên không với sải cánh 2.412 mm, dài 1.660 mm, trọng lượng không tải 5 kg và tải thêm được 10 kg.

Hình dáng của Pelican VB-01 khá hiện đại, phần thân vỏ và cánh được làm từ vật liệu sợi Hybric Carbon - Kevlar. Được thiết kế tại Belarus và sản xuất tại Việt Nam, đây là sản phẩm chuyên nghiệp đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe trong lĩnh vực hàng không, tương đương với các sản phẩm máy bay quan sát của nước ngoài. Động cơ máy bay chạy điện, có thể hoạt động liên tục trong khoảng 45 - 90 phút.

"Mắt" quan sát của Pelican VB-01 nằm ở khối tròn phía đầu máy bay bên trong có một camera chất lượng quang học cao. Ngoài ra trên máy bay còn có hệ thống ảnh nhiệt hồng ngoại và máy ảnh phổ.

Trên lưng máy bay có khoang chứa dù. Đây cũng chính là phương thức hạ cánh của Pelican VB-01: dừng bay ở điểm đã định rồi bung dù cho rơi tự do.

Hệ thống điều khiển của của Pelican VB-01. Cần tới 3 người điều khiển từ trạm mặt đất để kiểm soát máy bay ở tầm xa có thể lên tới 20 km.

Pelican VB-01 còn có tùy chọn phần mềm thử nghiệm và huấn luyện bay. Máy bay cũng có thể bay tự động hoàn toàn nếu thiết lập trước lộ trình. Tốc độ bay hiểu quả là 75 km/h ở cao độ 200 - 500 m.

Sản phẩm máy bay không người lái đáng chú ý thứ hai tại Techmart 2015 là chiếc Drone của bộ môn Kỹ thuật Hàng không và Vũ trụ (Đại học Bách khoa Hà Nội). Đây là dạng máy bay lên thẳng nhiều cánh quạt tương tự như các loại flycam trên thị trường.

Drone có bốn cụm động cơ, mỗi cụm có hai động cơ vận hành hai cánh quạt để nâng và di chuyển tải trọng có thể lên tới 12 kg.

Hai cánh quạt ở một cụm động cơ quay ngược chiều nhau giúp cân bằng phản lực tác động lên toàn bộ hệ thống. Trần bay của Drone là 500 m, thời gian bay 15 - 20 phút cho mỗi lần sạc đầy pin.

Dưới bụng Drone là nơi đặt camera. Hình ảnh được truyền trực tiếp về thiết bị xem dưới mặt đất, hoặc có thể lưu vào thẻ nhớ.

Bên trong bụng Drone chứa các chi tiết cơ bản tương tự như các thiết bị flycam: chip điều khiển động cơ, bộ phận thu phát sóng, chip định vị GPS cùng pin. Điểm đặc biệt của Drone là khả năng tự cứu hộ bằng dù khi xảy ra sự cố như mất kết nối mặt đất hay va đập.

Quý Đoàn