Thứ ba, 31/12/2024
Thứ sáu, 6/6/2014, 17:24 (GMT+7)

Tàu đổ bộ của Nhật đưa hải quân nhiều nước đến Đà Nẵng

Sáng nay, tàu đổ bộ JS Kunisaki của lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật Bản chở thủy thủ đoàn của nước này cùng hải quân Mỹ và Australia đã cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), bắt đầu chương trình hợp tác Thái Bình Dương trong vòng 9 ngày.

Tàu đổ bộ JS Kunisaki mang số hiệu LST 4003 của lực lượng tự vệ Hàng hải Nhật Bản cập cảng Tiên Sa lúc 10h sáng 6/6, bắt đầu cho chương trình hợp tác Thái Bình Dương đến hết ngày 15/6, với sự tham gia của khoảng 400 người thuộc các quốc gia Nhật Bản, Mỹ, Australia và Việt Nam.

Hải quân Mỹ có màn biểu diễn âm nhạc ấn tượng tại lễ đón tàu. Trong 9 ngày diễn ra chương trình hợp tác, hải quân Việt Nam, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Australia sẽ tập trung vào các sự kiện và trao đổi chuyên môn trong lĩnh vực y học quân đội và xây dựng; tham quan tàu; biểu diễn âm nhạc; thi đấu thể thao...

Lần đầu đến Đà Nẵng, tàu đổ bộ LST 4003 của Nhật Bản gây ấn tượng bởi lượng giãn nước không tải là 9.000 tấn, đầy tải 14.000 tấn. Tàu dài 178 m, rộng 25,8 m, cao 17 m. Hệ thống radar, cùng nhiều thiết bị hàng hải hiện đại được trang bị trên con tàu này.

Hai bên mạn tàu được bố trí ca nô tốc độ cao. Hai quả cầu lớn phía trên có thể dịch chuyển vị trí để đảm bảo cho tàu cân bằng khi vượt sóng lớn.

 

Tàu được hạ thủy từ cuối năm 2001, với 2 động cơ diezel 2 trục đẩy, vận tốc 22 hải lý/h. Tàu được Nhật Bản tự sản xuất.

Hai bên mạn gần phía mũi tàu là hai khoang chứa phương tiện đổ bộ. Tàu có thể chứa xe tăng, trực thăng...

Phía bên trong làgara với diện tích lớn, nơi sửa chữa cũng như chứa các phương tiện đổ bộ của con tàu.

Bảng hướng dẫn, giới thiệu về các phương tiện đổ bộ trên tàu LST 4003 trong đó có tàu đệm khí. 

Cabin được ví như "linh hồn" của con tàu với nhiều thiết bị hàng hải hiện đại, đảm bảo tàu hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết.

Phía đuôi tàu là hệ thống súng máy tự vệ, hỏa lực, vòi bắn nước cỡ lớn và sân đỗ trực thăng.

Ở phía mũi tàu cũng được trang bị vòi rồng và súng tự vệ tương tự như ở đuôi tàu. Súng máy tự vệ trên tàu đổ bộ này có thể bắn 3.000 phát đạn trong vòng 1 phút để tiêu diệt mục tiêu. 

Tại lễ đón, phía Việt Nam đánh giá cao chuyến thăm lần này, cũng như chương trình hợp tác Thái Bình Dương. Ra đời từ năm 2004, chương trình hợp tác Thái Bình Dương thực hiện hoạt động nhân đạo do quân đội chỉ huy để đối phó với những thảm họa thiên tai tàn khốc. Đến nay, chương trình cung cấp hoạt động chăm sóc y tế cho khoảng 250.000 bệnh nhân, các dịch vụ thú y cho hơn 37 ngàn động vật...

Những người đại diện hải quân Mỹ, Nhật Bản và Australia nhận được nhiều câu hỏi của báo giới, trong đó có cả câu hỏi về tình hình liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, câu trả lời nhận được là mục đích của chương trình tập trung vào các vấn đề y tế.

Nguyễn Đông