Thứ năm, 12/12/2024
Thứ năm, 31/3/2016, 00:48 (GMT+7)

Tây Nguyên 'oằn' mình trong đại hạn lịch sử

Hồ chứa trơ đáy nứt nẻ, giếng đào sâu 40 m không có nước khiến hàng hàng nghìn hecta cà phê, tiêu, lúa... chết cháy và người dân Tây Nguyên vùng "rốn" hạn cũng không còn cả nước sinh hoạt.

Trong cơn hạn hán kéo dài nhiều tháng qua, hàng trăm hồ chứa ở các tỉnh Tây Nguyên chỉ còn khoảng 30-40% so với dung tích thiết kế. Tại Đăk Lăk có 250 hồ cạn nước, con số này ở Đăk Nông, Kon Tum, Gia Lai lần lượt là 17-40-5 hồ.

Trong ảnh là hồ Iamơnông rộng 69 ha trơ đáy ở huyện Chư Păh, Gia Lai. Đây cũng là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của trận hạn hán khắc nghiệt được đánh giá nghiêm trọng nhất hai mươi năm qua.

Không chỉ hồ chứa, tất cả giếng đào sâu 30-40 m cũng không có nước. "Mình đã đào 42 m, tạt ngang 3 m nữa nhưng cứ bơm chừng 10 phút là hết nước. Hiện không thể đào sâu thêm vì tiền công nhiều, lại gặp đá tảng", Anh Hồ Duy Hoàng, chủ 3 hecta cà phê ở huyện Chư Sê cho hay.

Thiếu nước, hàng nghìn ha lúa trên các cánh đồng ở phía tây tỉnh Gia Lai cháy khô, giờ làm nguồn thức ăn cho trâu bò.

"Lúa đương bông nhưng chẳng có giọt nước nào nên cháy vàng, lép xẹp, mình đành để cho bò ăn thôi. Năm nay đói rồi, đồng bào mình chỉ dựa vào đây nên chờ chính quyền cứu trợ thôi", chị Rơ Châm Chút ở huyện Chư Pưh than thở.

Việc thiếu nước tưới khiến hàng trăm nghìn ha cà phê ở Tây Nguyên queo quắc. Bà Nguyễn Thị Nga ở huyện Chư Pưh có 5 sào cà phê nhưng phần lớn đã chết khô do 2 tháng nay do chỉ được tưới một lần.

Hàng loạt gia đình đã nhổ cọc, phá bỏ cây tiêu vì không có nước tưới. "Giờ nước sinh hoạt cho người còn phải tằn tiện lấy đâu ra nước tưới. Tiêu giúp mình làm giàu mấy năm nay giờ phải nhổ bỏ. Lâu lắm rồi làng này mới thấy hạn hán khốc liệt như năm nay", ông Võ Lâm Ba huyện Chư Pưh chia sẻ.

Dọc theo các tuyến đường dẫn vào rẫy tiêu, cà phê, người dân đua nhau đào, khoan giếng mới hoặc đào sâu hơn các giếng cũ để tìm nước. Nhiều chủ vườn cho biết phải vay ngân hàng, mượn tiền bà con ở xa để đào giếng bởi mỗi cái tốn 60-70 triệu đồng.

Nước sinh hoạt cũng trở thành vấn đề nan giải với người dân vùng hạn. Chiều tối hoặc sáng sớm, tại các khe suối, sông cạn, người dân địu giỏ mang bình ra hứng nước về sử dụng. Nguồn nước này dùng để ăn uống, tắm giặt trong gia đình.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp, hiện có hơn 30.000 người ở Tây Nguyên thiếu nước sinh hoạt. Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên dự báo, đợt hạn hán sẽ còn kéo dài và lên đỉnh điểm vào thời gian tới.

Tại xã Hbông, nơi đang hứng chịu hạn hán khốc liệt nhất của tỉnh Gia Lai, hàng nghìn thùng nước được chính quyền địa phương hỗ trợ người dân giải "cơn khát" nước.

Chị Rơ Chăm Hân cho biết mỗi gia đình được hỗ trợ 3 thùng nước 20 lít, 3 can nhựa để chứa nên có thể yên tâm trong 10 ngày tới. "Vườn coi như bỏ rồi, người giờ cũng thiếu nước nữa mà. Giếng thì cạn khô nên nhận được nước hỗ trợ thì quý lắm", Rơ Chăm Hân hớn hở.

Nhận định về tình hình khô hạn tại Tây Nguyên, Thứ trưởng Nông nghiệp &Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho rằng, đây là đợt El Nino kéo dài nhất trong lịch sử quan trắc nước ta. Điều này khiến nhiệt độ tăng cao, lượng mưa ít gây thiếu nước nghiêm trọng, đe dọa đến sản xuất và đời sống của người dân.

"Mùa khô năm nay sẽ hạn gay gắt, khốc liệt nhất trong lịch sử Tây Nguyên", ông Trần Trung Thành - Phó giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Tây Nguyên nói.

Trước đó, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về thị sát hạn hán tại Tây Nguyên nhận định tình hình hết sức nghiêm trọng. Ông chỉ đạo giãn nợ cho người dân, phát 500 tấn gạo mỗi tỉnh để cứu đói đồng thời chi gấp 300 tỷ xây thêm hồ chứa khu vực phía Tây tỉnh Gia Lai.

Duy Trần