Thứ năm, 12/12/2024
Thứ sáu, 6/5/2016, 00:00 (GMT+7)

Trăm biệt thự vùng núi xây xong 'bỏ hoang'

Nhận được tiền tỷ từ dự án thủy điện, hàng trăm hộ dân người đồng bào Ca Dong, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) tới khu tái định cư, bỏ ra hàng trăm triệu đồng xây biệt thự nhưng đóng cửa, chỉ ở nhà sàn.

Người đồng bào Ca Dong sống ở triền núi huyện Sơn Tây, cách TP Quảng Ngãi khoảng 80 km. Năm 2013, thủy điện Đăkđrinh được cấp phép xây dựng, gần 100 hộ dân nhận tiền đền bù để di dời từ lòng hồ thủy điện đến nơi ở mới.

Mỗi hộ được bồi thường trung bình hàng trăm triệu đến vài tỷ đồng, tùy thuộc vào diện tích nương rẫy. Nhận tiền tỷ, người dân đổ xô làm nhà, sắm sửa nội thất đắt tiền.

Già làng Đinh Văn Đèo, ở khu tái định cư xã Sơn Dung cho hay, ông nhận hơn 1 tỷ đồng thì chi một nửa để xây biệt thự, rồi bỏ thêm 200 triệu đồng dựng nhà sàn phía sau. "Mình đứng đầu làng, mỗi lần lễ tế mọi người trong dòng tộc đều tới đây thực hiện nghi thức cúng bái, nên nhà sàn không thể thiếu được", già làng Đèo giải thích.

Còn ông Đinh Văn Đuôn cũng đã bỏ ra 600 triệu đồng để xây biệt thự. Mọi người trong gia đình ông lúc đầu thích thú nhưng chỉ thời gian ngắn tất cả sinh hoạt từ ăn uống, nấu nướng đều tập trung ở căn nhà sàn gỗ phía sau nhà.

"Dù có nhà cao, rộng rãi nhưng chúng tôi cảm thấy không thoải mái vì đã quen nhà sàn từ nhỏ rồi", ông Đuôn chia sẻ.

Ngoài ông Đuôn và già làng Đeo, rất nhiều biệt thự được xây lên khắp vùng núi hẻo lánh ở xã Sơn Dung, mỗi căn trị giá từ 300 - 700 triệu đồng nhưng rồi cũng đóng kín cửa.

Theo anh Đinh Văn Lễ (ngụ xã Sơn Dung), tiền bạc với người dân ở đây vài năm trước không thành vấn đề, nhưng giờ đã cạn kiệt. "Đất rẫy canh tác chẳng còn, nhiều người vốn là tỷ phú nay lặn lội đi làm thuê để mưu sinh, nên trong làng còn lại lưa thưa người già và trẻ nhỏ", anh Lễ nói.

Loay hoay làm bếp, chị Đinh Y Lan cho biết, nhà bố chồng chị được mọi người đánh giá bề thế, nhưng thành viên trong gia đình đã quen với sinh hoạt ở nhà sàn, những tập tục làng quê quê cũ. Còn căn biệt thự đóng cửa suốt ngày, chỉ mở ra dọn dẹp, lau chùi các vật dụng

Ông Đinh Văn Huyết cho biết, người dân ở đây không chỉ xây biệt thự, mọi người còn "chạy đua" mua xe máy, sắm bàn ghế gỗ, nhiều vật dụng trong gia đình đắt tiền.

"Hồi ấy, nhiều người tới đây bán đủ thứ, dân làng ai gạ gì cũng mua bất chấp giá cả. Bây giờ thì cạn kiệt rồi, tiền dành dụm lấy ra tiêu sạch, đói nghèo đến nơi", ông Huyết trăn trở.

Thậm chí còn mua ôtô nhưng nhưng chả mấy khi chạy, bởi "không có tiền đổ xăng". 

Nhìn căn nhà hàng xóm bỏ hoang anh Đinh Văn Sơn, Bí thư chi bộ thôn Mang Hing, xã Sơn Long rầu rĩ cho biết, dân làng nhận tiền xong chẳng thèm đi rẫy, dù còn đất nhưng không canh tác mà thuê người dưới miền xuôi lên làm. Thấy hộ nào làm nhà hoành tráng, các hộ khác cũng phải làm to hơn hoặc bằng, dù nghèo đói, túng thiếu cũng cố chạy vạy để xây. 

"Nhiều gia đình ở khu tại định cư được thời gian đã chán nản vì hết tiền, đóng cửa nhàrồi dìu dắt gia đình trở lại làng cũ dựng chòi mưu sinh. Trước khi đi, họ tháo nhà sàn làm bằng gỗ mang theo", anh Sơn cho biết.

Cách nhà anh Sơn chừng 50 m, bà Đinh Thị Ga địu cháu trai thẫn thờ bên cửa sổ, dõi về làng cũ, nơi gia đình bà sinh sống nhiều năm. Bà cho biết, từ khi về "làng biệt thự" thì chồng ốm triền miên, tiền đền bù được vài trăm triệu thì xây nhà hết, thân bà phải chạy vạy lo cho cuộc sống.

"Nơi ở cũ cái gì cũng có, vườn rộng để trồng rau rồi bắt cá dưới lòng hồ, không sợ đói. Đất vườn giờ không có để làm cái gì cũng phải mua mà giá rất đắt nên khổ lắm, chỉ mong được về làng", bà Ga buồn bã.
 

Nằm ở cuối xã, anh Đinh Văn Lác cho biết, do đất rẫy ít nên chỉ được đền bù vài trăm triệu. Thấy xung quanh xây nhà, vợ chồng anh cũng "đua theo", tiêu tiền phung phí. Ba năm sau, gia đình anh rơi vào túng thiếu, phải bán mọi thứ đi nhưng vẫn không đủ trang trải. Còn người vợ ốm đau triền miên không có tiền đi viện, còn con cái không được học hành.

Cậu bé Ca Dong suốt ngày lang thang mọi ngõ ngách trong xã, vì cha mẹ đều rời làng từ sáng sớm. Khi đói, em tìm tới các hồ nước, bắt được con cá, con tôm đưa về nướng ăn "cầm hơi" chờ cha mẹ về.

Ông Đinh Văn Ven, Phó chủ tịch UBDN huyện Sơn Tây cho biết, khi xây dựng những ngôi nhà khang trang ở các khu tái định cư, chính quyền địa phương mong muốn các gia đình nằm trong diện di dời có cuộc sống tốt hơn, song trên thực tế lại trái ngược, đồng bào dân tộc Ca Dong vẫn quen sống với tập tục ở nhà sàn. 

Ngoài ra, Phó chủ tịch huyện nhìn nhận, người dân sống ở khu tái định cư được thời gian, tiền nhận được từ dự án đã dùng phung phí nên hết sạch rồi phải đi làm thuê. "Nhiều hộ gia đình rơi vào túng quẫn, đói nghèo đã đóng cửa nhà, tìm vào rừng sâu làm rẫy hoặc về lại làng cũ gần khu hồ thủy điện sinh sống", ông Ven cho biết.

Theo ông Ven, chính quyền địa phương các xã và cán bộ huyện liên tục tới các khu tái định cư, nơi người đồng bào Ca Dong đang sinh sống trò chuyện, tìm hiểu khó khăn người dân đang gặp phải để giúp họ ở lại làng làm ăn sinh sống.

Xuân Ngọc