Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ tư, 24/6/2015, 11:59 (GMT+7)

Nước mắt ngày về của 32 người bị lốc xoáy nhấn chìm

Thoát chết sau cơn lốc xoáy nhấn chìm tàu ở vùng biển Trường Sa, sáng nay, 32 ngư dân được đưa về đến Quảng Ngãi trong nước mắt, nụ cười của người thân.

Sau khi được tàu Hải quân 626 (Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân) đưa từ Trường Sa về Bà Rịa - Vũng Tàu, rạng sáng 24/6 các ngư dân gặp nạn tiếp tục được xe đưa về Quảng Ngãi đoàn tụ gia đình.

Ôm con trai 5 tuổi vào lòng nựng nịu, bên người vợ trẻ giàn giụa nước mắt, ngư dân Nguyễn Phú Cầu (ngụ xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn) thốt lên: "Ba còn sống về với con đây".

Anh Cầu cho biết, rạng sáng 17/6, lốc xoáy bất ngờ ập đến kèm những cột sóng cao 5 m dội thẳng xuống khiến tàu nghiêng rồi chìm. 32 ngư dân cố ôm chặt những thanh tre phơi mực, mặc cho sóng gió quật tơi bời. "Đinh nhọn từ giàn tre xóc vào da thịt đau buốt nhưng không ai dám buông. Khi giàn phơi mực bị sóng đánh dạt ra khỏi tàu, anh em chia nhau ôm can, phuy nhựa phó mặc số phận", anh Cầu kể. 

Đón chồng trở về, bà Nguyễn Thị Dung (vợ thuyền trưởng Đỗ Mai Tấn) khóc òa, bà đã mất ngủ mấy ngày nay vì mừng. "Lúc hay tin tàu ông ấy bị lốc xoáy nhấn chìm, tôi rụng rời chân tay, nghĩ chồng và các anh em chết cả rồi", bà Dung mếu máo.  

Khi tàu bị lốc cuốn lật nghiêng, ông Tấn kịp điện Icom cầu cứu tàu của ông Lê Đức Rý (quê Quảng Nam) đang đánh bắt gần đó. Cho tàu đến ứng cứu ngay nhưng phải hơn 3 giờ sau ông Rý mới đến gần khu vực ông Tấn gặp nạn do gió to, sóng lớn. "Cuộc cứu hộ bằng hai chiếc thuyền thúng, chia làm ba đợt, diễn ra trong thời tiết biển nguy hiểm suốt 6 giờ (từ 3h đến 9h sáng) mới kết thúc. 14 người cuối cùng được cứu khi bị đánh dạt khỏi vị trí con tàu gặp nạn hơn 8 hải lý", ông Tấn kể.

Găp lại vợ và con trai đầu lòng tròn 2 tuổi, ngư dân Phạm Khắc Huy (ngụ xã Bình Chánh) bảo rằng chưa dám tin mình còn sống trở về. "Lúc bị rơi xuống biển tôi nghĩ mình sẽ chết. Trong lúc chống chọi với các con sóng to, tôi nhớ về vợ và con", anh nói và siết chặt lấy con.

 

Ngư dân Võ Văn Đạo (ngụ xã Bình Dương, huyện Bình Sơn) bị thương khi giàn tre phơi mực đập vào người. "Lúc bám vào giàn, bị nhiều đợt sóng cao đánh, toàn thân tôi tê buốt. Đến chừng được đưa vào cấp cứu ở đảo Tốc Tan (Trường Sa) tôi mới biết mình bị gãy ba xương sườn", anh Đạo nói. 

Mừng vì giữ được tính mạng trở về, song 32 ngư dân đều mang vẻ nặng trĩu khi đề cập đến thiệt hại của chuyến biển. Họ cho biết sau một tháng ra khơi đã câu được khoảng 15 tấn mực (tương đương 1,2 tỷ đồng) nhưng thủy thần đã cuốn đi tất cả. Cộng với giá trị con tàu 3 tỷ đồng, chi phí đi biển 600 triệu, tổng thiệt hại của các ngư dân lên đến gần 5 tỷ. 

Lãnh đạo huyện Bình Sơn thăm hỏi, động viên các ngư dân. Ông Trần Quan Tâm, Chủ tịch UBND xã Bình Chánh cho hay, trước mắt địa phương kêu gọi các hội đoàn thể, tổ chức, cá nhân chung tay giúp đỡ gia đình các ngư dân gặp nạn vượt qua khó khăn. Về lâu dài xã kiến nghị cấp trên hỗ trợ chính sách, cơ chế vay vốn ưu đãi để các ngư dân đóng lại tàu thuyền tiếp tục vươn khơi, bám biển, ổn định cuộc sống. 

Lời kể của ngư dân thoát chết trong lốc xoáy trở về từ Trường Sa
 
 

Ngư dân kể chuyện thoát chết ở Trường Sa

Trí Tín