Thứ bảy, 4/5/2024
Thứ bảy, 25/4/2015, 11:23 (GMT+7)

Trưng bày hơn 150 sách đồng và mộc bản triều Nguyễn

Các hiện vật mang đặc trưng tiêu biểu của nghề chạm khắc, đúc đồng, gốm sứ được phát hiện ở nhiều vùng miền từ Thừa Thiên - Huế và các tỉnh Nam Trung Bộ với niên đại hàng trăm năm.

Sáng 24/4, trong khuôn khổ các hoạt động hướng đến Festival làng nghề truyền thống Huế 2015, Bảo tàng lịch sử và cách mạng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã khai mạc không gian triển lãm chủ đề "Sách đồng và mộc bản thời Nguyễn". Hơn 150 hiện vật ở nhiều vùng miền từ Thừa Thiên - Huế và các tỉnh Nam Trung Bộ với niên đại hàng trăm năm được trưng bày.

Trong triển lãm, bộ gốm sứ gồm 69 hiện vật quý thuộc dòng gốm sứ Chu Đậu (niên đại vào khoảng thế kỷ 13-14) đã được nhà sưu tầm cổ vật Lâm Dũ Xênh (quê Quảng Ngãi) hiến tặng cho Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh Thừa Thiên - Huế nhằm bổ sung vào danh sách cổ vật hiện được bảo tàng này lưu giữ.

Nồi đồng, bát đồng được ông Lâm Dũ Xênh mất nhiều năm sưu tầm cũng được mang ra triển lãm (niên đại của bộ nồi đồng, bát đồng này vào khoảng thế kỷ 17-20). Theo ông Xênh, qua bộ sưu tập người xem có thể hình dung ra được cuộc sống của người dân vào khoảng thời gian này.

Bộ kiếm thời Tây Sơn gồm 9 cây (thế kỷ 18) sau hàng trăm năm lịch sử vẫn còn khá nguyên vẹn.

Cùng với kiếm, 27 cuốn sách đồng đủ kích thước được xem là bộ sưu tâp trọn bộ, ấn tượng và độc đáo nhất cũng được trưng bày tại Huế. Theo nhiều nhà nghiên cứu, nếu "kim thư" - sách bằng vàng thường dành cho vua chúa thì ngược lại "đồng thư" là loại bình dân hơn, phổ biến là loại sách tín ngưỡng trong dân gian được sử dụng trong các phủ quan, đình chùa miếu mạo.

Theo ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Thừa Thiên – Huế, 27 cuốn sách đồng này được xem là trọn bộ nhất. "Nội dung được khắc trên bản đồng có liên quan đến nghệ thuật thờ cúng, các bài cúng dâng sao trong dân gian của thời Nguyễn, được lưu truyền và phổ biến ở các tỉnh Nam Trung bộ. Tất cả quyển sách đồng này đóng góp khá lớn trong việc nghiên cứu đặc trưng văn hóa dân gian", ông Hùng nhận định.

Cùng với sách đồng, 54 hiện vật mộc bản triều Nguyễn có niên đại đầu thế kỷ 20 cho đến 1945 cũng được Bảo tàng giới thiệu đến công chúng. Các mộc bản này được phát hiện ở nội điện của một ngôi chùa trong thôn Hạ 1, xã Thủy Xuân (Thừa Thiên – Huế).

Theo ông Hùng, số mộc bản này là bản sách gốc được khắc chạm một cách tỉ mỉ qua bàn tay của các nghệ nhân cách đây cả thế kỷ, và dùng để in trên sách, lụa. Trên mộc bản thể hiện đời sống tâm linh của con người từ lúc sống cho đến khi chết thông qua các bài cúng tế dân gian với lối khắc ngược tinh xảo.

Sách đồng ngoài ký tự được chạm nổi còn có những hình vẽ mang tính biểu trưng cho văn hóa, tín ngưỡng dân gian. Một điều khá đặc biệt làm cho nhiều nhà nghiên cứu bất ngờ là trên cả bản khắc gỗ triều Nguyễn và sách đồng do ông Lâm Dũ Xênh sưu tầm được lại có một số nội dung tương đồng, nói về tín ngưỡng thờ cúng dân gian xưa của người Việt.

Đắc Đức