Thứ bảy, 18/1/2025
Thứ hai, 23/1/2017, 11:25 (GMT+7)

Trưng bày hơn 200 kỷ vật về Tổng bí thư Trường Chinh

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Tổng bí thư Trường Chinh (1907-2017), Văn phòng Trung ương Đảng và Bộ Văn hóa tổ chức triển lãm "Tổng bí thư Trường Chinh - Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Hơn 200 bức ảnh, tài liệu, hiện vật giới thiệu về cuộc đời hoạt động của Tổng bí thư Trường Chinh được sắp xếp theo chủ đề, thời gian... thu hút khách tham quan.

Triển lãm mở cửa đến tháng 3/2017 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Ngọc Hà, Ba Đình).

Ngôi nhà của gia đình Tổng bí thư Trường Chinh ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường, Nam Định).

Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh trong gia đình trí thức yêu nước. Ông nội là cụ Đặng Xuân Bảng, một tiến sĩ học rộng tài cao, nổi tiếng thanh liêm, làm Tuần phủ Hải Dương rồi Đốc học Nam Định. Cha ông là Đặng Xuân Viện, một nhà nho uyên bác. Thuở thiếu thời, cậu bé Khu được đọc nhiều sách Đông Tây kim cổ, thừa hưởng tư tưởng tiến bộ, yêu nước của cha ông.

Trường Chinh (thứ hai, từ trái sang) thời niên thiếu cùng các bạn Nguyễn Phúc, Nguyễn Đức Cảnh, Đặng Tiệm Quỳ (đứng sau) khi còn học ở trường Thành Chung Nam Định (nay là THPT chuyên Lê Hồng Phong) khóa 1923-1926.

Năm 1925, cậu học sinh 18 tuổi tham gia cuộc bãi khóa của toàn trường, đòi trả tự do cho nhà yêu nước Phan Bội Châu. Một năm sau, ông cùng với Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Lương Bằng lãnh đạo phong trào thanh niên, học sinh truy điệu và để tang cụ Phan Châu Trinh. Bị đuổi học, ông chuyển lên Hà Nội rồi học tiếp ở trường Cao đẳng Thương mại thuộc Đông Dương Đại học đến cuối năm 1929.

Trưởng thành khi phong trào giải phóng dân tộc đang lên cao, Trường Chinh sớm gia nhập các tổ chức yêu nước như Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên; vào Ban tuyên truyền của Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 11/1930, ông bị Pháp bắt giam ở Hỏa Lò (Hà Nội), kết án 12 năm tù rồi đày đi Sơn La. Tháng 10/1936, ông được trả tự do, tiếp tục dấn thân vào phong trào cách mạng sôi nổi.

Ảnh Trường Chinh lưu trong hồ sơ của mật thám Pháp.

Tháng 5/1941, tại Hội nghị Trung ương lần 8 diễn ra tại Pác Pó, Cao Bằng, Trường Chinh được bầu làm Tổng bí thư. Tại lán Khuổi Nậm, lần đầu tiên ông được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Sau này, Trường Chinh trở thành cộng sự, người học trò gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Đầu Xuân Đinh Hợi (1947), Trường Chinh đã viết một loạt bài dưới tiêu đề "Kháng chiến nhất định thắng lợi" đăng nhiều kỳ trên báo Sự thật từ ngày 4/3/1947 đến 1/8/1947, giải thích rõ chủ trương trường kỳ kháng chiến của dân tộc ta, thấy rõ tại sao dân tộc Việt Nam sẽ thắng và thắng bằng cách nào? 

Tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi của Tổng bí thư Trường Chinh phát triển có hệ thống lý luận về chiến lược kháng chiến toàn dân, toàn diện, về ba giai đoạn của cuộc kháng chiến trường kỳ và một số vấn đề về chiến thuật chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược.

Từ 7-15/7/1960, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa II diễn ra tại Hà Nội, Trường Chinh (thứ nhất, từ trái sang) được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội và giữ chức vụ này thời kỳ 1960-1975.

Ông lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị đất nước, như hai lần trở thành Tổng bí thư giai đoạn 1941-1956 và thời kỳ 1986; Chủ tịch Quốc hội các khóa V, VI; Chủ tịch Hội đồng Nhà nước thời kỳ 1981-1987.

Với bút danh Sóng Hồng, Tổng bí thư Trường Chinh là một nhà thơ cách mạng với những bài thơ thể hiện sức chiến đấu cao và lòng nhân ái sâu sắc. Tuyên ngôn của ông được thể hiện qua hai câu thơ: "Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ. Mỗi vần thơ: bom đạn phá cường quyền!".

Sau ngày thống nhất, đại diện hai miền Nam – Bắc tổ chức Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất đất nước tại Sài Gòn từ ngày 15-21/11/1975. Trong ảnh, trưởng đoàn đại biểu miền Bắc Trường Chinh và trưởng đoàn đại biểu miền Nam Phạm Hùng tại lễ ký kết văn kiện chính thức. Từ đây, "Bắc Nam sum họp một nhà", cả nước bước vào thời kỳ xây dựng XHCN, khắc phục hậu quả chiến tranh.

Trước khủng hoảng kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 1979-1986, Tổng bí thư Trường Chinh đã thâm nhập thực tế, tổng kết kinh nghiệm, tập hợp sáng kiến của nhân dân tìm tòi lý luận và đề nghị với Đảng khởi xướng công cuộc Đổi mới. 

Ngày 14/7/1986, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp phiên đặc biệt, bầu ông Trường Chinh làm Tổng bí thư. Lúc này chỉ còn 5 tháng nữa là đến Đại hội VI, trong quỹ thời gian eo hẹp, Tổng bí thư Trường Chinh đã tổ chức làm việc chặt chẽ, bảo đảm mở Đại hội đúng lộ trình. Đặc biệt, lúc này báo cáo chính trị đã sẵn sàng để trình Đại hội VI, nhưng khi xem xét thấy dự thảo còn xa mới thể hiện và nắm bắt được nội dung các quan điểm đổi mới, nhất là đổi mới tư duy kinh tế, ông đã cho viết lại báo cáo chính trị.

Trường Chinh được nhiều nhà nghiên cứu nhận định là người nắm giữ chìa khóa của công cuộc Đổi mới đất nước cách đây hơn 30 năm.

Mùa đông năm 1986, từ diễn đàn Đại hội VI, Tổng bí thư Trường Chinh ra lời hiệu triệu "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật".

Sau Đại hội, Trường Chinh rời cương vị Tổng bí thư, trở thành cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng và giữ vai trò này cho đến khi qua đời năm 1988.

Ảnh ông chụp cùng đại gia đình trong một dịp sinh nhật. Nhiều năm giữ cương vị lãnh đạo đất nước, bận công tác, Tổng bí thư Trường Chinh ít có dịp về thăm quê. Trong một lần về thăm làng Hành Thiện, ông viết: "Tôi không năng về quê vì bận lo việc chung của cả nước. Tuy vậy, lòng tôi luôn bên cạnh bà con và dõi theo từng bước tiến của quê hương".

Thái Mạc chụp lại