Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ hai, 8/2/2016, 07:00 (GMT+7)

Tết cơm mới của người Pa Kô

Tết cơm mới của người Pa Kô ở miền tây Quảng Trị là lễ quan trọng nhất trong năm. Đây là dịp tạ ơn thần linh sau một vụ mùa bội thu, tổng kết một năm lao động, học tập.

Sau một năm quần quật trên nương rẫy, tháng 12 hàng năm khi những bông lúa cuối cùng được gặt, phơi khô và tích trữ trong nhà cũng là lúc người Pa Kô tổ chức Tết cơm mới.

Tết cơm mới không theo lịch cố định mà tùy theo mùa vụ các năm. Để ấn định ngày tổ chức, những người đứng đầu các họ tộc trong thôn nhóm họp rồi chọn ngày đẹp nhất để làm lễ. Năm 2015, người dân thôn Cu Tai 1 (xã A Bung, huyện Đăkrông, Quảng Trị) chọn một ngày nắng ấm vào cuối năm dương lịch để làm lễ cơm mới. Tết cơm mới theo tiếng người Pa Kô là Tết Aza, hay còn là lễ tri ân cây lúa, loài cây đại diện các cây nông nghiệp, cung cấp lương thực chính của người vùng cao.

Thôn Cu Tai 1 ngày cúng mừng cơm mới rộn ràng tiếng cười nói. Phía bên ngoài, đàn ông mổ thịt heo bò, phụ nữ làm cơm nếp, cơm lam trong nhà sàn. Trẻ nhỏ diện những bộ đồ đẹp đứng xem người lớn chuẩn bị lễ.

Phong tục từ xưa đến nay, lễ mừng cơm mới chỉ tổ chức trong buổi sáng khi khí trời được xem là thịnh vượng nhất, cúng thần lúa, thần đất, thần nước… đã ban cho một năm mùa màng tươi tốt, gia súc khỏe mạnh, con người sống hài hòa với nhau và với thiên nhiên.

Lễ vật là lúa mới gặt về từ rẫy được nấu thành xôi và cơm lam, cùng với thịt gà, heo, bò, dê, chuột rừng… do người dân chăn nuôi, săn bắt được trong năm. Ngoài ra, còn có một bát nước để cầu cho năm sau mưa thuận gió hòa, đầy đủ nước non cho cây trồng sinh trưởng. Đặc biệt không thể thiếu ché rượu cần được làm từ những hạt lúa ngon nhất từ vụ mùa vừa qua. Trong mâm lễ còn có những hoa tre, tượng trưng cho bông lúa trĩu hạt, những tấm thổ cẩm được dệt bởi phụ nữ tài hoa.

Lễ vật thể hiện sự tôn kính dành cho thần linh, bởi tất cả được lựa chọn từ những hạt lúa chắc nhất, những con gà béo tốt nhất.

Bày biện xong, ông trưởng họ làm chủ lễ, đọc lời xướng tạ trời đất, thần lúa, thần nước. Mọi người trong gia tộc quây quần bên mâm lễ, cùng đọc to những lời ca tụng và cảm ơn thần linh.

Lễ được chia ra làm hai phần, gồm lễ chung cho cả dòng họ được tổ chức trước, sau đó là lễ riêng của từng gia đình. Cũng tại nhà của trưởng họ, mỗi gia đình trong tộc họ dâng một mâm lễ là những sản vật làm được trong năm. Ông trưởng họ đại diện cho các gia đình đọc lời tạ ơn với thần linh. Sau lễ cúng, mỗi gia đình mang mâm lễ về nhà riêng, tổ chức ăn uống và trò chuyện về một năm đã qua.

“Một năm làm được thóc lúa, trâu bò sinh sôi thì cả họ mổ thịt để làm lễ mời thần linh, tổ tiên. Lễ cúng vừa tạ ơn một năm mùa màng thuận lợi, thóc lúa đầy nhà, còn là lễ để xin phát rẫy năm sau”, ông Vỗ Nghinh, một trưởng họ cho biết. Sau lễ cúng, những bông lúa mới được cất giữ trong nhà cho đến mùa vụ năm sau, với hàm ý lúa thóc chảy vào trong nhà, mùa vụ tốt tươi.

“Đây như là lễ tổng kết năm, xem lại việc đồng áng của gia đình trong năm qua để có kế hoạch cho năm mới, đồng thời là dịp gặp mặt, ôn lại truyền thống tốt đẹp và lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của dân tộc nên dù ở đâu, con cháu đều phải về dự”, ông Hồ Văn Viêm, vượt 70 km từ thị trấn Khe Sanh về đây làm lễ cho hay.

Trước kia, người Pa Kô xem Tết cơm mới là lễ quan trọng nhất trong năm, được tổ chức linh đình. Lễ thêm phần ấm cúng khi những người khách ở xa đến được đón tiếp nồng hậu, bà con vui vẻ chia sẻ về truyền thống của buôn làng, những nét riêng đặc sắc trong Tết cơm mới của người Pa Kô. Những năm gần đây, người Pa Kô còn có cái Tết thứ hai, đó là tết Nguyên đán theo phong tục của người Kinh.

Hoàng Táo