Thứ tư, 6/11/2024
Thứ tư, 30/3/2016, 18:19 (GMT+7)

Tàu kéo sà lan vỡ nát sau khi đâm sập cầu Ghềnh

Được trục vớt từ đáy sông sâu 14 m, tàu kéo sà lan đâm sập cầu Ghềnh bị biến dạng, không còn nguyên khối.

Ngày 30/3, tàu kéo sà lan chở 800 tấn cát từ miền Tây lên TP HCM, sau đó đâm sập cầu Ghềnh, được đưa lên mặt nước sau 10 ngày nằm dưới sông Đồng Nai.

Nhóm thợ lặn cho biết tàu bị mố cầu Ghềnh đè lên phần sau lái. Khi kéo lên mặt nước, họ phải bó tàu lại để đưa vào bờ.

Con tàu là một đống hỗn độn.

"Nó nằm dưới đáy sông sâu hơn 14 m. Khu vực này cũng có nước chảy siết nên công tác lặn khảo sát và trục vớt gặp rất nhiều khó khăn", thành viên nhóm thợ lăn nói.

Các cơ quan chức năng sẽ khám nghiệm con tàu để phục vụ cho công tác điều tra vụ án.

Trước đó, Tổng công ty xây dựng Công trình giao thông số 1 đã điều hàng trăm công nhân, kỹ sư tinh nhuệ nhất để thực hiện việc trục vớt các trụ cầu Ghềnh.

Họ dùng thiết bị chuyên dụng cắt các nhịp cầu thành nhiều phần nhỏ rồi cẩu đi.

Mỗi nhịp cầu khi được đưa lên mặt nước luôn được khám nghiệm tỉ mỉ. Dự kiến công tác trục vớt hoàn thành vào ngày 1/4. Hai nhịp cầu còn lại sẽ được giao lại UBND tỉnh Đồng Nai đưa về khu du lịch Bửu Long để lưu niệm.

Trước đó, ngày 20/3, sà lan chở 800 tấn cát do hai tài công người miền Tây chưa có bằng lái điều khiển khi qua vùng nước xoáy đã đâm sập cầu Ghềnh. Tai nạn khiến 2 nhịp cầu đổ xuống sông, nhiều người đi xe máy trên cầu bị kéo tuột xuống mé nước nhưng may mắn thoát nạn.

Cầu sập, tuyết đường sắt Bắc - Nam bị đứt mạch. Từ Hà Nội vào, hành khách phải đến ga Biên Hòa sau đó được trung chuyển về Sài Gòn, dài 29 km. Tuyến giao thông thủy qua khu vực cũng bị phong tỏa.

 

>>Xem videoCần cẩu 500 tấn nâng nhịp cầu Ghềnh ở đáy sông sâu 14 m

Phước Tuấn