Chủ nhật, 22/12/2024
Thứ ba, 7/10/2014, 17:09 (GMT+7)

Thời khắc chuyển giao quyền lực ở Hà Nội 1954

Cuộc trưng bày nhỏ bên trong đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc, Hà Nội) cung cấp những tư liệu quý về thời khắc chuyển giao quyền lực ở Hà Nội năm 1954.

Triển lãm trưng bày tư liệu hình ảnh về Hà Nội năm 1954 diễn ra tại đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc) từ 4 đến 31/10. Là một hoạt động nhỏ trong hàng loạt sự kiện diễn ra dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng thủ đô, triển lãm không thu hút nhiều người xem, dù cung cấp nhiều hình ảnh hiếm.

Trung tâm của triển lãm là 48 bức ảnh được treo đơn giản hai bên tường trong chính điện. Bước sang ngày thứ 4 trưng bày, triển lãm vắng vẻ, ngoài những người trông coi đình chỉ có 2-3 vị khách.

Ngoài treo ảnh, Ban tổ chức triển lãm còn thực hiện một số sáng tạo trong cách thể hiện. Gian giữa đình Kim Ngân, hình ảnh bộ đội mang lá cờ "Quyết chiến quyết thắng - Giải thưởng luân lưu của Hồ Chủ tịch" dẫn đầu đoàn quân trong lễ chiến thắng được in lên rèm nhựa.

Theo các hiệp định đã ký tại Hội nghị Phù Lỗ từ ngày 2-5/10/1954, các đội công an, trật tự, hành chính vào Hà Nội trước để chuẩn bị nhận bàn giao các công sở, công trình công cộng, các cơ sở quân sự của Pháp và chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Quân tiếp quản đi qua cổng dinh toàn quyền Đông Dương - nơi sau này là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đến 8/10, lực lượng tiếp quản hoàn thành việc ký kết bàn giao các cơ quan, công sở, công trình lợi ích công cộng ở nội thành với phía Pháp và chuẩn bị nhận bàn giao các vị trí quân sự. Chiều 8/10, thực dân Pháp làm lễ cuốn cờ tại Thành Hà Nội. Đây là điểm chốt cuối cùng của quân Pháp, đóng tại ngã tư Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Bồ, Hàng Bạc, cách căn nhà 18 Hàng Ngang nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập không xa.

Quân Pháp trên đường rút lui qua phố Hàng Đào và đi tiếp lên phía chợ Đồng Xuân rồi ra Hàng Đậu để lên cầu Long Biên, vượt sông Hồng.

Lính Pháp mang theo vũ khí, khí tài lên cầu Long Biên. Sáng 9/10, bộ đội từ đê La Thành chia làm hai mũi tiếp nhận các khu vực quân sự như Quần Ngựa, Bạch Mai, Đồn Thủy, Thành Hà Nội... Quân Pháp rút đến đâu, bộ đội tiến đến đấy theo kiểu "cuốn chiếu". 

Cầu Long Biên chứng kiến thời khắc hiện diện cuối cùng của đoàn quân viễn chinh Pháp tại Hà Nội. Đến 16h ngày 9/10/1954, những người lính Pháp cuối cùng rút sang phía đông cầu Long Biên, quân đội nhân dân Việt Nam hoàn toàn kiểm soát thành phố Hà Nội.

Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và Đại đoàn 308 do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ - Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội 60 ngày khói lửa tiến vào giải phóng thủ đô Hà Nội.  Đoàn xe tiếp quản đi qua ngã năm Hàng Đào trong sự cổ vũ của người dân đứng hai bên đường. 

Bộ đội và các nữ y tá từ chiến khu trở về Hà Nội đang đi qua phố Hàng Gai, rồi rẽ vào Hàng Đào, dẫn thẳng tới chợ Đồng Xuân, nơi từng diễn ra những trận đánh máu lửa giữa người dân Hà Nội, cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô mùa đông năm 1946 với quân Pháp.

Tại Sở xe điện Hà Nội, phóng viên nước ngoài tường thuật trực tiếp diễn biến chuyển giao. 15h cùng ngày, quân dân thủ đô dự lễ mừng chiến thắng tại sân Cột Cờ. Thay mặt Ủy ban quân quản, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm, nhất trí góp sức với Chính phủ thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một thủ đô yên ổn, tươi vui, phồn thịnh".

Quý Đoàn