Thứ ba, 19/3/2024
Thứ ba, 18/4/2017, 00:02 (GMT+7)

Nước ăn màu đen, ký sinh trùng lổm ngổm ở khu đô thị Hà Nội

Nhiều hộ dân ở khu đô thị mới Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt có màu vàng đen với ký sinh trùng bơi loăng quăng.

Hơn 300 hộ dân Hà Nội dùng nước sạch có giun bơi
 
 

 

Hơn 300 hộ dân hai tòa CT15 và CT16 Khu đô thị Hồng Hà Eco City còn gọi là Khu đô thị mới Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) 8 tháng qua hoang mang vì nước sinh hoạt đầy cặn với giun, bọ gậy bơi loăng quăng. Nguồn nước này do Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Hoàng Mai cung cấp. Việc phân phối tới từng hộ gia đình do ban quản lý tòa nhà thực hiện.

Theo các hộ dân, hiện tượng này bắt đầu từ tháng 8/2016. Nước sinh hoạt xả ra từ vòi bỗng chuyển màu đen vào sáng sớm.

Ban ngày thì nước chuyển màu nâu vàng, nhiều cặn lợn cợn.

Giun và bọ gậy xuất hiện cùng lớp cặn lắng dưới đáy.

"Quả lọc nước ở vị trí số một của gia đình tôi vừa thay được 2 ngày đã chuyển màu đen, không dưới 3 lần nước xả ra màu đen sì như nước cống, hàng ngày nước vàng và nhiều cặn. Đêm ngủ vẫn giật mình nghĩ đến con giun nhỏ đậu trên cánh tay khi tắm hồi chiều, rợn hết cả người", chị Minh (CT16) kể.

"Các gia đình ở đây đều phải lắp máy lọc nước. Tôi thường xuyên phải đến từng gia đình để thay quả lọc, trung bình mỗi hộ chi phí 200 nghìn đồng mỗi tháng cho quả lọc", anh Dánh (nhân viên một công ty bán máy lọc nước) chia sẻ và cho hay số tiền này cao gấp khoảng 4 lần so với các nhà bình thường.

Ông Nguyễn Xuân Đức, Phó giám đốc Công ty CP Tứ Hiệp Hồng Hà Dầu khí, đại diện ban quản lý tòa nhà cho biết: "Rất khó tìm ra nguyên nhân chính xác. Có thể nước kết tủa do thời tiết, nhiệt độ hoặc phao xuống thấp, nước tự động được xả vào khuấy đục nước tầng thấp. Một số nhà đầu tiên dùng sẽ bị hiện tượng nước như trên".

Máy lọc nước chỉ đủ cấp nước cho nấu ăn nên gia đình anh Tạ Hiếu (CT15) hàng ngày trước khi đi làm phải xả nước ra các chậu, sau đó chiều về lọc vỏ lắng cặn để lấy nước tắm cho lũ trẻ.

Ban quản lý và các hộ gia đình đã mang mẫu nước đi kiểm tra, kết quả cho thấy độ ô nhiễm tạp chất hữu cơ cao gấp hơn 2 lần so với quy định của Bộ Y tế, hàm lượng asen cũng vượt ngưỡng cho phép. Ông Đức hứa "cuối tháng 4 sẽ hoàn thành rà soát, hiệu chỉnh lại thiết kế bể mái để cải thiện tình trạng cặn, đảm bảo vệ sinh, chất lượng nước, mong các hộ dân kiên nhẫn một chút nữa để tìm nguyên nhân và cách xử lý triệt để".

Ngọc Thành